Lễ hội Áo dài TP.HCM 2022 - Thúc đẩy phục hồi du lịch

02/03/2022 - 06:28

PNO - Lễ hội áo dài năm nay được xác định là một trong những sự kiện văn hóa trọng tâm của TP.HCM, gắn liền với việc thúc đẩy sự phục hồi của ngành du lịch thành phố sau thời gian đóng băng vì dịch bệnh.

Du lịch Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn vào ngày 15/3 tới đây. TP.HCM cũng đang trong tâm thế đón chào khách du lịch trở lại. Nhiều hoạt động, sự kiện được lên kế hoạch nhằm giúp các sản phẩm du lịch đa dạng hơn. Trong đó, Lễ hội Áo dài TP.HCM với chủ đề Tôi yêu áo dài Việt Nam được tổ chức trong tháng Ba và tháng Tư - trùng thời điểm mở cửa du lịch. Vì thế, sự kiện văn hóa này được xem là một trong những thành tố giúp phục hồi du lịch, đặc biệt mảng du lịch văn hóa.

Các đại sứ của Lễ hội Áo dài TP.HCM 2022
Các đại sứ của Lễ hội Áo dài TP.HCM 2022

Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - nhấn mạnh: Lễ hội Áo dài là sự kiện tiêu biểu của du lịch văn hóa: “Chúng tôi đặt mục tiêu năm sau phải luôn tốt hơn năm trước. Năm nay, sự kiện có nhiều nét mới, truyền tải thông điệp áo dài không chỉ dành riêng cho Việt Nam mà còn lan tỏa ra thế giới”. 

Qua bảy kỳ tổ chức, sự kiện đã trở thành một thương hiệu. Bước sang năm thứ tám, ngoài những tiết mục quen thuộc như: lễ khai mạc, trình diễn áo dài, các chương trình truyền cảm hứng… lễ hội còn có những điểm đặc biệt để kích cầu du lịch. Tại đường đi bộ Nguyễn Huệ, trong hai ngày 5-6/3 sẽ có những buổi trình diễn áo dài gắn với ba loại hình nghệ thuật, ba di sản văn hóa phi vật thể do UNESCO công nhận, gồm: quan họ, ví dặm và đờn ca tài tử đại diện cho ba miền. 

Tại đây cũng có không gian triển lãm áo dài và các điểm đến du lịch. Chung kết cuộc thi Duyên dáng áo dài được tổ chức vào tháng Tư, cũng là thời điểm diễn ra ngày hội Du lịch TP.HCM. Ban tổ chức (BTC) lễ hội cũng đưa phần thi Áo dài online lên TikTok - mạng xã hội vượt mốc một tỷ người dùng hằng tháng (số liệu thống kê tháng 9/2021). Ngoài ra, BTC còn kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tour quảng bá áo dài.

Các nghệ sĩ, người nổi tiếng sẽ đồng hành cùng lễ hội năm nay với vai trò đại sứ: Hoa hậu H'Hen Niê, NSND Kim Xuân, NSƯT Trịnh Kim Chi (ngồi, từ trái sang), Á hậu Kim Duyên, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, vận động viên điền kinh Tú Chinh (đứng, từ trái sang)
Các nghệ sĩ, người nổi tiếng sẽ đồng hành cùng lễ hội năm nay với vai trò đại sứ: Hoa hậu H'Hen Niê, NSND Kim Xuân, NSƯT Trịnh Kim Chi (ngồi, từ trái sang), Á hậu Kim Duyên, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, vận động viên điền kinh Tú Chinh (đứng, từ trái sang)

Một nét mới phải kể đến là cuộc vận động thiết kế áo dài Việt Nam bước ra thế giới dành cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, diễn ra trong suốt tháng Ba và tháng Tư. Những năm qua, lực lượng sáng tạo trẻ này đã nhiều lần tạo ấn tượng với hình ảnh áo dài cách tân trên các đấu trường nhan sắc quốc tế. 

Nhằm kích cầu việc mua sắm áo dài, BTC cũng kết hợp với một số nghệ nhân, thương hiệu, nhằm giảm giá từ 5-50% cho du khách đến may, đo, đặt mua áo dài tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Nơi đây cũng tổ chức trưng bày triển lãm áo dài Việt Nam qua các thời kỳ, cũng như áo dài gắn với những nhân vật lịch sử nổi tiếng. 

Hiện, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Vì thế, các biện pháp, nguyên tắc phòng, chống dịch vẫn được BTC quan tâm hàng đầu khi lễ hội diễn ra. Ông Lê Trương Hiền Hòa cho biết, Sở Du lịch xác định trong năm 2022 này, sự kiện nào có khả năng sẽ tổ chức thì ưu tiên tổ chức ngoài trời với không gian thoáng đãng. 

Bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Áo dài, một trong những người đồng hành cùng các kỳ lễ hội áo dài - nhận định: Qua các kỳ tổ chức lễ hội đã có sự thay đổi tích cực. Cụ thể, trước mỗi lần tổ chức, BTC đều lấy ý kiến nhiều người, chắt lọc để có những điểm mới, thay đổi phương hướng truyền thông hợp lý, tăng yếu tố văn hóa...

“Thường các quốc gia sẽ tiến hành quảng bá sự kiện trước nửa năm để độ phủ sóng rộng, các doanh nghiệp cũng có kế hoạch xây dựng tour hợp lý. Chúng ta lại thường làm gấp, hơi vội. Ngoài việc trình diễn, cũng cần làm tăng tính ứng dụng, đưa áo dài gắn với cuộc sống để trang phục này không chỉ đơn thuần là thời trang, mà còn là dấu ấn cuộc sống, văn hóa của người Việt. TP.HCM là một nơi phát triển năng động, trong đó có cả giá trị xưa và nay, nên việc gom lại để kể một câu chuyện về áo dài sẽ tương đối khó, nhưng cần phải làm thật tốt để tăng chiều sâu. Để áo dài là thời trang thì ở đâu cũng có thể trình diễn được, nhưng để áo dài là văn hóa thì họ phải tìm đến Việt Nam, TP.HCM”, bà Vân chia sẻ.

Các hoạt động chính trong Lễ hội Áo dài TP.HCM 2022:

- Chương trình khai mạc lễ hội: ngày 5/3 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, trình diễn 15 bộ sưu tập áo dài.

- Diễu hành áo dài với chủ đề Khát vọng hòa bình: sáng 6/3, tại đường đi bộ Nguyễn Huệ, công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, các điểm du lịch nổi tiếng tại TP.HCM…

- Chương trình nghệ thuật Áo dài ơi: tối 6/3, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Triển lãm áo dài và các điểm đến du lịch: 5-6/3 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.

- Cuộc thi Duyên dáng áo dài: Ngày 2/3-15/4, thông tin chi tiết có thể tìm hiểu thêm trên website, fanpage của Lễ hội Áo dài.

- Cuộc thi Áo dài online: Ngày 4-31/3, trên TikTok, website của lễ hội.

- Cuộc vận động thiết kế Áo dài Việt Nam ra thế giới: Ngày 2/3-15/4, dành cho các nhà thiết kế trẻ, sinh viên các trường đại học, cao đẳng…

- Cuộc thi vẽ dành cho thiếu nhi với chủ đề Áo dài và hoa: Ngày 12 -13/3 tại Thư viện Khoa học Tổng hợp.

- Các chương trình truyền cảm hứng về áo dài tại các điểm du lịch, công trình kiến trúc cổ, di tích lịch sử… từ ngày 14/3-17/4.

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI