Làm Ôsin xứ người - Bài 3: Lối thoát cuối cùng

24/03/2014 - 07:25

PNO - PN - Bất chấp chính phủ đã cấm đến Lebanon làm người giúp việc nhà, chị Alem Dechasa-Desisa, người Ethiopia, vẫn liều mạng sang Beirut kiếm tiền và chỉ hơn một tháng sau, chị vỡ mộng. Alem đã chọn cái chết như lối thoát cuối cùng.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngày 8/3/2012, đài truyền hình Lebanon LBCI phát đoạn video quay cảnh một phụ nữ bị túm đầu lôi xềnh xệch trên đường phố, trước khi bị đẩy vào một chiếc xe con hết sức thô bạo bên ngoài Tổng lãnh sự quán Ethiopia ở Beirut. Vụ việc xảy ra ngày 24/2, do một người đi đường quay lại. Đoạn video cũng được phát tán trên trang mạng Youtube với hàng chục ngàn lượt truy cập.

Lam Osin xu nguoi - Bài 3: Loi thoat cuoi cung

Alem Dechasa-Desisa và con trai khi còn ở Ethiopia - Ảnh: The Guardian

Tuần nào cũng có người giúp việc chết

Người phụ nữ trong đoạn băng được xác định là Alem Dechasa-Desisa, 33 tuổi người Ethiopia, còn hung thủ là Ali Mahfouz, em trai của giám đốc công ty môi giới đã đưa chị Alem sang Lebanon làm người giúp việc. Chị Alem đến Tổng lãnh sự cầu cứu vì bị chủ nhà ngược đãi nhưng lại bị những người ở đây xua đuổi. Thình lình, một chiếc xe chở Ali và “đồng bọn” xuất hiện, “xúc” chị đi.

Do chị kháng cự kịch liệt, Ali đã dùng vũ lực. Cảnh sát ập đến khi chiếc xe chưa kịp lăn bánh. Ali giải thích, công ty muốn đưa Alem về nước vì mắc bệnh tâm thần, điều mà nhiều người Lebanon cho là ngụy biện. Tuy nhiên, thay vì bắt hung thủ, cảnh sát lại bắt Alem đưa vào trại giam với ý định trục xuất về nước. Nhờ sự can thiệp của tổ chức từ thiện Caritas-Lebanon, hai ngày sau Alem được đưa vào bệnh viện Deir al-Saleeb để giám định sức khỏe tâm thần. Tại đây, rạng sáng 14/3, người ta tìm thấy thi thể Alem trong tư thế treo cổ. Cảnh sát cho rằng đó là một vụ tự tử, nhưng những tình tiết chung quanh vụ “tự tử” này không hề được làm rõ.

Đoạn video trên làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận Lebanon và Ethiopia. Nó cho thấy nạn bạo hành người giúp việc nước ngoài ở Lebanon là điều không thể chối cãi; đồng thời chỉ rõ sự lộng hành của các công ty môi giới việc làm địa phương đối với người lao động nước ngoài. Trước sức ép của dư luận và của tám tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi công dân, Ali Mahfouz bị truy tố về tội gây rối trật tự công cộng nhưng được tại ngoại. Vụ án sau đó... chìm vào quên lãng.

Lebanon nổi tiếng là vùng đất dữ đối với lao động nước ngoài. Theo báo cáo của tổ chức nhân quyền quốc tế HRW năm 2008, có khoảng 200.000 người giúp việc là công dân các nước Sri Lanka, Ethiopa, Philippines và Nepal làm việc trong các gia đình Lebanon. Do luật lao động nước này không có quy định nào về người giúp việc nước ngoài, nên nguy cơ họ bị chủ nhà bóc lột, hành hạ, ngược đãi là rất lớn. Cũng theo HRW, trung bình mỗi tuần có một người giúp việc nước ngoài chết vì những lý do phi tự nhiên, bao gồm cả tự tử và té lầu. Cũng vì lý do này mà cách đây 5 năm, Ethiopia và một số nước khác cấm công dân đến Lebanon làm nghề giúp việc nhà. Thế nhưng do quá nghèo khó, nhiều phụ nữ vẫn nghe lời đường mật của “cò” xuất khẩu lao động chui, đã trốn qua Lebanon, tìm cơ hội đổi đời và sụp bẫy.

Lam Osin xu nguoi - Bài 3: Loi thoat cuoi cung

Chồng con Alem bên di ảnh của chị (Ảnh: The Guardian)

Ai mặc áo cho con đi học?

Lemesa Ejeta, 31 tuổi, chồng của Alem Dechasa-Desisa, tỏ ra hối hận vì đã để vợ đi lao động chui ở Beirut. Trò chuyện với phóng viên báo Anh The Guardian, anh không cầm được nước mắt: “Tôi không thể giải thích với hai con là tại sao mẹ chúng vĩnh viễn nằm lại ở xứ người”. Ngay cả khi tả lại giây phút gặp vợ lần cuối cùng, anh cũng cảm thấy khó khăn. Alem, mẹ của bé Yabesira (bốn tuổi) và Tesfaye (12 tuổi), rời khỏi Ethiopia hồi tháng Giêng. Chuyến đi đơn độc khởi đầu từ một cái chòi nhỏ ọp ẹp ở Burayu, thuộc ngoại ô Addis Abeba, thủ đô Ethiopia. Ở đó, những người làm cha mẹ như vợ chồng anh Lemesa phải đấu tranh hàng ngày với đói nghèo để tồn tại.

Alem là một trong những bà mẹ biết rõ lệnh cấm sang Lebanon làm nghề giúp việc, nhưng cô muốn con cái có cuộc sống tốt đẹp hơn. Cô cũng thừa biết quyết định của mình ẩn chứa nhiều rủi ro, nhưng với cô thì chẳng còn sự chọn lựa nào khác

Lemesa nhớ lại: “Khi Alem đứng xếp hàng chờ làm thủ tục lên máy bay, tôi còn thấy vợ bịn rịn, quay trở lại với con một lần, rồi hai lần. Tôi còn nhớ con gái Yabesira cất tiếng hỏi: “Mẹ đi rồi ai mặc áo cho con đi học?”. Nói xong con bé khóc, Alem khóc, tôi cũng khóc”.

Theo tổ chức Caritas-Lebanon, Alem chỉ làm việc cho một gia đình Lebanon được một tháng thì bị chủ trả về công ty với lý do “ngôn ngữ bất đồng”. Người chủ từ chối trả tiền công. Rồi cô được giới thiệu đến một gia đình khác, nhưng cũng chỉ làm được vài ngày là bị trả lại lần nữa. Thế là người của công ty đánh đập Alem. Trong thời gian làm việc, nghe nói Alem từng tự tử bằng cách uống nước rửa chén và nhảy khỏi xe đang chạy.

Bí ẩn quanh việc đi làm chui và cái chết của Alem ở Beirut đến nay vẫn còn ám ảnh người dân nghèo tại Burayu (Ethiopia). Yabesira và Tesfaye cũng chưa biết chuyện mẹ chúng không còn tồn tại trên đời. Anh Lemesa chia sẻ: “Thật ra chúng có nghi ngờ và thắc mắc sao nhiều người đến nhà hỏi thăm mẹ chúng và khóc lóc, nhưng tôi không dám nói sự thật. Thỉnh thoảng, chúng nhìn ảnh Alem rồi hỏi khi nào mẹ trở về?”.

Lam Osin xu nguoi - Bài 3: Loi thoat cuoi cung

Alem thình lình bị túm trên đường - Ảnh: LBC

Không có sự lựa chọn khác

Ngay cả chuyện vợ tự tử như thế nào, trong hoàn cảnh nào, anh Lemesa cũng không nhận được tin tức gì từ các bên liên quan. Vợ chồng anh đều theo đạo Công giáo, nghĩa là ai cũng biết tự tử là việc cấm kỵ. Lemesa nói, chỉ biết trước khi tự tử, vợ anh bị đánh đập dã man. Anh chưa xem đoạn băng video, chỉ đọc được một bài báo tường thuật sự việc làm cho cả Ethiopia phẫn nộ.

Tadelu Negash (27 tuổi) có bốn con, là hàng xóm của Alem. Cô cũng định đi làm “chui” ở Beirut với Alem, nhưng phút chót đã bỏ ý định vì sợ bị bắt giữa đường. Cho đến giờ, Tadelu vẫn cho rằng đó không phải giải pháp tồi: “Chúng tôi không có sự lựa chọn khác. Chúng tôi không muốn con cái sống khổ như chúng tôi. Trường hợp của chị Alem thật đáng buồn nhưng nếu ai thấy cuộc sống thực tế ở đây cùng cực như thế nào thì cũng sẽ nghĩ như chúng tôi thôi”.

Alem và Lemesa từng sinh sống ở Addis Abeba chín năm, nhưng cuối cùng phải quay trở về xóm nghèo Burayu vì không trả nổi tiền thuê nhà. Cuộc sống quá khó khăn, cả hai quyết định chọn giải pháp đi giúp việc nhà ở Beirut vì “trong xóm ai cũng nghĩ đến cách đó để thoát cảnh nghèo đói, nên chúng tôi cũng thử liều một phen. Vợ tôi bảo, sau khi làm việc cật lực kiếm được một số tiền sẽ quay về…” - anh Lemesa thổn thức.

Chuyến đi tốn 10.000 birr (1 birr = 1,090 VNĐ), trong đó “cò” lấy hết 4.500 birr. Tay này được một người bà con làm việc ở Lebanon cung cấp số điện thoại của công ty giới thiệu việc làm ở Beirut và tình nguyện làm “cò” cho công ty, “giúp đỡ” phụ nữ Ethiopia sang Lebanon làm Ôsin. Thấy vợ chồng Lemesa quá khổ, y đã gợi ý với Alem. Tay này thề là không hề biết lệnh cấm của chính phủ: “Sau khi chị Alem gặp nạn, công ty không yêu cầu tôi hợp tác nữa, mà tôi cũng bỏ nghề rồi”.

Tổng lãnh sự quán Ethiopia ở Beirut ước tính có khoảng 60.000 đến 80.000 người Ethiopia làm nghề giúp việc nhà tại Lebanon, trong đó có 43.000 người làm chui.

 TRỌNG NGHĨA

Bài 4: Buôn người sang Canada

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI