"Khiêu vũ tới trập trùng" - tranh vẽ từ Đức của cô gái Việt

05/08/2022 - 19:27

PNO - Vẽ tranh tại Đức, mang về Việt Nam triển lãm, với nhà thơ Đoàn Quỳnh Như đó chỉ là cái cớ để gặp gỡ bạn bè sau mùa dịch bùng phát toàn cầu, cách ly nhau.

Ngày 5/8, triển lãm Khiêu vũ tới trập trùng diễn ra tại VY Gallery (20 Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM). 

Khiêu vũ tới trập trùng là tên chung của đợt bày tranh cá nhân lần đầu tiên của Đoàn Quỳnh Như, tại Việt Nam. Thế nhưng, những bức tranh tưởng chừng là “tay ngang” của nhà thơ nữ gốc Quảng Trị này xem chừng lại rất có cốt cách tự thân, khiến bạn bè trong giới văn nghệ không khỏi giật mình.

Tranh của Đoàn Quỳnh Như tại Khiêu vũ đến trập trùng
Tranh của Đoàn Quỳnh Như tại Khiêu vũ tới trập trùng

Bởi lẽ, với thứ màu nước “xưa như trái đất” có tính thuần nữ trong độ loang màu uyển chuyển, Đoàn Quỳnh Như đã phối trộn cùng chất liệu sơn vẽ acrylic đương đại có tính hỗn dung - đây là loại sơn công nghệ đa ứng dụng vì có thể vẽ lên tường, quần áo, giày dép, ly thủy tinh, laptop, gỗ, gốm sứ, màu vẽ móng tay, pha màu cho đất sét Nhật - để tạo “chất” rất mạnh bạo, gây ấn tượng với người xem về phương diện kỹ thuật trên những bức tranh đa chất liệu của mình.

Khiêu vũ tới trập trùng hẳn nhiên chưa định hình với một trường phái nào của hội họa kinh điển, thậm chí còn mang dáng dấp đầy tính pha trộn giữa Ấn tượng (Impressionism), Biểu hiện (Expressionism) rồi Trừu tượng (Abstractism). Bất kể Đoàn Quỳnh Như từng thích một cách vô định với nhiều danh họa thế giới (như Frida Kahlo; Salvador Dali; Pablo Picasso; Rene Magritte…), chừng như vẫn không mấy liên quan hình thể bán trừu tượng mà cô đang vô thức “neo đậu” trong loạt tranh vẽ đầu tay của mình.

Thi sĩ - họa sĩ Đoành Quỳnh Như tại triển lãm
Thi sĩ - họa sĩ Đoành Quỳnh Như tại triển lãm

Có thể thấy, “đốt giai đoạn” là trạng huống thường gặp với những ai vừa từ lĩnh vực khác tiến thẳng vào thế giới hội họa, nhất là không qua trường lớp. Đoàn Quỳnh Như tự lý giải rằng cô không muốn mình nhất thiết cứ phải vẽ theo giai đoạn hoặc thời kỳ, theo kiểu con đường cơ bản của nhiều họa sĩ tiền bối (như danh họa Pablo Picasso từng có thời kỳ xanh - thời kỳ hồng...). Cô cho biết, mình không quá đặt nặng quan tâm về lý thuyết giai đoạn, cũng không sợ sai, chỉ muốn được tự do không ràng buộc, cho dẫu có thể bị “chìm” hoặc phải “bơi” với từng đường nét màu sắc trong lúc vẽ.

Những ý niệm sáng tạo của cô, trong loạt tranh vẽ bất hình dung về thế giới quan xung quanh đời sống thường nhật của mình, khi là đại cảnh rộng lớn của trời đất rồi có lúc lại cực kỳ vi mô đến tận cùng các lớp biểu bì, huyết mạch, tế bào. Thấp thoáng những hình nhân ẩn chìm trong tranh theo lối nguệch ngoạc ở mức tối giản, kiểu Joan Miro (1893-1983). Đồng thời, sắc thái nhiều phần mộng mị trong tranh Đoàn Quỳnh Như có vẻ mang đậm dấu ấn thể tính Đông phương học mà Paul Klee (1879-1940) từng đeo đuổi, phổ quát tại Viện Bauhaus - một trong những chiếc nôi nghệ thuật hiện đại của nước Đức.

Tranh của Đoàn Quỳnh Như
Tranh của Đoàn Quỳnh Như

Trong biển hòa sắc có phong thái du ca ấy, dường như Đoàn Quỳnh Như dần tìm thấy chính mình, trong mỗi thời khắc được khám phá bản thân qua trò chơi “vọc màu” ở từng ngày vẽ tranh mới. Phải chăng, đó mới là “điểm đến” dành cho một-người-vẽ, bất kể là với họa sĩ kỳ cựu hay “tân binh”?

Với ý thức phải vượt thoát sự ảnh hưởng mang chiều hướng áp đặt vô thức từ những người đi trước vào tranh vẽ của mình, Đoàn Quỳnh Như chủ động không “thần tượng” danh họa nào khi quyết định chơi và sống hết mình với chuyện vẽ tranh ở hiện tại, ngay cả đã từng thích ngắm tranh của họ từ thuở nào.

Thế nhưng, cô cũng thừa nhận là mình “nhiễm nhạc” của nhiều nhạc sĩ Việt Nam thế hệ trước, từ Phạm Duy cho tới Trịnh Công Sơn, đặc biệt là với các khúc tình ca nồng nàn khắc khoải của Lê Uyên Phương. Có thể thấy rõ sức tác động này qua một số tên tranh mà Đoàn Quỳnh Như đã đặt tên và bày biện trong triển lãm đầu tay, như bức Vũng lầy của chúng ta, Thú đau thương...

Dù vậy, theo cô chia sẻ, mỗi khi vẽ tranh cô cũng không hề bật nhạc, vì muốn được chìm đắm riêng trong cõi hội họa. Âm nhạc hiện diện dưới dạng cài đặt vô thức trong cô, từ cái thời Đoàn Quỳnh Như lạc trong cõi thơ. Đoàn Quỳnh Như đã từng in riêng với 2 tập thơ, xuất bản tại Việt Nam: Như là... (năm 2005), Vọng (năm 2009).  

Thật ra, Đoàn Quỳnh Như cũng không phải mới vừa “chân ướt chân ráo” tìm đến với hội họa, gần đây. Cùng với người bạn đời của mình, là giảng viên Khoa Việt Nam học tại Đại học Hamburg (Đức), cả hai đã theo đuổi việc sưu tập tranh của nhiều họa sĩ Việt Nam, vào khoảng 10 năm trước (năm 2013). Một trong những bức tranh đầu tiên trong bộ sưu tập ấy là của cố họa sĩ Nguyễn Văn Phương - người từng biên khảo Nghệ thuật Việt Nam hiện đại, được họa sĩ Đinh Cường vô cùng trân quý. Đó là vào dịp họ mua một bức tranh sơn mài của cố nhà văn tài danh Dương Nghiễm Mậu, vốn dĩ là tranh “chuyển thể” chất liệu - có cùng đề tài và bố cục từ tranh gốc của họa sĩ Nguyễn Văn Phương, với chất liệu màu bột trên giấy.

Cuộc trở về này của người thơ - người vẽ Đoàn Quỳnh Như, thông qua cuộc bày tranh Khiêu vũ tới trập trùng với 29 bức tranh khổ nhỏ, chừng như là để tìm kiếm sự xác lập một căn tính Việt từ Hamburg, với một người phụ nữ sinh năm 1978.

Khiêu vũ tới trập trùng diễn ra đến hết ngày 14/8/2022, vào cửa tự do.

Phước Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI