Không đăng ký kết hôn, đòi cấp dưỡng được không?

14/01/2022 - 07:11

PNO - Nếu hôn nhân không được pháp luật công nhận, để yêu cầu cấp dưỡng cho con sẽ rất khó nếu một bên trốn tránh không cấp dưỡng.

 

khi chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn thì vẫn có quyền và nghĩa vụ đối với con cái do quan hệ huyết thống tạo nên
Khi chung sống với nhau như vợ chồng dù không đăng ký kết hôn thì vẫn có quyền và nghĩa vụ đối với con cái do quan hệ huyết thống tạo nên

Hỏi: Tôi và bạn trai sống chung nhưng vì một vài lý do nên không đăng ký kết hôn. Chúng tôi có một con trai, bốn tuổi. Thời gian gần đây, anh ấy bỏ về nhà cha mẹ ruột và không đưa tiền để tôi nuôi con, trả tiền thuê nhà. Xin hỏi, tôi có quyền đòi tiền cấp dưỡng cho con hay không? 

Nguyễn Thanh Thảo (TP.Thủ Đức)

Trả lời: Việc hai bạn sống chung với nhau mà không thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn thì sẽ không được coi là vợ chồng. Tuy nhiên, không vì điều đó mà vợ chồng bạn không có nghĩa vụ gì với con cái. Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, khi chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn thì vẫn có quyền và nghĩa vụ đối với con cái do quan hệ huyết thống tạo nên. Một trong số đó là nghĩa vụ cấp dưỡng.

Pháp luật quy định: Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu.

Do đó, chỉ khi được xác nhận là có quan hệ huyết thống, hôn nhân hoặc nuôi dưỡng thì mới xảy ra nghĩa vụ cấp dưỡng.

Điều đó có nghĩa là nếu hai người chỉ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận quan hệ vợ chồng, con cái sinh ra mặc dù có quan hệ huyết thống nhưng để yêu cầu cấp dưỡng thì sẽ rất khó nếu một bên trốn tránh không cấp dưỡng.

Trong trường hợp này, để được yêu cầu cấp dưỡng thì phải có quyết định xác nhận cha, mẹ, con để xác định quan hệ huyết thống. 

 Luật sư Nguyễn Thu Đào 
(Đoàn Luật sư TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI