Không nên trì hoãn tới bệnh viện vì sợ COVID-19

31/05/2021 - 07:30

PNO - Lo lắng dễ lây nhiễm COVID-19 trong môi trường bệnh viện, nhiều người cao tuổi mắc bệnh nặng tới bệnh viện quá muộn, không thể cứu chữa. Theo bác sĩ, người dân không nên quá hoang mang mà trì hoãn tới bệnh viện chữa trị.

Người già đến viện trễ dễ tử vong 

Kể từ đợt dịch COVID-19 mới bùng phát, ghi nhận tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho thấy, số lượng bệnh nhân giảm khoảng 1/3 so với bình thường. Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, cho biết lượng bệnh nhân giảm có một phần từ tâm lý sợ dịch nên hạn chế tới bệnh viện, ngay cả trong nhiều tình huống phải cấp cứu. 

Tuần qua, đơn vị này ghi nhận bệnh nhân nam (85 tuổi, ở TP.Hà Nội) tử vong do đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Đáng nói, bệnh nhân có biểu hiện bệnh trở nặng khoảng một tuần trước khi nhập viện nhưng do sợ lây nhiễm COVID-19 tại cơ sở y tế nên đã trì hoãn. Bệnh nhân chỉ được đưa tới viện khi có tình trạng thở ngáp, nguy kịch. “Khi tiếp nhận từ Trung tâm Cấp cứu 115, bệnh nhân đã ngưng tuần hoàn khoảng 20 phút. Sau nỗ lực cấp cứu hơn 15 phút thì tuần hoàn của bệnh nhân được tái lập và tiếp tục hồi sức tích cực. Tuy nhiên, một ngày sau, bệnh nhân đã tử vong vì suy đa tạng”, bác sĩ Hải kể. 

 

Bệnh nhân khám bệnh tại Bệnh viện TP.Thủ Đức - Ảnh: Hiếu Nguyễn
Bệnh nhân khám bệnh tại Bệnh viện TP.Thủ Đức - Ảnh: Hiếu Nguyễn

Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đây không phải là ca tử vong đầu tiên do sợ COVID-19 nên cấp cứu không kịp thời. Những trường hợp này đều là người già, có bệnh lý nền liên quan tới phổi, tim mạch… Một số trường hợp khi tới viện đã không thể cứu chữa, hoặc có bệnh nhân may mắn sống sót nhưng để lại ảnh hưởng nặng nề, thời gian điều trị kéo dài.

“Trường hợp của cụ bà ngoài 70 tuổi (TP.Hà Nội) trong đợt dịch trước là ví dụ điển hình. Bệnh nhân có biểu hiện đau ngực, tăng huyết áp vài ngày nhưng kiên quyết ở nhà, dùng các loại dầu để xoa bóp. Tới lúc không thể chịu được, bệnh nhân chuyển tới viện thì đã bị nhồi máu cơ tim. May mắn quá trình cấp cứu, tuần hoàn tái lập, bệnh nhân sống sót. Dù vậy, với bệnh nhồi máu cơ tim, khi bỏ qua thời gian vàng điều trị sẽ dẫn tới tình trạng bị suy tim, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe sau này”, vị chuyên gia cấp cứu dẫn chứng.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Khoa Cấp cứu và Chống độc thường ngày tiếp nhận 200 bệnh nhi, nhưng vào đợt dịch này thì con số chỉ còn khoảng 50. Nhập viện cấp cứu vì viêm phúc mạc ruột thừa, mẹ của bệnh nhi N.T.M. (ba tuổi, TP.Hà Nội) rất ân hận vì suýt nữa có thể làm nguy hiểm tới tính mạng con trai. Chị cho hay, gần một tuần trước, bé có biểu hiện sốt nhưng chị điều trị tại nhà, không đưa con đi viện để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Tiến sĩ Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, chia sẻ do tâm lý e ngại mùa dịch, cha mẹ thường tự ý điều trị bệnh cho con ở nhà. Song, cách điều trị sai có thể ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ. Do đó, dù số ca nhập viện cấp cứu giảm, nhưng hầu hết đều là trường hợp nặng. 

Mỏi mòn chờ dịch bớt để trị ung thư

Những ngày cuối tháng Năm, điện thoại của bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung Bướu Bệnh viện TP.Thủ Đức, rung liên hồi vì những cuộc gọi của các bệnh nhân điều trị ngoại trú. Lo ngại nhất là trường hợp bệnh nhân nam 66 tuổi ở TP.Đà Nẵng.

Đây là bệnh nhân bị ung thư thanh quản, đã phẫu thuật vào tháng 11/2020. Sau khi nằm hậu phẫu tại Bệnh viện TP.Thủ Đức, bệnh nhân được xuất viện, về lại TP.Đà Nẵng. Theo lời dặn của bác sĩ, trong vòng một tháng sau mổ, bệnh nhân phải tái khám. Tuy nhiên, do dịch bùng phát, mãi đến tháng 3/2020 bệnh nhân mới vào tái khám được. Lúc này, khối u có dấu hiệu tái phát. 

Anh T.V.A., con rể của bệnh nhân, cho biết do vướng dịch nên chỉ đưa cha vợ vào tái khám theo hẹn được một lần kể từ sau ca mổ. Sau đó, cha vợ không vào tái khám được nữa vì dịch bùng phát ở TP.Đà Nẵng. Hiện tại, TPHCM lại bùng phát dịch, chắc chắn sẽ không dám đưa bệnh nhân vào đây.

Theo bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, trường hợp bệnh nhân này cần phải tái khám, làm các xét nghiệm để truyền hóa chất, kịp thời chặn đứng sự phát triển của các khối u ác tính. Vì liên quan đến các loại thuốc đặc trị nên bệnh nhân phải quay lại bệnh viện để tái khám chứ không thể cho thuốc từ xa. Bác sĩ Vũ cũng cho biết thêm, gia đình anh A. đã được giao lại toàn bộ giấy tờ xét nghiệm nên cha vợ anh hoàn toàn có thể tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. 

Ngoài bệnh nhân ung thư, trong cuối tháng Năm, Bệnh viện TP.Thủ Đức cũng ghi nhận hai trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nặng do tự ý uống lại toa thuốc cũ. Đây là hai trong số rất nhiều trường hợp vì sợ bị lây nhiễm COVID-19 nên không dám đến bệnh viện khám chữa bệnh. 

Bệnh viện TP.Thủ Đức khuyến cáo người bệnh nên liên lạc với bệnh viện qua đường dây nóng, mạng xã hội Facebook, Zalo, Email… hoạt động 24/24 để được giải đáp thắc mắc. 

Tăng cường tư vấn bệnh nhân 

Theo bác sĩ Hoàng Bùi Hải, tình hình dịch COVID-19 phức tạp rất nguy hiểm với người có bệnh nền. Bệnh nhân nên giữ liên lạc với bác sĩ để có thể tư vấn trong điều kiện cần thiết. Khi có biểu hiện như: khó thở, tức ngực, đi ngoài ra máu, đau bụng dữ dội… thì không thể ở nhà mà buộc phải tới bệnh viện để được cấp cứu kịp thời. 

Tuy nhiên, vị bác sĩ này cũng thừa nhận, hiện các bác sĩ đang quá tải trong việc thăm khám… liên hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân còn lỏng lẻo, dẫn tới bệnh nhân chưa nhận được tư vấn kịp thời. Cũng vì lý do này, trong bối cảnh dịch đang phức tạp, mới đây, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã mở thêm đường dây nóng để tư vấn bệnh lý tai mũi họng, cảm cúm thông thường.

“Chúng tôi hy vọng, các bệnh nhân khi có những biểu hiện bất thường, thay vì tự ý điều trị ở nhà có thể điện thoại để nhận được tư vấn, hướng dẫn cụ thể, kịp thời”, bác sĩ Hoàng Bùi Hải nói và lưu ý người bệnh cần chuẩn bị toàn bộ thông tin, đơn thuốc đang dùng, trình bày ngắn gọn nhưng đầy đủ tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật… để không làm mất thời gian của mình cũng như cơ hội được tư vấn của nhiều người khác. 

Mặt khác, ông cho rằng, hiện bệnh viện đã có hệ thống sàng lọc, phân luồng kỹ càng. Tất cả bệnh nhân có nguy cơ đều được đi vào luồng riêng và thăm khám ở khu vực tách biệt. Các bác sĩ được đào tạo để tuân thủ quy định chống lây nhiễm chặt chẽ. “Do đó, người dân không nên quá hoang mang, lo sợ đến bệnh viện có thể nhiễm COVID-19”, bác sĩ Hải giải thích.

Đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương cũng thông tin, bệnh viện đã có đường dây nóng và tăng cường nhân lực để tiếp nhận, tư vấn cho bệnh nhân trong mùa dịch. Bệnh nhân có biểu hiện đau họng, sốt hay tiền sử dịch tễ có yếu tố nguy cơ… sẽ được hướng dẫn đi vào khám theo lối riêng, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể đặt lịch khám trước qua điện thoại để giảm thời gian chờ đợi trong bệnh viện. 

77,5% bệnh nhân ung thư bị gián đoạn hoặc chậm điều trị trong mùa dịch

Khảo sát trên nhiều nước của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy 77,5% bệnh nhân ung thư bị gián đoạn hoặc chậm trễ điều trị trong thời gian dịch bệnh. Việc gián đoạn này trải dài từ giai đoạn chẩn đoán, điều trị đến tái khám và ảnh hưởng đến tất cả các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… 

Nguyên nhân do nhiều yếu tố gây ra, từ các biện pháp chống dịch như cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội đến tâm lý lo sợ dịch bệnh hoặc tài chính cạn kiệt của bệnh nhân, thiếu các trang thiết bị, thuốc đặc trị do đứt gãy nguồn cung cấp… Nguyên nhân quan trọng nữa là thiếu nhân viên y tế trong thời gian dịch bệnh. Tỷ lệ nhập viện của bệnh nhân ung thư giảm 30% so với trước dịch, 79% bệnh viện hoặc trung tâm điều trị bị gián đoạn, khó khăn trong việc bảo hành trang thiết bị, duy trì nguồn thuốc đặc trị, 36% trường hợp phải thay đổi phác đồ hóa trị do nguồn cung hạn chế. 

Một báo cáo từ Quỹ toàn cầu (The Global Fund) khi tiến hành khảo sát tại các nước châu Phi và châu Á cho thấy, các bệnh truyền nhiễm như HIV, lao, sốt rét cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Theo đó, số người xét nghiệm HIV giảm 41%, phát hiện - điều trị lao giảm 59%, số bệnh nhân được chẩn đoán sốt rét giảm 31% và số lượt khám tiền sản giảm 43% so với trước đại dịch. 

Tại Việt Nam, chưa có thống kê chính thức nhưng có thể thấy tình trạng bệnh nhân ngại đi khám bệnh, một số bệnh viện lớn bị phong tỏa do dịch bệnh, các thuốc đặc trị nhất là các thuốc nhập khẩu đôi khi bị thiếu hụt, hàng loạt cơ sở kinh doanh ngừng hoạt động… đều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến khả năng điều trị và tuân thủ phác đồ điều trị của bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung Bướu Bệnh viện TP.Thủ Đức

Hiếu Nguyễn - Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI