Lan tỏa “tinh thần Trần Văn Khê” trong âm nhạc dân tộc

26/07/2023 - 06:02

PNO - Sau 8 năm, kể từ khi giáo sư Trần Văn Khê qua đời, di nguyện của ông đã được thực hiện với việc thành lập Quỹ Trần Văn Khê (năm 2021) và tổ chức trao học bổng và Giải thưởng Trần Văn Khê 2023 - lần I. Những người tâm huyết với âm nhạc dân tộc đã có thêm nguồn động viên ý nghĩa.

Cầu nối đưa nhiều người đến với âm nhạc dân tộc 

Theo nhà báo Nguyễn Thế Thanh - Phó giám đốc Quỹ học bổng Trần Văn Khê, sau khi giáo sư (GS) Trần Văn Khê qua đời vào ngày 24/6/2015, ban tang lễ của ông đã chuyển thành nhóm Thân hữu Trần Văn Khê. Nhóm có trách nhiệm tìm kiếm nguồn lực và những người đồng hành cùng thực hiện di nguyện của ông là cổ vũ, khuyến khích những người nhiệt tâm theo đuổi và có thành tựu trong hoạt động âm nhạc dân tộc.  

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao giải thưởng Trần Văn Khê cho các nghệ sĩ, giảng viên, nhà nghiên cứu... ở buổi lễ tổ chức ngày 23/7 - ảnh: nguyễn á
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao giải thưởng Trần Văn Khê cho các nghệ sĩ, giảng viên, nhà nghiên cứu... ở buổi lễ tổ chức ngày 23/7 - Ảnh: Nguyễn Á

Sau 8 năm với nhiều nỗ lực, 9 suất học bổng đầu tiên được trao cho 9 sinh viên xuất sắc của Nhạc viện TPHCM, Học viện Âm nhạc Huế và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Đặc biệt, giải thưởng Trần Văn Khê cũng tôn vinh 6 cá nhân có nhiều cống hiến và thành tựu trong phát huy giá trị các loại hình âm nhạc dân tộc Việt Nam là: Nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đời (nguyên Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TPHCM); nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan; nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Bùi Trọng Hiền; Nghệ sĩ ưu tú, tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Phượng (Trưởng khoa Âm nhạc Dân tộc, Nhạc viện TPHCM); Nghệ sĩ ưu tú, tiến sĩ Cồ Huy Hùng (Trưởng khoa Âm nhạc Dân tộc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam); nhạc sĩ, thạc sĩ âm nhạc dân tộc Phan Nhứt Dũng.

Đó là những cá nhân có bề dày hoạt động từ trình diễn đến nghiên cứu học thuật lẫn giảng dạy, làm cầu nối đưa nhiều người đến với âm nhạc dân tộc. Theo bà Nguyễn Thế Thanh, vì nhiều lý do, số lượng hồ sơ đề cử chưa như kỳ vọng nhưng đó đều là những đề cử rất xứng đáng, đáp ứng tiêu chí chặt chẽ của ban tổ chức về tài năng và cống hiến.

Hơn 30 năm gắn bó với âm nhạc dân tộc, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nhớ mãi những lần hội ngộ quý giá với GS Trần Văn Khê. “Cái duyên của tôi với bác Khê kéo dài trong 10 năm, mở đầu từ cồng chiêng Tây Nguyên và khép lại với ả đào. Năm 2015, trước khi bác Khê mất, tôi đã xin được nhiều tư liệu rất quý, cả về học thuật lẫn lịch sử của nghệ thuật hát ả đào để sử dụng trong việc giảng dạy” - nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chia sẻ niềm xúc động khi nhận giải thưởng Trần Văn Khê.

Nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng cũng cống hiến cả đời cho nhạc lễ và đờn ca tài tử. Nhiều lần gặp GS Trần Văn Khê trong những lần lưu diễn nước ngoài và trong 9 năm ông sống tại quê hương, nhạc sĩ luôn ghi nhớ và cố gắng học hỏi tinh thần tận hiến vì âm nhạc dân tộc của GS Trần Văn Khê. “Ông đặc biệt quan tâm đến việc nuôi dưỡng thế hệ trẻ. Không hề phê phán, chê bai điều gì mà luôn động viên mọi nỗ lực, bắc thang cho học trò đi lên, cổ vũ, hun đúc ngọn lửa nhiệt huyết với âm nhạc dân tộc cho những người trẻ” - nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng nói.  

Mong mỏi sớm có "Nhà Trần Văn Khê"  

Chia sẻ về phương hướng phát triển, bà Nguyễn Thế Thanh cho biết, Quỹ học bổng Trần Văn Khê đã nhận được sự ủng hộ của Trường đại học Văn Lang, nhiều nhà hảo tâm nặng lòng với âm nhạc dân tộc và sắp tới sẽ đẩy mạnh các hoạt động gây quỹ, cũng như khuếch trương âm nhạc dân tộc qua các sự kiện văn hóa.

Những gương mặt được tôn vinh giải thưởng và nhận học bổng Trần Văn Khê 2023.
Những gương mặt được tôn vinh giải thưởng và nhận học bổng Trần Văn Khê 2023

Đặc biệt, nhóm Thân hữu Trần Văn Khê, các học trò và người yêu mến ông cũng mong mỏi địa chỉ 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TPHCM) - ngôi nhà GS Trần Văn Khê đã sống 9 năm cuối đời, từng tổ chức nhiều buổi diễn xướng nghệ thuật dân tộc, lưu giữ hàng ngàn tư liệu, hiện vật quý ông đem từ Pháp về - được khôi phục như một địa chỉ văn hóa dành cho giới nghiên cứu, trình diễn âm nhạc dân tộc. “Nơi đó gọi là nhà Trần Văn Khê như các nước đã có nhà Victor Hugo, nhà Goethe, nhà Sille… lưu giữ kỷ niệm về các danh nhân. Đó sẽ là địa chỉ để mọi người có thể thường xuyên đến tra cứu tài liệu, tọa đàm, tổ chức trình diễn, giao lưu, kết nối âm nhạc dân tộc, văn hóa các nước…” - bà Nguyễn Thế Thanh nói.

Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc chia sẻ kỷ niệm khi làm vở kịch Bí mật vườn Lệ Chi với phần âm nhạc dựa trên làn điệu ca trù nhưng lại được thể hiện hoàn toàn bởi dàn nhạc điện tử. GS Trần Văn Khê đã đến xem và khen ngợi cách làm này. Nghệ sĩ Thành Lộc mong rằng Giải thưởng Trần Văn Khê nên mở rộng đối tượng, có thể hướng đến những người sáng tạo tác phẩm nghệ thuật không hẳn thuần dân tộc nhưng biết sử dụng các chất liệu dân tộc, đặc biệt là âm nhạc dân tộc, để tăng hiệu quả cho tác phẩm.

“Tôi xin dẫn câu nói của nhà soạn nhạc người Pháp gốc Việt Nguyễn Thiên Đạo: Ngày xưa cái chiếu chèo làm bằng sợi cói, sợi lát; nhưng ngày nay chiếu chèo có khi được làm bằng kim loại. Như vậy, hoàn toàn có thể thể hiện được hồn dân tộc trên các phương tiện hiện đại, đương đại. Tin rằng, tinh thần này cũng không nằm ngoài nguyện vọng, suy nghĩ của bác Khê. Điều đó lại càng khích lệ cho người làm nghệ thuật, đặc biệt là giới trẻ, quan tâm đến giải thưởng nhiều hơn và nỗ lực hơn trong thể hiện cái hồn dân tộc trong âm nhạc hay nghệ thuật đương đại” - Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc chia sẻ. 

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI