Không có người mẹ nào đánh con để "dằn mặt" người khác

30/05/2023 - 11:02

PNO - Chị nên bình tĩnh nói chuyện với con dâu về cách giáo dục con: đánh con liệu có tác dụng tốt cho việc dạy con hay không?

Chị Hạnh Dung ơi,

Con dâu đánh con để dằn mặt mẹ chồng. Vậy có đúng không? Làm sao cho con dâu hiểu là sai trái? Cho dù tôi đã nói với chị sui và con dâu cũng giận cả cha mẹ đẻ luôn.

Loan

Chị Loan thân mến,

Trước tiên, chúng ta hãy cùng nhau gạt bỏ suy nghĩ đang khiến chị khó chịu nhất nhé: đừng nghĩ rằng con dâu đánh con của mình, tức là cháu của chị, là để dằn mặt chị. Có thể là cô ấy bực tức con, và chắc là cũng có bực tức chị, nên "giận cá, chém thớt", nghĩa là lôi con ra đánh đòn, chứ không phải cố tình đánh con để làm cho chị đau, tức, hay khổ sở. 

Hạnh Dung nghĩ vậy, vì chẳng có người mẹ nào khi đánh con xong lại thấy vui vẻ nhẹ nhàng cả, chị ạ. Thịt da con khác gì thịt da mình. Đánh con một roi xong là người mẹ nào cũng thấy mình đau một roi đó. Đau có khi còn hơn cả con đau. Vậy thì có người mẹ nào lại sử dụng làn da của con mình như một công cụ tàn ác như vậy được, hả chị?

Thoát được hai chữ "dằn mặt", Hạnh Dung nghĩ rằng chị sẽ thấy nhẹ lòng, thấy thoáng hơn để mà giải quyết vấn đề. Và việc giải quyết vấn đề ở đây chỉ còn là : phương pháp giáo dục con của con dâu chị. Khi đó, mọi việc sẽ đơn giản và nhẹ nhàng hơn.

Nói đơn giản và nhẹ nhàng hơn, bởi khi đó cả chị và con dâu sẽ có cùng một điểm chung: xót con, xót cháu, tự trách giận bản thân đánh con một cách vô lý trong cơn nóng giận của mình.

Vì chị nghĩ bị dằn mặt, nên có lẽ chị không thể hiện, hoặc thể hiện một cảm xúc sai. Còn nếu như chỉ nghĩ đến cháu thôi, chị tự do thể hiện nỗi xót, đau cháu của mình, không cần giấu diếm che đậy theo kiểu "kệ", không cần tức tối cho bản thân, mà là thương cháu, thì Hạnh Dung nghĩ, khi đó con dâu chị cũng sẽ thấy đau, thấy hối hận: "Mình là mẹ của con cơ mà, chẳng lẽ mình không đau cho con bằng bà?".

Trong tình huống này, sự bình tĩnh, thương yêu của chị sẽ làm con dâu phải suy nghĩ lại nhiều nhất. Hãy hỏi han cháu bé xem bị mẹ đánh có đau không? Hỏi cháu xem cháu có biết vì lỗi gì mà bị mẹ đánh hay không? Hãy dạy cháu biết nghe lời mẹ, thương mẹ, biết việc gì có lỗi làm mẹ mệt mỏi hay bực bội thì nên sửa, để mẹ đi làm về hay làm việc nhà sẽ bớt mệt mỏi...

Riêng với con dâu, chị cũng nên bình tĩnh nói chuyện với cô ấy về cách giáo dục con. Cứ lờ đi cảm giác bị "dằn mặt", chị chỉ xoay hướng vào việc đánh con liệu có tác dụng tốt cho việc dạy con hay không? Lỗi của con có đáng bị đánh đòn như vậy không? Có những biện pháp gì có thể giúp trẻ nhận ra lỗi của mình tốt nhất?

Chị cũng cứ "thật thà" mà nói câu: "Con đánh cháu, bà xót quá". Con người ta trước sự giản dị, chân thành, tình cảm của người mà mình muốn nhắm vào "trả thù" (nếu có) sẽ luôn có cảm giác xấu hổ, hối hận, thấy mình bé nhỏ... và ít nhất là thấy sự "trả thù" của mình vô tác dụng, chị à.

Có một điều nữa, Hạnh Dung cũng muốn góp ý với chị: hạn chế càng nhiều càng tốt việc "méc" với ông bà sui về những gì con dâu khiến mình không vui lòng. Giờ đây, chị và con dâu cũng đã là người một nhà, cô ấy cũng là con của chị, giải quyết mọi việc giữa hai mẹ con sẽ khiến vấn đề đơn giản hơn là lôi thêm người thứ ba, thứ tư vào.

Nhất là, biết đâu cô con dâu không thấy ở việc "méc" đó sự hợp tác hòa bình thân thiện của mẹ chồng, mà cũng là một cách "dằn mặt", khiến cha mẹ mình phải phiền lòng? Mâu thuẫn của con dâu với ông bà sui chắc chắn không bắt nguồn từ chuyện yêu ghét, họ là người ruột thịt kia mà, mà bắt nguồn từ những cảm xúc khó chịu vì bị can thiệp, bị la mắng, bị dồn ép, bất chấp cảm xúc của mình ra sao, không thanh minh được.

Vậy nhé chị, hãy rộng lượng, nhẹ nhàng hơn, để tất cả mọi vấn đề trở thành một "chuyên đề" cùng tranh luận và quyết định xem nên giáo dục đứa con yêu - cháu yêu của cả nhà như thế nào. Hạnh Dung nghĩ đó là một cách tốt nhất để chị đặt mình lên vị trí "trưởng thượng" trong nhà, lắng nghe, thông cảm, chia sẻ với con cái. Người trên xử sự đúng, người dưới tự nhiên phải biết nhìn lại mình.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI