Kịch bản “cầm mạng” ở Campuchia

28/05/2013 - 11:11

PNO - PN - Sau nhiều ngày tiếp cận, gặp gỡ một số học sinh đã từng bị “bắt cóc” đưa sang Campuchia, phóng viên Báo Phụ Nữ đã phát hiện sự thật bất ngờ về câu chuyện thế mạng tại các sòng bạc.

Kich ban “cam mang” o Campuchia

Nguyễn Công Đ. đã tự nguyện hai lần sang Campuchia cầm mạng lấy tiền đánh bạc

Nhiều học sinh sang Campuchia đánh bạc

Có một tiệm sửa xe môtô nhỏ bên đường ĐT741 (thuộc xã Tân Lập, H.Đồng Phú, Bình Phước) cùng hai con (học lớp 9 và lớp 4), mái ấm gia đình anh Trần Tâm (SN 1970), đang bình yên bỗng dưng bị đảo lộn vào một ngày đầu tháng 4/2013 khi con gái anh bỗng dưng mất tích. Anh Tâm kể lại: ngày 4/4/2013, cháu Trần Thị Tố Th., học sinh (HS) lớp 9 (con gái anh Tâm) đi học không về nên gia đình ráo riết đi tìm nhưng không thấy và phải báo cho công an địa phương giúp đỡ. Đang lo lắng, ngày 5/4, có một số điện thoại lạ (00855978726859) gọi vào máy của vợ anh Tâm. Người đàn ông gọi điện, thông báo con gái của anh chị sang Campuchia đánh bài thua hết tiền và đang bị tạm giữ tại đó. Gia đình phải mang 3.000 USD sang để chuộc con về. Sau nhiều ngày thương lượng, người này hạ giá xuống còn 15 triệu đồng và hẹn gia đình sang biên giới Mộc Bài (Tây Ninh) chuộc con. Dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng vì thương con nên anh chị Tâm phải chạy vạy vay mượn đủ số tiền các đối tượng bắt cóc yêu cầu để giải cứu con gái.

Cùng đi với Th. sang Campuchia còn có em Phạm Thị Ngọc H. (SN 1995, ngụ P.Tân Phú, TX.Đồng Xoài, Bình Phước), HS lớp 12, THPT Hùng Vương (TX.Đồng Xoài). H. cũng bị giữ lại và họ yêu cầu gia đình mang tiền sang chuộc em về với giá 40 triệu đồng. Sau năm ngày bị giữ ở Campuchia, nữ sinh này được gia đình chuộc về sau khi đã thương lượng bớt 20 triệu đồng. Thế nhưng chỉ ở nhà chưa đầy một buổi, H. lại bỏ nhà đi chơi tiếp, sau đó lại có người gọi điện đòi tiền chuộc. Tuy nhiên, gia đình em đã quyết định không chuộc con. Một tuần sau, vào khoảng 1g ngày 17/4/2013, khi lực lượng công an kiểm tra hành chính, phát hiện H. đang ở cùng ba người cả nam và nữ trong một nhà trọ gần bến xe Bình Phước.

Tương tự, nhóm HS bốn người gồm Lê Thị Ngọc A., HS lớp 11 ở H.Đồng Phú (Bình Phước); Trần Thị Quỳnh Nh., HS lớp 12 (TX.Đồng Xoài); Phạm Thị Đ., HS lớp 9 Trường THCS Tân Tiến (H.Đồng Phú); Nguyễn Công Đ., lớp 11 (H.Đồng Phú) cũng bị dụ dỗ, đưa sang Campuchia đánh bạc. Cả nhóm đã đi trên một xe taxi chạy từ huyện Đồng Phú đi cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Do có sự liên lạc từ trước của Đ. với người bên kia biên giới, nên khi xe tới khu vực biên giới đã có người của sòng bạc chờ sẵn, trả tiền taxi và đưa cả nhóm sang đất Campuchia.

Là trường hợp hiếm hoi đi cùng nhóm bạn sang Campuchia, nhưng sau đó đã tự tìm đường trở về nhà an toàn, nữ sinh Lê Thị Ngọc A. kể lại: nhóm của em được đưa vào khách sạn trong khu vực sòng bạc. Ở đây các em được chủ khách sạn tiếp đón rất chu đáo, được sắp xếp chỗ nghỉ ngơi, ăn uống đàng hoàng. Sau khi ổn định chỗ ăn nghỉ, người của khách sạn ra hỏi từng em giá tiền các em cần để “diễn bài” cầm mạng với gia đình. Họ còn khuyên nếu chưa sang lần nào thì cầm mạng khoảng 2.000 USD thôi. Trong chuyến đi này, Phạm Thị Đ. đã tự nguyện ở lại và cầm mạng mình lấy 80 triệu đồng ăn chơi. Hai em A. và Nh. kiên quyết không ở lại nên đã bắt xe quay trở về Việt Nam. Tiếp sau đó Nguyễn Công Đ. cũng quay về.

Kich ban “cam mang” o Campuchia

Kich ban “cam mang” o Campuchia

Nữ sinh A. và nam sinh Đ. khai báo tại cơ quan công an

Sự thật bất ngờ

Chúng tôi tiếp cận được với Nguyễn Công Đ. - là bạn học cùng lớp 11 với A. Tuy đang là HS lớp 11 nhưng Đ. đã nhiều lần sang Campuchia chơi và có mối quan hệ khá thân thiết với những người trong sòng bài. Đ. cho biết: do cần có tiền để ăn chơi, em đã tự nguyện hai lần sang Campuchia cầm mạng lấy tiền. Lần đầu cầm 2.000 USD, lần thứ hai cầm 1.000 USD, sau đó nhờ người điện thoại về lừa gia đình mang tiền sang chuộc. Biết được sự quen biết của Đ. với những người bên Campuchia, nên có không ít HS biếng học nhưng ham chơi đã nhờ Đ. đưa qua đó chơi cho biết và… tự cầm mạng.

Qua chuyến đi của Đ., A., Nh. và Đ. cho thấy, trong chuyến đi này tất cả số tiền chi phí cho đi taxi, xe ôm, ăn ở, chơi tại khách sạn hay sòng bạc bên Campuchia đều được chủ sòng trừ vào số tiền các em cầm mạng của mình. Số tiền còn dư chủ khách sạn sẽ trực tiếp trả lại cho các em. Chính vì vậy nên rất nhiều em gia đình vừa đón về nhà lại bỏ nhà đi chơi tiếp với số tiền còn lại.

Nguyễn Công Đ. cho biết thêm: việc các em sang Campuchia cầm mạng đã có một kịch bản được soạn sẵn để qua mặt cha mẹ. Hầu hết các em sang Campuchia và ở lại đều do các em tự nguyện. Cùng với sự giúp đỡ của những người ở bên đó, các em đã diễn rất thành công vở kịch… thế mạng. Khi các gia đình nhận được thông tin qua số điện thoại di động có mã vùng Campuchia, họ càng lo sợ và tìm mọi cách chạy tiền để "chuộc" con em mình.

Một cán bộ công an H.Đồng Phú cho biết, sau khi nhận được tin báo về những vụ việc HS qua Campuchia đánh bạc, Công an H.Đồng Phú đã triệu tập những HS liên quan để làm rõ. Qua làm việc, đa số những HS này đều thừa nhận đã tự nguyện hoặc tự bày ra kịch bản để lừa dối gia đình. Công an huyện yêu cầu những HS này viết bản tường trình, đồng thời tìm biện pháp răn đe, cảnh báo những HS không được để xảy ra trường hợp tương tự, gây ảnh hưởng đến gia đình và người khác. Bên cạnh đó, Công an H.Đồng Phú cũng tiếp tục điều tra, làm rõ những đối tượng có hành vi dụ dỗ HS qua Campuchia đánh bạc.

 Đặng Anh - Văn Tuyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI