Kiểm soát nỗi lo âu trong cuộc sống

23/09/2022 - 07:00

PNO - Hôm 20/9, một nhóm chuyên gia y tế ở Mỹ lần đầu tiên khuyến nghị các bác sĩ nên sàng lọc tất cả bệnh nhân trưởng thành dưới 65 tuổi về chứng lo âu.

Nhóm cố vấn - được gọi là Lực lượng đặc nhiệm dịch vụ phòng ngừa Mỹ - cho biết hướng dẫn trên nhằm giúp ngăn ngừa các rối loạn sức khỏe tâm thần không được phát hiện và điều trị trong nhiều năm.

Lori Pbert - nhà tâm lý học lâm sàng và giáo sư tại Trường Y khoa Đại học Massachusetts - cho biết: “Chúng tôi hy vọng có thể làm nổi bật sự cần thiết trong việc tạo cơ hội cho người trưởng thành tiếp cận nhiều hơn dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần khẩn cấp”. 

Từ tháng 8/2020 đến tháng 2/2021, tỷ lệ người trưởng thành tại Mỹ có các triệu chứng lo âu hoặc rối loạn trầm cảm đã tăng từ 36,4% lên 41,5%. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lo lắng và trầm cảm đã tăng 25% trên toàn cầu trong năm đầu tiên của đại dịch, thêm 76,2 triệu trường hợp mắc chứng rối loạn lo âu. Đến nay, tình hình chỉ được cải thiện một phần. 

 

Rối loạn lo âu là loại bệnh tâm thần phổ biến nhất, ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 20% người trưởng thành và 25% thanh thiếu niên tại Mỹ mỗi năm - ẢNH: UNSPLASH
Rối loạn lo âu là loại bệnh tâm thần phổ biến nhất, ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 20% người trưởng thành và 25% thanh thiếu niên tại Mỹ mỗi năm - Ảnh: Unsplash 

Lo lắng là triệu chứng chính của một số tình trạng, bao gồm dễ hoảng sợ; ám ảnh sợ hãi như sợ không gian kín, sợ lỗ tròn; rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD); rối loạn lo âu xã hội.

Trầm cảm cũng có thể là một tác dụng phụ của lo lắng. Bên cạnh đó, lo lắng thường liên quan đến các vấn đề về giấc ngủ. Lo lắng và sợ hãi quá mức khiến bạn khó đi vào giấc ngủ và trằn trọc suốt đêm. Ngược lại, thiếu ngủ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lo lắng. Nguyên nhân chính xác của rối loạn lo âu vẫn chưa được làm rõ. Các nhà nghiên cứu tin rằng đó là kết quả của một chuỗi các yếu tố: di truyền, tiền sử bệnh gia đình và tiếp xúc với các sự kiện tiêu cực. Một số vấn đề về sức khỏe và sử dụng thuốc cũng có thể góp phần gây ra triệu chứng lo lắng.

Các chiến lược mà mỗi người có thể sử dụng để đối phó với cảm xúc lo lắng bao gồm quản lý các tác nhân có thể dẫn đến căng thẳng. Cụ thể là theo dõi áp lực và thời hạn công việc, thường xuyên dành thời gian cho các nghĩa vụ chuyên môn hoặc giáo dục. Sử dụng các kỹ thuật thư giãn: hít thở sâu, tắm nước ấm, thiền chánh niệm, yoga có thể giúp cải thiện triệu chứng âu lo.

Mọi người cũng nên duy trì mạng lưới hỗ trợ xã hội bằng cách nói chuyện với các thành viên trong gia đình, bạn bè và tránh lưu giữ cảm xúc tiêu cực. Tập thể dục thường xuyên có thể góp phần cải thiện hình ảnh bản thân và kích hoạt giải phóng các chất hóa học trong não giúp tạo hưng phấn. Nên giảm hoặc hạn chế uống rượu và sử dụng các loại chất kích thích khác, bao gồm thuốc lá, cà phê. Đảm bảo giấc ngủ ít nhất sáu tiếng mỗi đêm. Tuân theo một chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng gồm các chất dinh dưỡng như a-xít béo omega-3, kẽm, magiê và vitamin B. 

Từ phía các chuyên gia y tế, phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho chứng rối loạn lo âu bao gồm tư vấn và trị liệu tâm lý. Điều này có thể bao gồm liệu pháp tâm lý, liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) hoặc kết hợp các phương thức trị liệu khác nhau. CBT nhằm mục đích giúp nhận ra và thay đổi kiểu suy nghĩ có hại có thể gây ra các triệu chứng lo lắng.

Tâm lý trị liệu là một phương pháp điều trị khác, bao gồm nói chuyện với một chuyên gia sức khỏe tâm thần và cùng họ tìm hiểu gốc rễ của chứng rối loạn lo âu. Chuyên gia tâm lý có thể giúp bệnh nhân khám phá những nguyên nhân gây ra lo lắng và các cơ chế đối phó liên quan. Trong một số trường hợp, sử dụng thuốc có thể hỗ trợ điều trị chứng rối loạn lo âu. Tuy nhiên, một khi bắt đầu dùng thuốc, bệnh nhân nên thận trọng không ngừng thuốc đột ngột. 

 

Tấn Vĩ (theo NY Times, NHS, Medical News Today, Sleep Foundation)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI