Làm giám khảo cuộc thi hoa hậu “lởm”:Trách nhiệm nghệ sĩ ở đâu?

30/12/2020 - 06:46

PNO - Nhận lời làm giám khảo nhưng không biết cuộc thi không được cấp phép, không nắm về luật, khiến dư luận không khỏi đặt dấu hỏi về trách nhiệm của nghệ sĩ.

Cục Nghệ thuật Biểu diễn không cấp phép

Mới đây, bà Q.H.L., người vừa được trao danh hiệu Hoa hậu Doanh nhân Sắc đẹp Việt 2020, vừa có đơn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) và tòa án để tố cáo chính cuộc thi bà vừa tham dự. Cụ thể bà L. cho biết có tổng cộng 40 thí sinh tham gia cuộc thi, dự kiến, đêm chung kết được diễn ra vào tối 18/11 tại Vũng Tàu, nhưng sau đó phải “rút” về TP.HCM vì Vũng Tàu không cho phép tổ chức. Sau đó, họ được đưa về một phim trường ở quận 8. Đêm thi diễn ra lúc 20g thì 18g thí sinh mới đến. Gọi là đêm thi nhưng không hề thi thố gì, cũng không có khán giả. 

40 thí sinh nhưng tới một nửa có danh hiệu. Bà L. kể, ngoài vương miện hoa hậu, còn có vương miện cho nữ hoàng. Bà đã phải chi tiền tỷ để tài trợ. Nhưng khi được hỏi đến bằng chứng nhận danh hiệu hoa hậu, giấy phép thì bà Mai Phương Trang - trưởng ban tổ chức (được giới thiệu là một nhà thiết kế) đã cắt đứt liên lạc với bà L. Theo bà, việc này chẳng khác nào một cách mua bán giải gián tiếp.

Thành viên ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Sắc đẹp Việt (từ trái sang) gồm: ca sĩ Quang Lê, ca sĩ Quách Tuấn Du, á hoàng Cao Thùy Trang - Ảnh: Fanpage cuộc thi
Thành viên ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Sắc đẹp Việt (từ trái sang) gồm: ca sĩ Quang Lê, ca sĩ Quách Tuấn Du, á hoàng Cao Thùy Trang - Ảnh: Fanpage cuộc thi

Ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục NTBD, cho biết cục không cấp phép cho cuộc thi này. Hiện, cục đã nắm được thông tin về cuộc thi này, đã gửi công văn đến Bộ VHTT-DL để xác minh sai phạm, xử lý theo quy định. Ban tổ chức sai đến đâu, cơ quan chức năng sẽ xử lý đến đó. Nếu cuộc thi có dấu hiệu vi phạm hình sự sẽ chuyển đến cơ quan công an giải quyết.

Theo Nghị định mới 144, những cuộc thi như trên (nếu được cấp phép), sẽ thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố, trong khi theo Nghị định 79 hiện hành, thì thẩm quyền thuộc về Cục NTBD.

Đây không phải lần đầu tiên những cuộc thi nhan sắc của giới doanh nhân gây tranh cãi về việc tổ chức thi “chui”, mua bán giải… Mức phạt quá nhỏ, khiến nhiều đơn vị vẫn tổ chức làm “liều”. Chưa kể, hình thức tổ chức cũng còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Chẳng hạn, ở cuộc thi vừa nhắc, có hay không dấu hiệu của một vụ lừa đảo? Riêng bà L. đã mạnh tay chi tiền tỷ, thì 39 người còn lại, con số là bao nhiêu? Họ là nạn nhân hay kẻ đồng lõa, tiếp tay? Việc xử lý rốt ráo, mạnh tay trong trường hợp này là động thái cần thiết từ cơ quan quản lý để góp phần chấn chỉnh thực trạng trên.

Cũng không rõ, nay mai, khi luật mở cửa thông thoáng hơn, khâu quản lý của Cục NTBD, Bộ VHTT-DL chỉ còn thiên về hậu kiểm, liệu những sự việc xấu xí như trên có được chấm dứt, hay tiếp tục nảy nở?

Trách nhiệm nghệ sĩ ở đâu?

Lùm xùm cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Sắc đẹp Việt một lần nữa đặt ra câu chuyện trách nhiệm của nghệ sĩ. 
Liên hệ Quang Lê, ca sĩ này nói không biết ai tổ chức, sắp xếp chương trình thế nào, chỉ nhận lời đến hát thông qua quản lý. Nhưng vì sự cố nào đó nên anh không hát mà chỉ ở lại cho đẹp ghế đại biểu. Sau đó ban tổ chức nhờ anh chấm thi. Từng đảm nhận vị trí này nên nam ca sĩ nhận lời. Anh chấm dựa trên cảm xúc tại chỗ. Ngồi ghế giám khảo, ngoài Quang Lê, còn có ca sĩ Quách Tuấn Du. Quách Tuấn Du cho biết: “Có lẽ, tôi cũng hơi vô tư khi nhận lời. Sau sự việc này, tôi sẽ cẩn trọng hơn, hỏi kỹ về giấy phép trước khi quyết định”.

Làm giám khảo cho một khi không được cấp phép,
Làm giám khảo cho một khi không được cấp phép, nghệ sĩ cũng đã tiếp tay cho cái sai từ ban tổ chức cuộc thi -  Ảnh: Fanpage cuộc thi

Quang Lê nói sẽ rút kinh nghiệm, lần sau sẽ hỏi giấy phép trước, sau đó mới nhận lời, nếu không sẽ không làm. Trên dưới 20 năm hoạt động nghệ thuật, một thao tác phải có từ đầu thì giờ mới “rút kinh nghiệm”, câu trả lời không làm hài lòng dư luận. Chưa kể, theo luật hiện hành, thành phần ban giám khảo của một cuộc thi nhan sắc phải nằm trong đề án ban đầu. Việc nhận lời làm giám khảo trong phút chốc, càng cho thấy Quang Lê không hiểu biết về luật. Đảm nhận vai trò giám khảo, trong khi chẳng hiểu rõ về thí sinh, âu cũng là một biểu hiện của sự tùy tiện, hời hợt trong cách làm việc. Một cách gián tiếp, anh cũng đã tiếp tay cho cái sai từ ban tổ chức cuộc thi này.
Khi sự việc vỡ lẽ, bản thân họ mới nhận ra vấn đề, trách nhiệm của mình, trong khi những điều đó lẽ ra phải được kiểm chứng, xác nhận, phán đoán ngay từ đầu. Với sự ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng, đây phải là điều nghệ sĩ luôn nhắc nhớ chính bản thân mình.

Trung Sơn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI