Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt:

Khó mô tả được hết địa vị của Hồ Chí Minh trong đời sống tinh thần của người Việt

18/05/2020 - 07:23

PNO - "Mọi sự mô tả, mọi sự gắng gượng nói to về địa vị của Hồ Chí Minh đều không đủ năng lực mô tả hết giá trị của ông trong đời sống tinh thần của người Việt."

Lựa chọn đối thoại với nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, với chúng tôi, có đôi chút áp lực. Phần vì hiểu biết, kiến thức của bản thân hạn hẹp, phần khác vì ông là người sắc sảo, luôn có những kiến giải, quan điểm đầy cá tính và giàu hàm lượng trí tuệ. Khác với nhiều đối thoại chỉ cung cấp thông tin, ông thường coi và đẩy đối thoại thành những nghiên cứu kĩ lưỡng, thấu đáo vấn đề.

Trong cuộc đối thoại dưới đây về sự nghiệp, tư tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Trần Bạt vẫn giữ một tinh thần như thế. Chúng tôi tôn trọng và hy vọng rằng cách nhìn nhận, đánh giá của ông sẽ gợi mở cho chúng ta tiếp tục tiếp bước, vận dụng một cách sáng tạo và hiệu quả di sản tư tưởng Hồ Chí Minh.

Phóng viên: Thưa ông, có thể thấy cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chuỗi những sự kiện lớn. Theo ông, đâu là sự kiện quan trọng và có ý nghĩa lâu dài nhất đối với dân tộc Việt Nam?   

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Nói về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì phải nói đến các sự kiện, nhưng lâu nay chúng ta thường chỉ nhắc đến Bác trong các sự kiện liên quan đến Việt Nam. Sự kiện thứ nhất tôi muốn nói đến trong chuỗi các sự kiện là việc Người tham gia sáng lập và gia nhập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920.

Nếu không đi từ sự kiện này, chúng ta cứ nghĩ rằng Hồ Chí Minh đi thẳng từ Cách mạng Tháng Mười, từ Lênin, từ Đảng Cộng sản Liên Xô, qua Trung Quốc rồi về Việt Nam. Phải nhớ rằng, sự hình thành Đảng Cộng sản Pháp là một trong những sự kiện thể hiện một khuynh hướng của phong trào cộng sản thế giới. 

Sự kiện Hồ Chí Minh tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp nói khá nhiều đến một nguồn gốc khác, nguồn gốc phương Tây của người cộng sản Hồ Chí Minh. Có lẽ vì thế mà sau này, trong các văn kiện chính trị quan trọng liên quan đến các sự kiện lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dấu vết phương Tây hiện rất rõ. Tôi cũng xem giai đoạn này như là giai đoạn Hồ Chí Minh tiếp nhận các tinh thần cơ bản của cách mạng Pháp. Trên cơ sở này, ông mới có cái để so sánh, lựa chọn, sử dụng cho cách mạng Việt Nam.

Đây cũng là quãng thời gian, Hồ Chí Minh làm quen với một loạt nhân vật văn hóa lớn như Charlie Chaplin, Pablo Picasso, Henri Barbusse, Louis Aragon, Paul Vaillant Couturier... Cũng chính tại Pháp, Hồ Chí Minh làm quen với những đại diện đầu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc như Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình… Những cuộc gặp gỡ ấy làm tiền đề để sau này Người quay về hoạt động ở Trung Quốc, đặt nền móng cho một giai đoạn khác trong lịch sử phát triển tư tưởng của mình. 

* Và như thế, Hồ Chí Minh đã bắt đầu thể hiện tầm vóc quốc tế của mình?

- Tôi nghĩ Hồ Chí Minh là một nhân vật quốc tế trước khi thể hiện đầy đủ mình là một nhân vật dân tộc chủ nghĩa. Hồ Chí Minh là một nhà hoạt động quốc tế. Ông biết nếu không đi con đường ấy thì không hiểu, không biết và không hình dung nổi lộ trình xây dựng lực lượng cho quá trình giải phóng dân tộc.

Khi đọc luận cương của Lênin về “Vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”, ông đã tìm thấy đó là vũ khí của mình và sau này nhận thức của ông về vai trò của cuộc đấu tranh cách mạng trong quá trình phi thực dân hóa trở thành nhận thức của dân tộc. 

Giai đoạn ở Paris là giai đoạn Hồ Chí Minh đặt nền móng cho tư tưởng phi thực dân hóa. Khi tham gia Hội Liên hiệp thuộc địa, Hồ Chí Minh đã biến mình thành một nhân tố có chất lượng lãnh đạo đối với phong trào phi thực dân hóa, một phong trào lớn, mở đầu các hoạt động chính trị của thế kỷ XX. 

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng xã hội Pháp. Người và các đồng chí tiên tiến trong Đảng Xã hội tán thành việc tham gia Quốc tế III và sáng lập Đảng cộng sản Pháp
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng xã hội Pháp. Người và các đồng chí tiên tiến trong Đảng Xã hội tán thành việc tham gia Quốc tế III và sáng lập Đảng cộng sản Pháp

* Thời đó, Pháp dường như là một địa điểm có sức hút lớn đối với các chí sĩ yêu nước của Việt Nam. Trước Hồ Chí Minh, nhiều chí sĩ đã từng đến Pháp, ông thấy vai trò của họ thế nào?

- Thời đó, Đông Dương là một bộ phận thuộc Pháp. Các trí thức của chúng ta đến Pháp không phải từ Việt Nam mà từ Đông Dương. Từ Đông Dương đến Paris tức là từ nhà quê ra tỉnh.

Hồ Chí Minh khác rất xa với những vị trí thức mà bạn nói. Các trí thức trước đó đến Pháp với sự tò mò để hiểu nước Pháp, để có kiến thức, để có học vị. Nếu đến Pháp với tư cách một trí thức đi học thì Hồ Chí Minh không tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Tôi nghĩ không nên cho rằng Hồ Chí Minh đến Pháp giống các sĩ phu hay các đại trí thức trước đó.

Hồ Chí Minh đến Pháp để đi tìm đất nước. Con đường của ông rất khác so với những nhân sĩ khác và ông không có tiền bối. Tiền bối ở đây phải là tiền bối trong một khuynh hướng. Đi tìm và tổ chức quan hệ với những người cộng sản là một khuynh hướng mới vào những năm đầu của thế kỷ XX.

* Cũng có thể nhắc đến điểm khác giữa Hồ Chí Minh với các sĩ phu trước đó ở một kết quả quan trọng: thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam?

- Đây là sự kiện lịch sử thứ hai liên quan đến Hồ Chí Minh. Cần nhắc lại lúc đó, chúng ta chưa có một nước Việt Nam độc lập, chưa có một Đảng Cộng sản của người Việt mà có ba tổ chức cộng sản của ba xứ - sản phẩm của nền thuộc địa Pháp ở bán đảo Đông Dương. Hồ Chí Minh là người nghĩ ra việc thống nhất ba tổ chức ấy thành một đảng hoạt động cho mục đích tìm kiếm độc lập và thống nhất đất nước. Phải nói rằng đó là một sự sáng tạo khổng lồ. 

Cho nên, mới có những luận cương khác nhau trong quá trình hoạt động của Đảng Cộng sản ở Việt Nam. Những luận cương khác nhau ấy thể hiện đầy đủ tính phân hóa chính trị cũng như tính chia rẽ về mặt địa lý trong phong trào cộng sản.Những người cộng sản thân Quốc tế Cộng sản và Liên Xô cho rằng Hồ Chí Minh là người dân tộc chủ nghĩa, mà điều đó không có lợi cho phong trào cộng sản quốc tế và do đó, họ không ủng hộ ông.

Có những người nói rằng Hồ Chí Minh là người đưa chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam, nhưng điều đó không chính xác. Chủ nghĩa cộng sản đến Việt Nam trước Hồ Chí Minh, ông chỉ là người dàn xếp để tránh những cuộc đấu tranh trong phong trào cộng sản, tránh những mặt cực đoan của phong trào cộng sản ở Việt Nam mà thôi. 

Bây giờ, cách mạng đi qua rồi, tất cả các sự kiện chính trị đi qua rồi, thắng lợi của cách mạng Việt Nam ở giai đoạn hiện nay đã phản ánh đầy đủ sự sáng suốt chính trị của Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh biết tính thiêng liêng của khái niệm độc lập dân tộc, biết những người cộng sản làm cách mạng ở Việt Nam không phải với động cơ quốc tế. Phong trào cách mạng vô sản toàn thế giới có một ý nghĩa quan trọng, nhưng nó chỉ là một ý nghĩa chứ không phải là mục tiêu của người Việt Nam.

Hồ Chí Minh đi tìm một thứ hấp dẫn đến mức nhiều người dân Việt Nam muốn đi theo, đó là độc lập dân tộc. Kể cả những người không thích Hồ Chí Minh hoặc thậm chí đôi lúc chống lại ông thì bây giờ vẫn được nhắc đến như những tiền bối sống hết mình cho lịch sử phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

* Sau sự kiện thành lập Đảng, theo ông còn có những sự kiện nào liên quan đến cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chúng ta có thể nhìn lại tác động của nó?

Một trong các giá trị cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự phải chăng về chính trị. Sự phải chăng về chính trị là sự chấp nhận những trạng thái nửa vời trong các quá trình chính trị, coi đó như một thực tế. Nhưng chủ nghĩa cộng sản thì không thế.

Tính triệt để cách mạng của những người cộng sản bắt buộc Hồ Chí Minh phải diễn đạt sự phải chăng, sự nhân nhượng của mình dưới hình thức khác. Chúng ta không đủ sâu sắc để hiểu điều đó và cái mà chúng ta tranh cãi là với một kẻ thứ ba không phải chăng nào đó chứ không phải với Hồ Chí Minh. 

Phải chăng không chỉ là một ranh giới, một tiêu chuẩn mà còn là một bản lĩnh để tạo ra sự nhân nhượng hợp lý trong từng điều kiện khác nhau của cuộc sống. Đây là cảm nhận riêng của tôi về Bác. Một trong những điểm quan trọng nhất của nền chính trị Hồ Chí Minh là những vấn đề không nói được. Trong văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, đoạn không lời chính là điểm hấp dẫn nhất và quan trọng nhất. Sự im lặng của Hồ Chí Minh trước một số vấn đề của đời sống chính trị là điểm quan trọng nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh thì hay nhất là những đoạn Bác không nói được.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt

- Sự kiện chính trị thứ ba là độc lập dân tộc, mà trung tâm chính trị của nó là “Tuyên ngôn độc lập” ngày 2/9/1945 và “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 19/12/1946. Đấy là hai văn kiện cơ bản tạo ra động lực của quá trình giành độc lập và gìn giữ độc lập.

Tôi nghĩ, có thể ghép hai sự kiện này thành một và gọi là “sự kiện lập nước”. Chỗ này phải nói rằng ông rất giỏi. Ông đã cố gắng với tất cả sự khôn ngoan để tìm kiếm độc lập một lần nhưng vẫn chưa thành công.

Đọc câu nói của ông “chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa...”, tôi thấy trong đó mối lo của ông trong việc tạo ra nền độc lập và giữ gìn nó. Các nhân nhượng giữa chừng của ông thể hiện đầy đủ nhịp điệu của sự lo lắng ấy. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc cho đến hơi thở cuối cùng để thiết kế một cuộc kháng chiến mà nó sẽ dẫn đến thống nhất đất nước. Tuy nhiên, còn một việc ông để lại cho những người đi sau là dàn xếp để sự thống nhất đất nước về mặt chính trị trở thành sự thống nhất đất nước về mặt tinh thần.

Đến bây giờ, sau đổi mới, mở cửa, chúng ta mới hiểu cái giá phải trả cho sự thống nhất đất nước là gì. Đến bây giờ chúng ta vẫn phải đặt ra câu hỏi sử dụng giá trị Hồ Chí Minh như thế nào để làm tiếp cái việc biến Việt Nam thành một quốc gia thống nhất về mặt tinh thần. 

* Tôi hoàn toàn tin rằng, thế hệ của ông, thậm chí là thế hệ sau ông đều có một mối quan hệ ít nhất là về mặt tình cảm chính trị đối với những lý tưởng, mục tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế hệ trẻ chúng tôi, thành thực mà nói, khi đọc và học những nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh thì canh cánh một điều rằng cần phải có cách thức nào đó để tư tưởng Hồ Chí Minh được thực tiễn hóa, chí ít là được trở thành những điều bình thường, gần gũi nhất trong đời sống. Ông có gợi dẫn nào không?

- Tôi nghĩ chúng ta hãy phổ biến Hồ Chí Minh như các đối tượng lịch sử khác, bình đẳng với các nhân vật lịch sử khác, với các vấn đề học thuật khác. Về mặt đạo đức, Hồ Chí Minh cần được mô tả như một trong những hình tượng mẫu mực; về mặt trí tuệ, các giá trị Hồ Chí Minh cần được phân tích trong những đề tài học thuật và mọi người tiếp cận nó một cách tự do thì cảm giác ép buộc ít đi, cảm giác tự nguyện, cảm giác yêu mến một cách tự nhiên sẽ tăng lên. 

Động cơ của việc sử dụng ảnh hưởng của Bác Hồ càng phóng khoáng bao nhiêu, càng tự do bao nhiêu càng làm cho người đời tiếp nhận vui vẻ bấy nhiêu. Cần làm thế nào để người ta yêu mến Hồ Chí Minh và đi tìm ông. Để xảy ra tình trạng bạn nói là lỗi của những người yêu mến Bác Hồ và những người muốn sử dụng Bác Hồ. Những người yêu mến Bác Hồ sẽ làm cho người ta gần gũi Bác Hồ hơn so với những người muốn biến Bác thành công cụ chính trị.

Tôi yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh là từ tấm lòng của tôi, từ lý tưởng của tôi, từ nhận thức của tôi với tư cách là một trí thức. Đến bây giờ mỗi lần nhắc đến Bác Hồ, tôi vẫn hình dung một cách đầy đủ về cảm giác côi cút của một trí thức, một kẻ đi theo ông mà bỗng nhiên giữa đường bị buông tay, không còn được nghe những lẽ phải ông nói, không còn được nghe những điều tử tế mà ông dạy. Tôi khuyên những người hay nói về Bác Hồ nên cẩn thận, đừng góp phần vào việc làm giảm các giá trị của Hồ Chí Minh trước công chúng. 

* Như ông đã phân tích, mục tiêu độc lập dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đem lại cho chúng ta rất nhiều cảm xúc và làm cho chúng ta tự hào về thời đại Hồ Chí Minh. Vậy ngoài mục tiêu đó còn có những mục tiêu, giá trị nào khác đem đến cho ông cảm xúc tương tự?

- Tôi nghĩ độc lập dân tộc là một hệ thống giá trị ổn định. Nó có thể mang lại nhiều cảm xúc khác nhau, nhưng trên phương diện một hệ giá trị thì nó ổn định. Độc lập dân tộc là một món của quý, nó có thể mất mát do tham vọng của những lực lượng khác muốn thôn tính dân tộc chúng ta, nó có thể mất mát do sự chểnh mảng trong chủ nghĩa yêu nước của chúng ta.

Mọi sự mô tả, mọi sự gắng gượng nói to về địa vị của Hồ Chí Minh đều không đủ năng lực mô tả hết giá trị của ông trong đời sống tinh thần của người Việt.

Tất cả những lãnh tụ của người Việt trong quá khứ đều là những lãnh tụ nông dân, họ chưa vượt ra khỏi thôn xóm và những lãnh thổ thông thường, chưa vượt ra khỏi các giá trị Việt Nam thông thường.

Hồ Chí Minh là nhà chính trị duy nhất trong lịch sử Việt Nam trở thành nhà lãnh đạo quốc tế, Là người đầu tiên quốc tế hóa các quan hệ chính trị của người Việt. Ông là người làm cho đất nước này có niềm tự hào lớn hơn cái mà nó có thể mường tượng được. 

  Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt

Độc lập dân tộc có thể mất đi từ hai phía, từ bên ngoài là những kẻ muốn nhòm ngó nước ta, từ bên trong là những mâu thuẫn chính trị làm phai nhạt, làm hỏng các tiêu chuẩn của chủ nghĩa yêu nước.

Nguy cơ này được nhắc đến trong hai nghị quyết 4 của Đại hội XI và XII. Với hai nghị quyết 4, một nghị quyết nhằm ngăn chặn những kẻ tham nhũng, ăn cắp và một nghị quyết cảnh báo về sự phai nhạt lý tưởng chính trị, tôi thấy Đảng của Cụ Hồ ở trạng thái hiện nay vẫn nhận ra đúng các nguy cơ cơ bản. 

Cần phải củng cố các tiêu chuẩn của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Xã hội phát triển đa dạng và phong phú như thế mà trí tuệ của chúng ta không phát triển đa dạng theo thì chúng ta không có được những thể hiện đầy đủ của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chúng ta phải luôn luôn củng cố chủ nghĩa yêu nước Việt Nam từ bên trong và luôn luôn cảnh giác trước sự xâm phạm độc lập dân tộc từ bên ngoài.

* Chúng ta vẫn cần thực tiễn hóa giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh ngày một sâu rộng hơn trong dân chúng, đặc biệt là trong sự rèn luyện xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống công quyền, cán bộ lãnh đạo đất nước. Theo ông, giá trị Hồ Chí Minh với công cuộc đó, sự nghiệp đó là gì?

- Hồ Chí Minh cố gắng tóm tắt các giá trị mà ông coi trọng bằng nhiều cách, ở mọi lúc, mọi giai đoạn khác nhau trong lịch sử phát triển chính trị Việt Nam. Có lẽ, cái đọng lại cuối cùng mà tôi cảm nhận được là công thức cho mỗi con người: “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” và công thức cho cộng đồng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Cần kiệm liêm chính là giá trị phổ quát ở mọi thời đại.

Hồ Chí Minh với tư cách một nhà hoạt động chính trị, một nhà hoạt động xã hội có kinh nghiệm đã vận dụng các tiêu chuẩn đạo đức Nho giáo để giới thiệu về những tiêu chuẩn con người ở thế kỷ XX. Nói cách khác, nhà văn hóa chính trị Hồ Chí Minh đã giới thiệu với xã hội Việt Nam công thức để chúng ta sống là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư và phải xem độc lập tự do là tài sản quý giá nhất. 

* Trân trọng cảm ơn ông. 

Mai Anh Tuấn (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI