Lấy chồng Tây không cần gắn mình với cái bếp?

27/03/2024 - 13:15

PNO - 5 năm làm vợ, cô chưa hề nấu một bữa ăn cho anh chồng người nước ngoài.

3 người bạn thời đại học nay đã về hưu gặp lại ngồi nói chuyện với nhau. Chị thứ nhất đang sống ở nước ngoài với vợ chồng con gái. 2 chị còn lại ở trong nước. Chị thứ hai có 2 con gái đều đi học nước ngoài, một cô về Việt Nam làm việc, cô kia chưa ra trường. Chị thứ ba, có 1 con trai và 1 con gái học và làm việc trong nước. Chú thích thêm, cả 3 chị đều thuộc dạng “gái xưa”, quan niệm hơi cổ hủ một về vấn đề nuôi dạy con gái.

Chị thứ nhất kể chuyện rằng, chưa thấy ai sướng như con gái chị. 5 năm làm vợ, cô chưa hề nấu một bữa ăn cho chồng (là người nước ngoài). Đi làm về, nếu không nằm dài trong phòng nghe nhạc thì cô vào nhà tắm, mở nước đầy bồn, rải những cánh hoa hồng, lối vào nhà tắm cô sắp 2 hàng nến, sau đó cô thả mình trong bồn nước vừa nghe nhạc, vừa chat với bạn hay đọc sách. Chồng mang vào cho cô đĩa trái cây nhỏ.

Khi cô bước ra khỏi nhà tắm là trên bàn ăn với khăn trải bàn trắng tinh đã có đầy đủ các thứ do chồng cô chuẩn bị. Chị bảo, lúc mới qua với con gái, chị trông thấy cảnh đó mà “hết hồn”.

Một đời chị này thuộc dạng phụ nữ tận tụy phục vụ chồng con, ăn sáng chưa xong đã nghĩ đến trưa ăn gì, chiều đổi món ra sao. Chồng/con vừa mở lời thích món này món khác, dù nguyên liệu trái mùa, chị cũng lặn lội tìm mua cho được đem về chế biến.

Chị kết luận, do chị cho con gái đi du học sớm quá (15 tuổi) nên cháu hấp thụ văn hóa phương Tây. Con gái chị cho rằng chồng cô phải phục vụ cô là chuyện đương nhiên, không có gì phải suy nghĩ.

Bàn ăn chồng chuẩn bị
Bàn ăn người chồng Tây chuẩn bị cho vợ (ảnh minh họa)

Trường hợp con gái chị thứ hai lại khác. Cô học 5 năm ở Singapore sau đó về Việt Nam làm việc. Cô có lối sống khá thoải mái. Sau khi trải qua vài mối tình, cô “trụ” lại với một anh chàng người Anh và sắp có em bé. Điều chị buồn là: “Chúng nó thông báo có em bé nhưng không cho biết khi nào làm lễ cưới”. Lại thêm nỗi lo lắng, con gái chị là người có cá tính, không thích ai điều khiển mình; tuy nhiên người yêu của cô vốn tính chu đáo, từ khi biết sắp có con, chàng ta lúc nào cũng quan tâm chăm sóc bạn gái nhiều khi đến từng chi tiết nhỏ gây khó chịu cho người yêu. Cô con gái thỉnh thoảng lại điện thoại cho mẹ phàn nàn điều này.

Biết tính con ít chịu nghe những lời khuyên của mẹ nên chị không biết khuyên con thế nào đây? Chiều chồng ư? Không thể. Bảo nó chấp nhận sự chăm sóc của người yêu thì nó lại than mất tự do… Chỉ có cách duy nhất là nói với bạn trai nó. Nhưng nói cách nào? Văn hóa Đông - Tây đâu phải nói ra hiểu liền?

Ngày cuối tuần cô con gái tuyên bố với người yêu: “Ở với nhau 6 ngày đủ rồi, ngày Chủ nhật tự do, anh đi nhậu với bạn bè đi, tôi về nhà mẹ”. Lý do cô về nhà mẹ chỉ để thỏa cơn thèm món canh cua rau đay ăn với cà pháo mắm tôm. Đang thời kỳ nghén, nghĩ đến những món ăn Tây là cô muốn buồn nôn, mà cả tuần ngày nào cô cũng phải ăn một cách chịu đựng với lý do bố của đứa bé muốn con sinh ra phải được thông minh bằng cách chăm sóc dinh dưỡng từ trong bụng mẹ. Chưa kể, ý anh bố trẻ muốn là sau khi sinh con cô phải ở nhà chăm sóc bé.

Chồng vào bếp là hạnh phúc gia đình?
Chồng vào bếp mới là hạnh phúc gia đình? (ảnh minh họa)

Nhưng dù thế nào, 2 người mẹ trên vẫn kết luận rằng, chính vì được đào tạo ở nước ngoài, nhờ tư tưởng “lady first” đàn ông dành cho phụ nữ nên con gái hai chị vẫn sướng hơn con gái chị thứ ba học trong nước.

Người mẹ thứ ba không nói gì, vì hiện con gái chị chưa lập gia đình. Chị chưa thể hình dung ra được cuộc sống vợ chồng tương lai của con gái thế nào. Cô ấy sẽ chăm sóc chồng/con chu đáo như thế hệ của chị hay cô sẽ “tỉnh bơ” phó mặc hết công việc nhà cho chồng?

Thế hệ phụ nữ như chị sở dĩ thiệt thòi vì luôn nghĩ vai trò của mình là bên cái bếp và chồng vẫn mang nặng tư tưởng “đã là đàn ông...”.

Chính bởi “đã là đàn ông” nên cần phải gánh vác, người mẹ thứ ba chợt nghĩ thế. Và chị cũng vừa nhớ ra nhiều cô bạn trẻ làm dâu xứ người vẫn khoe cách chăm sóc chồng con, những món ăn ngon trên Facebook. Phải chăng các cô ấy thuộc thế hệ 7X, không được đi du học từ nhỏ như thế hệ 8X, 9X nên vẫn giữ “nếp cũ” mẹ dạy?

Kim Duy

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI