Kinh tế TPHCM đang tăng trưởng lại

04/03/2022 - 16:34

PNO - Chiều 4/3, UBND TPHCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế xã hội tháng 2, hai tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ tháng 3.

Những tín hiệu khởi sắc

Tại phiên làm việc, nhiều đại biểu nhận định, kinh tế TPHCM có nhiều khởi sắc. Ông Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, qua các số liệu cùng tình hình thực tế, kinh tế thành phố đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc và chuyển biến tích cực.

Ông Trần Hoàng Ngân
Ông Trần Hoàng Ngân thông tin tại phiên họp

“Những dấu hiệu này mở ra niềm tin về việc địa bàn sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6% đến 6,5% trong năm 2022” - ông Trần Hoàng Ngân cho hay.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội thành phố đã tạm thời đưa ra kịch bản, trong quý I, thành phố vẫn tăng trưởng âm từ 1% đến 2%. Qua 6 tháng đầu năm, kinh tế thành phố trở về mức tăng trưởng 0% và phục hồi mạnh mẽ từ quý II trở đi với trên 10%. Ông nhìn nhận: "Với kịch bản được đưa ra thời điểm hiện tại, thành phố sẽ tăng trưởng bình quân 6,4% đến 6,5% trong năm nay. Tuy nhiên, trước mắt, toàn địa bàn còn phải đối mặt với nhiều thách thức".

Đại diện Cục Thống kê TPHCM cũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm 2022 của thành phố cho thấy bức tranh kinh tế trên địa bàn đã có những khởi sắc.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,1% so với cùng kỳ; thu ngân sách từ sản xuất tăng 0,03%; hoạt động vận tải và dịch vụ vận tải tăng 6,1%; doanh nghiệp đăng ký tăng 21,5%; thị trường tài chính tăng trưởng ổn định.

Thành phố vẫn đang thực hiện tốt chương trình phòng, chống dịch với độ phủ vắc xin cao giúp cho việc kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Chủ trương “sống chung an toàn với dịch COVID-19” là yếu tố quan trọng tạo dựng niềm tin của người dân và là động lực để người lao động từ các địa phương quay trở lại làm việc.

Quang cảnh phiên họp chiều 4/3
Quang cảnh phiên họp chiều 4/3

“Trong điều kiện kinh tế thế giới vẫn còn những khó khăn do dịch bệnh, giá xăng dầu tăng cao, chi phí logistics cao, giao thương chưa trở về được như trạng thái bình thường nhưng Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp thành phố xuất qua cảng thành phố (gồm cả dầu thô) tăng 8% là tín hiệu rất tích cực; chứng tỏ các hoạt động sản xuất kinh doanh cơ bản đã phục hồi” - đại diện Cục Thống kê TP khẳng định.

Ngoài ra, theo đại diện Cục Thống kê TP, đầu năm 2022, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2023 được ban hành sẽ có tác động tích cực để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Vẫn còn những khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh

Ông Trần Hoàng Ngân phân tích, xung đột Nga - Ukraine trong thời gian qua đã tác động đến chi phí, giá cả. Tác động đầu tiên có thể thấy rõ là giá xăng dầu. Hiện tại, dầu thô đang ở mức cao nhất từ năm 2019 đến nay. Giá xăng dầu tăng đã kéo theo hiệu ứng domino, tác động mạnh lên giá cả nhiều hàng hóa khác.

Ngoài ra, ông Trần Hoàng Ngân cũng nêu một thực trạng: "Khi các đại biểu Quốc hội thảo luận, có ý kiến cho rằng thành phố yêu cầu tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại, tuy nhiên, thành phố giải ngân còn chưa đạt mong đợi". Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch, TPHCM có tỷ lệ giải ngân thấp khi số vốn bố trí chỉ là hơn 30.000 tỷ đồng. Bài toán được đặt ra cho thành phố là các biện pháp để giải ngân số vốn hơn 45.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Cục Thống kê TP cũng cho rằng, thành phố gặp nhiều hạn chế như tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, các hoạt động kinh tế dù mở cửa trở lại nhưng sức mua vẫn chưa được như trước khi xảy ra dịch.

Trong 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng cao hơn số doanh nghiệp hoạt động trở lại, cho thấy một bộ phận doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch.

Gía xăng dầu tăng cao trong thời gian vừa qua tác động lớn đến kinh tế, thị trường
Gía xăng dầu tăng cao trong thời gian vừa qua tác động lớn đến kinh tế, thị trường

Đặc biệt, sức ép lạm phát trong năm 2022 thành phố có thể gặp phải. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng của thành phố cả năm 2021 chỉ tăng 2,36%, tuy nhiên, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng bình quân đã tăng trên 1,26%. Đây là tín hiệu cảnh báo khó khăn cho mục tiêu kiểm soát giá tiêu dùng CPI cả năm dưới 4% theo Nghị quyết đề ra.

Cạnh đó, giá xăng dầu tăng cao không chỉ làm cho chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng lên mà còn ảnh hưởng sâu, rộng đến hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp ngành vận tải và logictics là những ngành mà chi phí xăng dầu chiếm 35-40% trong cơ cấu giá thành.

Theo tính toán của Cục Thống kê, khi chỉ số giá bình quân của mặt hàng xăng dầu tăng lên 1% sẽ làm cho chỉ số giá tiêu dùng tăng thêm khoảng 0,034%. Cụ thể trong tháng 1/2022, chỉ số giá xăng tăng 2,66% so với tháng 12/2021 đã làm tăng chỉ số giá tiêu dùng 0,09% và trong tháng 2/2022 chỉ số giá xăng tăng 5,77% so với tháng trước đã làm tăng chỉ số giá tiêu dùng 0,20%.

Với tình hình trên, Cục Thống kê dự báo tăng trưởng GRDP quý 1/2022 của thành phố sẽ cải thiện đáng kể so với quý 4/2021 nhưng vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn như quý 1/2021 (quý 1/2021 tăng trưởng khá tốt 5,46%); nhưng là tiền đề tăng trưởng ổn định từ quý 2/2022.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, tổng thu ngân sách nhà nước trong hai tháng đầu năm (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) ước thực hiện 88.044,567 tỷ đồng, đạt 22,78% dự toán năm và tăng 14,85% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa: 69.534,459 tỷ đồng, đạt 25,75% dự toán, tăng 19,07% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 18.500 tỷ đồng, đạt 15,88%  dự toán, tăng 1,35% so với cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước thực hiện 5.787,566 tỷ đồng, đạt 5,81% dự toán, giảm 39,62% so với cùng kỳ. Trong đó, chi thường xuyên ước thực hiện 5.749,772 tỷ đồng, đạt 11,82% dự toán, tăng 1,80% so với cùng kỳ.

Tuyết Dân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI