Làm sao để tránh cạm bẫy buôn người?

29/07/2023 - 06:28

PNO - Dù có nhiều cảnh báo đã được đưa ra, nhưng nhiều người vẫn trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Theo Công an TPHCM, nạn nhân của bọn buôn người chủ yếu bị bán qua Campuchia. Bọn tội phạm thường đưa thông tin tuyển lao động “việc nhẹ, lương cao” đến vài ngàn USD lên mạng xã hội để dụ người lao động.

Khi “con mồi” đã “vào tròng”, chúng sẽ thu giữ điện thoại, giấy tờ tùy thân và sử dụng ô tô chở sang Campuchia. Đến biên giới, nạn nhân sẽ được nhóm đối tượng khác đưa trái phép sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch, rồi lại bị nhóm khác đưa đến những nơi ở biệt lập có người canh gác.

Nạn nhân bị ép ký hợp đồng lao động, trong đó có nội dung phải bồi thường tiền nếu không tiếp tục làm việc. Đến lúc này nạn nhân mới biết mình bị lừa bán, bị bắt làm việc và bị giam lỏng. 

Anh Nguyễn Anh Kiệt - 22 tuổi, quê Đồng Tháp, người được giải cứu từ Campuchia về - kể lại: “Tôi lên TPHCM làm phục vụ quán nhậu. Một người đàn ông thường đến quán gạ gẫm tôi bằng lời mời chào việc nhẹ lương cao. Khi tôi đồng ý thì anh này thuê xe chở tôi sang Campuchia. Đến nơi tôi mới biết mình bị lừa bán”.

Vụ người lao động bị lừa, đào thoát khỏi casino tại Campuchia vào tháng 8/2022
Vụ người lao động bị lừa, đào thoát khỏi casino tại Campuchia vào tháng 8/2022

Cũng theo anh Kiệt, khi biết mình bị lừa bán, anh đã vào Facebook của nhóm Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải cầu cứu và được các hiệp sĩ sang tận nơi giải cứu. “Các bạn trẻ đừng tin vào những lời dụ dỗ việc nhẹ, lương cao mà hãy cảnh giác để đừng trở thành nạn nhân của bọn buôn người, để rồi sau đó bị ép lừa đảo đồng bào mình” - anh Kiệt nói.

Công an thành phố thông tin thêm, khi đã bị bán sang Campuchia, nếu nạn nhân làm việc không hiệu quả hoặc không chịu làm việc thì sẽ bị bán tiếp qua công ty khác. Nếu nạn nhân muốn về nhà thì bọn buôn người sẽ gọi điện cho gia đình đòi tiền chuộc. Một số người là nạn nhân của bọn buôn người sau đó đã tiếp tay cho chúng cũng với chiêu dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao” đối với những người thân quen.

Theo phân tích của phía công an, các đối tượng có nhu cầu đi xuất khẩu lao động thường ở độ tuổi 18-30. Đây là nhóm tuổi thích sử dụng mạng xã hội. Nhắm vào thói quen này, bọn buôn người đã quảng cáo tuyển dụng đi lao động nước ngoài trên các mạng xã hội với chi phí rẻ, điều kiện dễ dàng… để lừa nhiều người sập bẫy.

Công an khuyến cáo mọi người cần tìm hiểu kỹ những thông tin về công việc, nhất là lao động ở nước ngoài, trước khi quyết định. 

Đối với những thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, người lao động cần kiểm tra tính chính xác của từng nội dung (chẳng hạn về mức lương) để xem thông tin có bị “thổi phồng” nhằm dụ dỗ, lừa đảo. 

Để nhận diện và phân biệt đâu là thông báo tuyển dụng chính thức, người lao động cần bình tĩnh kiểm tra kỹ mọi thông tin liên quan gồm: tên công ty, quy mô của công ty. Công ty có bộ phận tư vấn tuyển sinh, đào tạo tiếng, đào tạo nghề, giấy phép hoạt động hay không.

Và quan trọng nhất là phải kiểm tra trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động nước ngoài (www.dolab.gov.vn) xem công ty đó có được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp phép phái cử lao động hay không.

Hoàng An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI