Làn sóng lây nhiễm thứ ba đe dọa châu Âu giữa lúc tốc độ tiêm chủng chậm lại

15/03/2021 - 21:44

PNO - Ý bắt đầu quay lại trình trạng phong tỏa, khiến hàng triệu người phải hủy bỏ kế hoạch mừng lễ Phục sinh. Làn sóng lây nhiễm thứ ba đe dọa bao trùm châu Âu, một năm sau khi đại dịch bắt đầu.

Trong viễn cảnh tương tự như tháng 3/2020 - khi Ý trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên hạn chế việc di chuyển của người dân do COVID-19, công dân bị cấm đi lại giữa các khu vực từ thứ Hai 15/3, và toàn bộ quốc gia sẽ đặt trong tình trạng "vùng đỏ" suốt dịp lễ Phục sinh.

Thủ tướng mới của Ý Mario Draghi nói rằng các quy tắc là cần thiết bởi vì "quốc gia không may đang đối mặt với một làn sóng lây nhiễm mới", một thực tế đáng thất vọng sau 12 tháng đau khổ của đại dịch.

Bệnh Nhân COVID-19 được máy bay đưa khỏi Paris, Pháp hôm 14/3 để giảm tải cho hệ thống y tế thủ đô
Bệnh nhân COVID-19 được máy bay đưa khỏi Paris, Pháp hôm 14/3 để giảm tải cho hệ thống y tế thủ đô

Bức tranh ảm đạm cũng bao trùm trên khắp châu Âu, nơi một số quốc gia đang tìm mọi cách ứng phó với sự gia tăng số bệnh nhân COVID-19 hằng ngày.

Hôm 15/3, Đức tiếp tục ghi nhận sự gia tăng về số ca nhiễm mới. Ở Pháp, số ca nhập viện lại tăng; tình hình trở nên nghiêm trọng ở Paris vào cuối tuần qua, buộc các nhà lãnh đạo bắt đầu sơ tán khoảng 100 bệnh nhân COVID-19 khỏi khu vực, nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện.

Người phát ngôn chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết hôm 14/3 rằng số bệnh nhân COVID-19 sẽ được chuyển đến "những khu vực khác, nơi các phòng chăm sóc tích cực ICU ít căng thẳng hơn".

Hệ thống bệnh viện ở Paris đã hủy bỏ nhiều cuộc phẫu thuật để giải quyết đợt bùng phát. Bộ trưởng Y tế Olivier Véran cho biết, mỗi 12 phút lại có một bệnh nhân COVID-19 được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt.

Nguyên nhân chính của làn sóng nhiễm trùng khắp lục địa già dường như là biến thể COVID-19 dễ lây lan hơn lần đầu tiên được xác định ở Anh. Theo số liệu chính thức mới nhất ở Pháp, biến thể này chiếm đến 66% số ca mắc bệnh.

Nhiều quốc gia đang tạm ngưng sử dụng vắc-xin của Oxford - AstraZeneca vì lo ngịa biến chứng đông máu
Nhiều quốc gia đang tạm ngưng sử dụng vắc-xin của Oxford - AstraZeneca vì lo ngại biến chứng đông máu

Hơn nữa, châu Âu hiện đang gánh chịu gánh nặng của việc tiêm chủng vắc-xin trì trệ, với khoảng một chục quốc gia đã ngừng hoặc thay đổi lịch trình sử dụng vắc-xin COVID-19 của Oxford-AstraZeneca, vì lo ngại về các báo cáo rằng sản phẩm có thể liên quan đến tình trạng phát triển cục máu đông. Mặc dù cho đến nay, không có bằng chứng rõ ràng nào chứng minh mối liên hệ.

AstraZeneca khẳng định mức độ an toàn của mũi tiêm vào Chủ nhật 14/3, nói rằng việc xem xét cẩn thận 17 triệu người được tiêm vắc-xin này ở châu Âu cho thấy không có "bằng chứng" nào khẳng định mối liên hệ với các cục máu đông.

Tấn Vĩ (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI