Không nên xem việc doanh nghiệp tặng cầu là chuyện lạ đời

28/11/2023 - 05:56

PNO - Tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, không nên xem việc doanh nghiệp tài trợ cho người dân, cho chính quyền là chuyện lạ đời. Vấn đề là cần có cách làm minh bạch và chuyên nghiệp để nhân rộng mô hình này.

Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào về việc Nutifood tự nguyện bỏ ra 1.000 tỉ đồng để xây cầu đi bộ tặng nhân dân TPHCM?

Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn: Nutifood đã công bố việc xây cầu đi bộ là để tri ân người tiêu dùng, tri ân mảnh đất TPHCM, đồng thời không đưa ra điều kiện hay đòi hỏi quyền lợi nào. Nếu như vậy thì tôi cho rằng đây là điều rất đáng hoan nghênh, khuyến khích. Ở nước ngoài chuyện doanh nghiệp hay cá nhân tài trợ như thế này rất phổ biến, không chỉ xây cầu mà cả trường học, nhà hát, bệnh viện, hoặc xây dựng các quỹ để đóng góp cho cộng đồng.

* Vẫn có dư luận băn khoăn “không ai cho không ai cái gì”, nhất là doanh nghiệp khi đầu tư khoản nào phải tính đến lợi nhuận, lợi ích. Ông nghĩ sao?

- Tôi cho rằng doanh nghiệp tặng không vụ lợi là định hướng tốt, thậm chí có thể ghi công bằng cách đặt tên doanh nghiệp cho công trình đó. Chúng ta biết ngân sách thành phố có hạn, trong khi nhu cầu hạ tầng rất lớn, đặc biệt là thiếu hạ tầng xã hội. Hiện dân số TPHCM rất đông nên quá tải trường học, bệnh viện, rất cần khuyến khích những mạnh thường quân tặng trường học, bệnh viện. Vừa rồi TPHCM cũng chủ trương kêu gọi tư nhân xây 86 trường học. Tôi cho rằng thông qua câu chuyện Nutifood tặng cầu, TPHCM nên khơi thông những nền tảng pháp lý để việc tài trợ, hiến tặng được dễ dàng. Tôi biết có những trường hợp người dân, tổ chức muốn tài trợ tiền cho từ thiện, xây chùa còn chưa thuận tiện. Người ta cho tiền mà còn làm khó người ta nữa! Do đó, đã hiến tặng mà không đòi hỏi quyền lợi thì phải tạo thuận lợi tối đa, thậm chí thành phố đứng ra lo thủ tục hành chính, không để doanh nghiệp phải lo.

Các nước rất trân trọng, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để những cá nhân, doanh nghiệp cống hiến cho cộng đồng. Ở Việt Nam, chúng ta cũng nên xem đây là chuyện bình thường, cần nhìn nhận tích cực, khuyến khích, nhân rộng.

* Ở Việt Nam, việc doanh nghiệp tài trợ cả một công trình hạ tầng quy mô lớn là chưa có tiền lệ, theo ông, cần có cách tiếp nhận như thế nào cho hiệu quả, chuyên nghiệp?

- Thành phố nên thành lập một bộ phận, có thể là một phòng thuộc UBND TPHCM, để kết nối người hiến tặng với lãnh đạo thành phố, chuyên tiếp nhận và lo các thủ tục cần thiết để tiếp nhận các quà hiến tặng, không chỉ tặng cầu, trường, hiện vật mà còn tặng quỹ. Phòng này phải lo từ thủ tục pháp lý, thẩm định nguồn tiền, nhận tiền và cấp vốn lại cho các sở ngành liên quan, quản lý dòng tiền một cách minh bạch, báo cáo định kỳ...

Tất cả đều được công khai lên thông tin đại chúng. Cá nhân, doanh nghiệp muốn hiến tặng chỉ cần liên hệ và mọi thủ tục đã có phòng này lo hết. Phòng tiếp nhận cũng sẽ là đơn vị đề xuất các hình thức tri ân, có khi đặt tên cây cầu, bệnh viện theo tên người hiến tặng nếu họ có yêu cầu; hoặc tổ chức lễ cảm ơn. 

Việc hiến tặng phải thông qua một hợp đồng giữa người hiến tặng và đơn vị được UBND thành phố ủy nhiệm. Ngay cả người hiến tặng cũng phải có điều khoản cam kết như: tôi xác nhận nguồn tiền này là tiền của cá nhân, không tranh chấp (đối với cá nhân); hợp pháp (đối với doanh nghiệp). Việc doanh nghiệp hiến tặng không đòi hỏi điều kiện, hoặc nếu đòi điều kiện và điều kiện đó được thành phố chấp thuận thì đều phải ghi rõ ràng trong hợp đồng. Ngày xưa ông Quách Đàm tặng chợ Bình Tây (tức chợ Lớn), nay Nutifood tặng cầu, thì sau này cũng có thể có cá nhân, tổ chức tặng chợ, tặng cầu, hay tặng tiền. Do đó, chúng ta nên có cách làm chuyên nghiệp, bài bản, công khai, minh bạch để nhân rộng hoạt động vì cộng đồng này.

* Xin cảm ơn ông. 

Phương Thanh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI