Liên Hợp Quốc lên án nạn tảo hôn ở Zimbabwe khi bé gái tử vong sau sinh

09/08/2021 - 11:30

PNO - Cái chết của bé gái Memory Machaya, 14 tuổi, sau khi sinh con tại một đền thờ đã gây ra sự phẫn nộ trong công chúng và các nhà hoạt động vì nhân quyền, đồng thời khiến Liên Hợp Quốc (LHQ) lên án nạn tảo hôn ở nước này.

Trước nay, chính phủ Zimbabwe làm đã làm ngơ trước nạn tảo hôn và tình trạng đa thê ở nước này. Zimbabwe có hai bộ luật hôn nhân, đó là Đạo luật Hôn nhân và Đạo luật Hôn nhân theo phong tục. Cả hai đạo luật này đều không quy định độ tuổi tối thiểu để kết hôn, trong khi luật hôn nhân theo phong tục lại cho phép đa thê.

Cái chết của bé gái Memory Machaya, 14 tuổi, sau khi sinh con đã gây ra sự phẫn nộ trong công chúng và các nhà hoạt động vì nhân quyền
Cái chết của bé gái Memory Machaya đã gây ra sự phẫn nộ trong công chúng và các nhà hoạt động vì nhân quyền

Hiện, Zimbabwe đang đưa ra một dự luật mới, vẫn còn đang tranh luận trong quốc hội, nhằm đồng bộ hóa các bộ luật hôn nhân. Dự luật này cấm việc kết hôn với bất kỳ ai dưới 18 tuổi và tất cả những ai liên quan đến hôn nhân trẻ vị thành niên sẽ bị truy tố.

Trong một tuyên bố, văn phòng của LHQ tại Zimbabwe cho biết cơ quan này “ghi nhận sự việc nói trên với sự quan tâm sâu sắc, và lên án mạnh mẽ” những hành động dẫn đến cái chết của Memory Machaya - một bé gái 14 tuổi sống ở vùng nông thôn Marange, thuộc miền đông của nước này.

“Điều đáng buồn là thời gian gần đây Zimbabwe liên tục xuất hiện các thông tin đáng lo ngại về nạn xâm phạm tình dục trẻ em gái vị thành niên, trong đó có nhiều vụ cưỡng bức hôn nhân trẻ em”, LHQ lên tiếng và cho biết, cứ 3 cô gái ở Zimbabwe thì có 1 cô có khả năng sẽ bị ép kết hôn trước khi tròn 18 tuổi.

Cảnh sát và Ủy ban giới tính của Zimbabwe cho biết đang điều tra cái chết và nơi mai táng của Machaya.

Theo truyền thông địa phương, Machaya đã tử vong vào tháng 7 nhưng đến tuần trước thì vụ việc mới được đưa ra ánh sáng, sau khi những người thân của em tức giận vì bị lực lượng an ninh nhà thờ ngăn cản tham tham dự lễ mai táng em, và đã kể câu lại chuyện của gia đình họ với báo chí nhà nước.

Trước thông tin trên, nhiều người dân Zimbabwe và các nhà hoạt động nhân quyền đã bày tỏ sự phẫn nộ trên mạng xã hội.

“Những gì mà bạn nhìn thấy hôm nay - một thiếu nữ bị ép kết hôn, rồi phải mang thai và chết - không phải là sự lầm lạc của bản thân em, mà đó là hậu quả của một hủ tục kéo dài trong nhiều năm liền ở Zimbabwe. Theo đó, phụ nữ ở nước này không được coi là con người hoàn toàn, với đầy đủ các quyền cá nhân, quyền lựa chọn, quyền kiểm soát cơ thể”, Everjoice Win - một nhà hoạt động vì quyền lợi và nữ quyền - đã viết trên trang Twitter cá nhân.

Nhất Nguyên (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI