Không lấy được vợ vì thủ tục: Dân khổ vì quan sợ trách nhiệm

29/03/2016 - 13:22

PNO - Bà Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, thực trạng của anh Quân phản ánh một thực tế hiện nay, luật quy định quá chặt chẽ mà vận dụng lại cứng nhắc.

Thủ tục ''hành dân''

Liên quan đến việc anh Nguyễn Gia Quân (ở phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) mất gần 1 năm trời mà không lấy được vợ vì bị cơ quan công quyền “hành”, trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, Đại biểu quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Quốc Khánh -  người đã được Chính phủ và Quốc hộ ủng hộ về dự thảo Luật Hành chính công nhận định:

"Đây là một sự thật về tình trạng thủ tục hành chính hay vẫn bị gọi là thủ tục hành dân. Đứng ở góc độ thi hành pháp luật thì các cơ quan hiện nay đều có quyền nói mình đúng.
 
Ví dụ như các cơ quan tư pháp ở địa phương người ta máy móc, cứ phải chấp hành đúng quy định trong luận hiện hành, theo đúng thủ tục một cách chặt chẽ cho nên người ta phải đòi hỏi như thế. Ở đây là vấn đề thủ tục từ trên quy định là các cơ quan phải làm cho đúng pháp luật".

Khong lay duoc vo vi thu tuc: Dan kho vi quan so trach nhiem
Ảnh minh họa

Bà Khánh phân tích, quy định hiện nay trong vấn đề tình trạng độc thân khiến bản thân tôi cũng cảm thấy rất bức xúc. Người dân cũng phản ánh rất nhiều về việc đăng kí thủ tục độc thân. Ví dụ như có những người đã ly hôn từ rất lâu, cần đăng kí tình trạng độc thân để giải quyết vấn đề về nhà cửa thì vẫn phải đi lấy lại giấy tờ chứng nhận độc thân mặc dù người ta không kết hôn gì bao nhiêu năm rồi. Đấy là một thủ tục rất vớ vẩn làm khổ người dân.

Nên nhắc câu chuyện này

Trở lại câu chuyện của anh Quân, theo bà Khánh, nguyên nhân là do nhiều cơ quan Nhà nước lo sợ trách nhiệm, điều này có thể dẫn đến việc các bên đẩy “quả bóng trách nhiệm” qua nhau. Các Bộ, ngành vẫn chưa coi trọng việc tháo bỏ những quy định cứng nhắc gây khó khăn cho người dân và các doanh nghiệp.

Đã vậy, muốn quy trách nhiệm cho cơ quan công quyền cũng rất khó vì đơn vị nào cũng nói đã làm theo đúng luật. Tại quy định nó phải như thế mà cán bộ công chức nguyên tắc là cứ phải làm theo quy định của luật.

Theo bà Khánh, trong các trường hợp này người dân nên phối hợp với các cơ quan truyền thông để nêu lên các câu chuyện này để các Bộ, ngành có thể nhìn thấy sự vô lý của quy định. Nếu không có báo chí đưa tin thì anh Quân vẫn cứ sẽ âm thầm chịu đau khổ như vậy.Ngoài ra, các quy định như vậy thì phải được rà lại, từ các từng trường hợp cụ thể, phải nắm được và đề xuất sửa đổi luật đó.

Về giải pháp, bà Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh: "Chuyện này tôi cũng đã nói rất nhiều lần rồi, và yêu cầu đầu tiên là Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ phải chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ để ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện Chính phủ điện tử càng sớm càng tốt".

Vị ĐBQH hé lộ: "Trong Luật hành chính công tôi đề xuất thì sẽ không còn tình trạng quy định kiểu này, trong nền hành chính hiện đại sẽ phải sử dụng công nghệ thông tin, sẽ không có những quy định lạc hậu như vậy. Thủ tục hành chính mới cần phải linh hoạt, nâng cao trách nhiệm của người làm công vụ".

Theo đó, dự thảo Luật Hành chính công đưa ra một nguyên tắc chung trong quản lý hành chính là phải thông thoáng, linh hoạt. Đề cao đạo đức nghề nghiệp của những người làm thừa hành, không phải vin vào thủ tục hiện hành cứng nhắc để không giải quyết mà phải có niềm tin nội tâm, cởi trói, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người dân.

Hoàng Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI