Làm Ôsin xứ người - Bài 4: Buôn người sang Canada

27/03/2014 - 10:55

PNO - PN - Chị Joelina Maluto (ảnh), 49 tuổi, người Philippines, có chứng chỉ hành nghề chăm sóc trẻ em và người lớn tuổi tại nhà. Sau bốn tháng bị lừa sang Canada làm vú em nhưng lại bị công ty môi giới nhốt trong hầm, buộc lao động chui,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chị Maluto có bốn con, đã ly hôn, hiện đang ở Philippines và tiếp tục tìm việc (chăm sóc trẻ em hoặc người già ) ở nước ngoài. Nói được các thứ tiếng Anh, Tây Ban Nha, Trung Quốc, chị từng làm việc nhiều năm ở Hồng Kông, Đài Loan, Bahrain.

Maluto quyết định kiện bà Rakela Spivak, Giám đốc công ty môi giới Rakela Care Agency (RCA), vào năm 2009 vì đã thu giữ hộ chiếu trái phép và ngược đãi chị ở Toronto, thủ phủ bang Ontario, thành phố lớn nhất của Canada. Lúc đó, tuy đang làm việc ở Hồng Kông, Maluto vẫn đăng ký tìm việc tại Canada thông qua RCA, một công ty Canada chuyên cung cấp vú em cho các gia đình giàu có ở Toronto.

Lam Osin xu nguoi - Bài 4: Buon nguoi sang Canada

Bỗng dưng trở thành con nợ

Maluto chia sẻ: “Tôi nghe nói Canada là một nước văn minh, kinh tế phát triển, nhiều cơ hội cho người nhập cư có nghề nghiệp”. Đúng là Canada có chương trình chăm sóc trẻ em, người già tại nhà (gọi tắt là LCP) dành cho người nước ngoài. Với công việc này, người Philippines được chuộng nhất vì nói rành tiếng Anh, có chứng chỉ hành nghề thuộc loại tốt nhất. Sau khi làm ít nhất hai trong ba năm cho chủ, người lao động có thể xin nhập quốc tịch Canada.

Maluto hy vọng công việc mới sẽ giúp chị có tiền nuôi bốn con gái, sau đó đưa chúng sang Canada xây dựng cuộc sống mới. Tiếc là ước mơ chính đáng của chị đã trở thành ác mộng. Trái với những lời có cánh của bà Rakela Spivak, Maluto đến Toronto mà không có việc làm với lý do - theo bà Spivak - người thuê đổi ý không mướn nữa. Bà Spivak khuyên chị kiên nhẫn, chịu khó ở nhà bà cùng với 16 người đồng hương chung cảnh ngộ, chờ công ty bố trí việc làm khác.

Trước tòa án Toronto, Maluto khai, khi ở nhà chủ, chị bị giam lỏng dưới hầm nhà dơ dáy, thiếu tiện nghi. Nguyên văn lời khai: “Chúng tôi bỗng dưng trở thành con nợ của công ty, bị giam cầm, đe dọa khiến tâm trạng luôn sợ hãi, ngủ trên sàn nhà, ăn uống thiếu thốn. Mỗi ngày chúng tôi phải dọn dẹp nhà cửa và nấu cơm hầu hạ gia đình bà ta như người ở. Hoặc nếu đi làm mướn bán thời gian thì không đúng chuyên môn và vi phạm luật lao động (người làm phải ở chung với chủ ) để trả nợ công ty”.

Cuối cùng, Maluto cũng được bố trí vào một gia đình ở Toronto làm vú em sau hai tháng rưỡi làm Ôsin cho bà Spivak. Chị bị chủ nhà bắt làm việc một ngày 18 giờ nhưng trả lương rất “bèo”, chưa đến ba CAD (đô la Canada)/giờ. Điều kiện làm việc vất vả, ăn uống thất thường khiến chị suy sụp cả tinh thần và thể xác.

Chị bức xúc: “Tôi chán ngán đến nỗi không muốn sống nữa. Tôi đã ứng trước cho bà Spivak 1.100 USD tại Philippines, nhận được lời hứa sẽ bố trí làm vú em chăm sóc sáu đứa con của một gia đình ở Thornhill với mức lương rất hấp dẫn. Đến Canada tôi mới biết mình bị lừa. Thế là tôi trở thành tù nhân của bà Spivak. Trong khi đó, bốn con tôi ở Philippines rất cần tiền để trang trải cuộc sống”.

Tại phiên tòa, bà Rakela Spivak đồng ý trả lại hộ chiếu cho Maluto nhưng bác bỏ việc ngược đãi chị. Bà còn thưa ngược nguyên đơn nợ công ty 3.500 CAD tiền môi giới chưa trả. Phiên tòa kết thúc mà không tuyên án vì nguyên đơn và bị đơn đều không đưa ra được chứng cứ thuyết phục.

Lam Osin xu nguoi - Bài 4: Buon nguoi sang Canada

Joelina Maluto (trái) và giám đốc công ty môi giới Rakela Spivak - Ảnh: Toronto Star
 

Một kiểu buôn người trá hình

Joelina Maluto là một trong chín người Philippines đến Canada làm nghề vú em qua công ty RAC chịu trả lời phỏng vấn nhật báo Toronto Star (gọi tắt là Star). Tất cả cho biết, bà Spivak hứa hẹn cung cấp việc làm hấp dẫn ở Canada, lương cao, có nhiều cơ hội đưa cả gia đình sang sinh sống và trở thành thường trú viên. Họ phải đóng trước phí môi giới từ 2.500 CAD đến 3.500 CAD, khi có việc làm ở Canada phải trả thêm tổng cộng 5.000 CAD.

Tìm hiểu những chiêu lừa đảo của RCA, phóng viên của Star đóng vai chủ nhà tìm vú em. Trụ sở công ty RCA đặt ngay tại nhà riêng của bà Spivak ở Thornhill. Cái tên RCA thường thấy trên bảng quảng cáo tại các sân hockey trên băng và trên tờ báo địa phương Shalom Toronto. Công ty còn khoe giải thưởng dịch vụ tốt nhất năm 2006 “theo bình chọn của khách hàng”.

Luật pháp Canada quy định, muốn mướn vú em hoặc điều dưỡng viên người nước ngoài, người thuê phải chứng minh không mướn được người địa phương, người thuê có thu nhập cao và có nhu cầu thực sự. Người thuê phải đứng ra bảo lãnh người làm thuê đến Canada. Họ có hai lựa chọn: tự tìm người (thủ tục thông thường mất ít nhất một năm và hiện nay là 38 tháng) hoặc nhờ công ty môi giới, để tìm được người nhanh hơn. Phóng viên tờ Star đến hỏi RCA thì được bà Spivak hứa hẹn chỉ cần một tuần là xong.

Sự lừa gạt những người tìm việc như chị Maluto là có ý đồ rõ rệt, có chuẩn bị từ trước vì RCA luôn buộc người xin việc ký hợp đồng có điều khoản phải nộp hộ chiếu và thẻ an sinh xã hội cho công ty. “Kho vú em” có sẵn trong nhà bà Spivak đã được bảo lãnh bởi những “người chủ ảo” trước đó nhiều tháng. Do đó, RCA có thể đáp ứng nhanh chóng mọi yêu cầu của khách hàng. Dĩ nhiên, bù lại, người thuê phải chi cho RCA một khoản phí không nhỏ. Bằng cách này, RCA mỗi năm nhập khoảng 200 vú em, thu phí cao cả hai đầu. Không riêng RCA, nhiều công ty khác cũng áp dụng chiêu thức này.

Theo tờ Star, chương trình LCP trên lý thuyết là có lợi cho người lao động nước ngoài nhưng do ẩn chứa nhiều lỗ hổng, nó biến thành cái bẫy được các công ty môi giới lợi dụng triệt để. Chẳng hạn, thời gian bắt buộc có ít nhất hai năm làm việc ở nhà chủ mới được làm đơn xin nhập quốc tịch nhưng không kèm những ràng buộc cụ thể đã tạo điều kiện cho người sử dụng lao động bắt chẹt người làm thuê như trả lương thấp, bắt làm việc trên 10 giờ, thậm chí 18 giờ mỗi ngày như trường hợp của chị Maluto. Người lao động bị bạo hành bằng lời hay bạo lực chỉ cắn răng chịu đựng nếu muốn có thẻ thường trú.

Vấn đề tờ Star nêu ra là chính quyền trung ương chưa quan tâm đúng mức đến tình trạng kể trên. Theo điều tra của Star, các quan chức Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) tin rằng “LCP đang bị bóp méo và bị lợi dụng” nhưng Bộ Tài nguyên nhân lực và Bộ Di trú vẫn “bình chân như vại”. Ông Jason Kenney - Bộ trưởng Bộ di trú Canada - thừa nhận: “Đa số công ty môi giới hoạt động không phép do quy định không rõ ràng. Họ hoạt động trái phép ở Canada và trên thế giới để lừa đảo những người nuôi hy vọng đến Canada thực hiện ước mơ của mình”. Ông cho biết, đã chỉ thị cấp dưới tăng cường kiểm tra và kiểm soát gắt gao các công ty này.

Chương trình LCP của Canada ra đời cách đây hơn 20 năm nhằm đáp ứng nhu cầu cần người chăm sóc tại nhà mỗi năm mỗi tăng (36.000 người năm 2008, tăng 11.000 so với năm 2006). Nó cho phép chủ sử dụng lao động người nước ngoài qua trung gian các công ty môi giới, riêng ở bang Ontario đã có hơn chục đơn vị hoạt động không phép và không bị kiểm soát. Bất cứ người nào cũng có thể mở công ty nhập khẩu vú em, chỉ cần quảng cáo trên internet và hứa hẹn có “việc làm thật”, “người cần vú em thật”, có thể nhập tịch sau hai năm làm việc v.v… Dẫn lời một quan chức giấu tên ở CBSA, tờ Star cho biết, cùng với nhu cầu vú em gia tăng, mức độ lừa đảo của các công ty cũng tăng theo. “Có ít nhất 90% vú em được các công ty nhập khẩu vào Canada với giấy tờ bảo lãnh của những người chủ ảo. Kể từ phút đầu tiên đặt chân lên đất Canada, họ đã trở thành lao động bất hợp pháp bị các công ty và người sử dụng lao động bóc lột tận xương tủy. Nói cách khác, đây là một dạng buôn người thật sự”.

 TRỌNG NGHĨA 

Bài 5: Không có công lý cho người nghèo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI