Không hạnh phúc cũng phải lấy chồng?

30/01/2021 - 05:32

PNO - Nhiều người cưới về lục đục, sống không hạnh phúc bằng mẹ con cháu. Vậy mà ngoại cháu chốt: “Không hạnh phúc cũng phải cưới. Ai người ta cũng vậy, đừng có mà làm khác!”.

Chú Ti Vi ơi,

Tại sao người lớn lại rập khuôn như thế hả chú? Sao lớn lên là phải cưới nhau? Cháu thấy bao nhiêu người đau khổ vì điều này rồi, sao người ta không tỉnh ra hả chú?

Cháu đã suy nghĩ điều này rất lâu dựa vào chuyện cháu thấy ở rất nhiều người lớn. Bản thân cháu từ nhỏ đã không sống với ba. Ba mẹ cháu không cưới nhau. Họ bây giờ vẫn độc thân, nhưng chỉ là bạn, giúp đỡ nhau trong công việc, phụ nhau nuôi nấng cháu. Dù sống riêng, nhưng ba mẹ luôn có mặt trong những dịp quan trọng của cháu. 

Cháu thấy cuộc sống của mẹ con cháu khá ổn. Vậy mà trong mắt bà ngoại và rất nhiều người lớn khác, mẹ con cháu rất đáng thương. Để thúc dì Út có chồng, ngoại hay đem hình ảnh mẹ con cháu ra để dọa. Bà nói “không thấy trước tấm gương côi cút của mẹ con nó hay sao mà không chịu lấy chồng?”. 

Có lần, cháu nhịn không được nên cãi bà: “Mẹ con cháu sống vui mà? Sao phải cưới nhau mới hạnh phúc?”. Lúc đó dì Út cũng xác nhận, khối người cưới về lục đục, sống không hạnh phúc bằng mẹ con cháu. Bà ngoại cháu chốt: “Không hạnh phúc cũng phải cưới. Ai người ta cũng vậy, đừng có mà làm khác!”.

Cháu thấy khó hiểu quá ạ. Cháu 16 tuổi, cũng sắp trưởng thành rồi. Nhưng nếu cứ lớn lên là phải cưới vợ mà không cần biết hạnh phúc hay không, cháu thà không lớn nữa.

Cháu Sợ Lớn​

Nhìn nhiều người kết hôn rồi ly hôn, các cô gái trẻ hoang mang về hôn nhân - Ảnh minh họa
Nhìn nhiều người kết hôn rồi ly hôn, các cô gái trẻ hoang mang về hôn nhân - Ảnh minh họa

Cháu Sợ Lớn mến,

Chú cũng lấy làm e ngại với đúc kết của bà ngoại cháu. Nhưng cháu ơi, chú cháu ta cần tỉnh táo để nhận ra đó chỉ là lời chốt hạ có phần áp đảo trong tranh luận. Tức là, người ta chốt như vậy chỉ để chặn đứng mọi phản biện của người đối diện. Nó có thể bị đẩy lên mức cực đoan, biểu đạt sai ý tứ ban đầu của người nói. Vậy nên, ta không nên quá chú trọng vào nội dung câu nói ấy.

Điều khiến cháu băn khoăn và sợ phải trở thành người lớn, chính là việc người lớn cứ rập khuôn chuyện lớn lên là phải cưới nhau, mặc kệ đau khổ. Chú rất đồng ý với cháu ở chỗ, nếu biết sẽ đau khổ mà vẫn làm, thì rõ là không thể ủng hộ được. Nhưng sự thật là mọi thử thách hôn nhân thường chỉ diễn ra sau khi cưới. Nếu thấy trước đau khổ, chú chắc phần đông người lớn sẽ không chọn bước vào cuộc hôn nhân đó.

Chắc cháu đang nghĩ, sao người ta không nhìn vào bi kịch của người khác để rút kinh nghiệm và từ đó… khỏi kết hôn luôn? Nhưng, thực tế là không phải cuộc hôn nhân nào cũng bất hạnh. Phần đông người lớn vẫn an ổn và hài lòng với hôn nhân. Và con người có xu hướng nhìn vào khía cạnh tươi sáng để tiến về phía trước, chứ không vì những khía cạnh rủi ro mà rụt mình lại. Vì thế, những đau khổ có thể thấy ở một cuộc hôn nhân của người thân, bạn bè, không thể ngăn người ta xây dựng hôn nhân của riêng mình, cháu ạ.

Và, quan trọng nhất, khi cháu lớn lên, có một tình yêu thực sự, cháu sẽ hiểu cảm giác muốn gắn bó, muốn xây dựng gia đình với người mình yêu. Tình yêu sẽ đánh thức cảm hứng và khả năng chung sống, hòa hợp, chăm sóc, nuôi nấng của con người. Và không gian cho những điều đó, thường là một mái ấm gia đình. Vì vậy, nhu cầu kết hôn là một nhu cầu rất bình thường và đáng quý, dù nó vẫn có rủi ro.

Tuy nhiên, hôn nhân không phải lựa chọn duy nhất, gia đình không phải không gian duy nhất cho những nhu cầu yêu thương, chăm sóc, nuôi nấng. Bởi đúng như cháu nói, có những người không hạnh phúc, tức là dù đã kết hôn họ vẫn không được thực hành những nhu cầu nhân văn đó. Nếu nhất quyết kết hôn bằng mọi giá, thì người ta chỉ có thể có được những cái vỏ hôn nhân, chứ không có được những giá trị thực thụ bên trong. Hôn nhân chỉ có giá trị khi người ta có đủ điều kiện (tình yêu và năng lực chu toàn cuộc sống), cảm hứng và cả sự nghiêm túc muốn xây dựng, vun đắp nó.

Vì vậy, tỉnh táo và biết tư duy phản biện, là điều cần thiết. Không nên vì “ai cũng làm vậy” mà mình làm theo. Chúng ta cần biết rõ năng lực bản thân và ý nghĩa của từng việc mình làm, huống hồ một việc trọng đại như kết hôn, đúng không cháu?

Cuối cùng, chú chúc mừng cháu đã được sống trong không khí gia đình thực sự, dù bố mẹ cháu không sống chung và không phải vợ chồng. Chúc cháu luôn có cảm giác đủ đầy, hạnh phúc như thế!


CHÚ TI VI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI