Khi sinh viên khởi nghiệp gỡ rối cho nhà nông, bảo vệ môi trường

14/02/2021 - 06:04

PNO - Bước vào cuộc chơi start up, thứ họ nghĩ đến không phải là lợi nhuận hay khả năng gọi vốn, mà là bảo vệ môi trường, gỡ khó cho nông dân…

Biến bẹ chuối thành bao bì xịn

Đó là ý tưởng sản xuất giấy từ thân cây chuối của nhóm sinh viên Trường đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Dự án “Phế phẩm nông nghiệp - tài nguyên cho giấy bao bì” đã “đánh bật” hơn 600 dự án khác để giành giải Nhất cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”.

Bạn Trịnh Ngọc Vân Anh, Trưởng nhóm dự án chia sẻ: Tại Việt Nam sau thu hoạch có đến 80% bị thải bỏ trở thành phế phẩm nông nghiệp. Nếu sản xuất giấy từ các phế phẩm bỏ đi này sẽ góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt giấy bao bì, có thể dùng làm bao bì thay thế cho túi nilon vừa bảo vệ môi trường.

5 cô trò đã biến những bẹ chuối bỏ đi thành bao bì bắt mắt, thân thiện môi trường
5 cô trò đã biến những bẹ chuối bỏ đi thành bao bì bắt mắt, thân thiện môi trường

“Nhà em từng trồng rất nhiều chuối, nhưng chỉ lấy trái, còn thân chuối đem bỏ. Vì vậy, chúng em đã nghĩ xem có thể sử dụng thân cây chuối này để làm ra sản phẩm hữu ích hay không”, Vân Anh cho biết.

Từ những ý tưởng ban đầu, nhóm sinh viên đã bắt tay vào nghiên cứu sâu hơn, sản xuất trong phòng thí nghiệm. Sản phẩm giấy từ thân cây chuối nhắm vào mục tiêu thân thiện môi trường nên hạn chế sử dụng hóa chất trong các khâu sản xuất. 

Thời gian đầu, cả nhóm phải sản xuất thủ công. Để làm được giấy từ thân cây chuối, trải qua nhiều công đoạn. Chuối được cắt nhỏ, phơi hoặc sấy khô rồi đem nấu ở nhiệt độ cao cùng soda. Hỗn hợp này sau đó được mang đi rửa để bảo đảm độ trung tính, thân thiện với môi trường, rồi trộn với bột keo - cũng là sản loại làm từ phế phẩm nông nghiệp. Hỗn hợp được trải ra khuôn để tạo hình sản phẩm rồi mang sấy khô hoặc phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

Nhóm chia sẻ, do làm thủ công nên mất nhiều thời gian, đặc biệt khâu sấy khô sản phẩm. Nhiều hôm, các thành viên phải ở phòng thí nghiệm qua đêm bởi nấu từ sáng đến tối thì hết ánh nắng, không phơi tự nhiên được mà sấy nên phải canh nhiệt độ để giấy không bị giòn.

Từ thân cây chuối bị chặt bỏ, năm cô trò ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đã biến chúng thành nguyên liệu để tạo ra loại giấy có thể phân hủy. Giấy tạo từ thân cây chuối được sản xuất có cấu trúc vân hoa, màu sắc tự nhiên.

Những bao bì xanh làm từ bẹ chuối    Ảnh: website Quốc gia khởi nghiệp
Những bao bì xanh làm từ phế phẩm - Ảnh: website Quốc gia khởi nghiệp

Thực tế, việc sử dụng phế phẩm nông nghiệp để làm giấy không mới, nhưng đó là giải pháp đáng giá, vì túi nilon và rác thải nhựa ngày càng là vấn đề nan giải đối với nhiều quốc gia.

Chuối là một loài cây phổ biến ở Việt Nam với 100.000 ha diện tích trồng và 1,4 triệu tấn trái chuối được thu hoạch mỗi năm. Nhưng sau thu hoạch, thân chuối trở thành phế phẩm nông nghiệp, một số ít dùng làm thức ăn cho gia súc, còn đa phần bị vứt bỏ.

Sau 2 năm, nhóm đã tạo ra thành phẩm là những mẫu giấy A3, A4, hộp gói quà, giấy gói hoa, thiệp… có bề mặt mềm mịn, đẹp. Ý tưởng này còn giành giải Nhất cuộc thi sáng kiến giảm rác thải nhựa của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF. Ngay sau đó, nhóm đã huy động đầu tư được hơn 300 triệu đồng cho phát triển nhà máy giấy.

Theo TS Hoàng Thị Tuyết Nhung, Phó trưởng bộ môn Khoa Công nghệ hóa học và thực phẩm, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM (giảng viên hướng dẫn), nhóm mong muốn sẽ chuyển giao công nghệ này về các địa phương nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, tạo nguồn thu cho nông dân. Bã thân chuối được ép làm giấy, nước trong thân chuối (chiếm tới 90%) được ủ phân để tưới cây. Từ năm 2021, nhóm phối hợp doanh nghiệp sản xuất thử nghiệm tại Kiên Giang và một số nơi có diện tích trồng chuối lớn, sau đó mở rộng ra các địa phương khác.

Gỡ khó cho người nuôi tôm

Nhóm sinh viên Nguyễn Ngọc Trân, Trần Thị Nga, Biện Công Đoàn, Bùi Phước Trường của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chọn dấn thân vào con đường start up xuất phát từ khó khăn của người nuôi tôm.

Ở hầu hết các tỉnh miền Tây Nam bộ, bà con chọn con tôm làm kế sinh nhai thường xuyên khốn đốn vì hao hụt cao ở giai đoạn thả giống; tốc độ phát triển chậm, màu sắc tôm không đạt yêu cầu làm cho tôm lâu lâu mới trúng mùa thì lại mất giá.

“Vậy là chúng tôi trăn trở làm sao để giải quyết khó khăn này. Tìm đến “sư phụ” là thạc sĩ Huỳnh Văn Hiếu nhờ tư vấn, không ngờ được thầy nhận hướng dẫn và hỗ trợ, nhóm tìm ra con đường dùng bột tảo Spirulina làm thức ăn cho tôm”, Ngọc Trân, sinh viên ngành Công nghệ sinh học, chia sẻ.

Sinh viên mang dự án đến
Nhóm sinh viên mang dự án Ứng dụng tảo Sprirulina đến các đấu trường khởi nghiệp trong và ngoài nước

Dự án “Ứng dụng tảo Sprirulina gia tăng hiệu quả cho tôm và cải tạo môi trường” được “thai nghén” với mong muốn giải quyết những mong muốn của bà con nông dân. Sản phẩm của dự án khi thành hình sẽ là tảo sấy khô cho người nuôi tôm, chuyển giao công nghệ phối trộn cho người nuôi tôm.

So với những dự án cùng đề tài khác, khác biệt lớn nhất nằm ở sự đổi mới trong quá trình nuôi tảo làm cho giá thành tảo Spirulina giảm giúp cho người dân nuôi tôm tiết kiệm được chi phí thức ăn nuôi tôm, gia tăng giá trị kinh tế.

Tảo Spirulina là tảo khô dùng để bổ sung dinh dưỡng cho tôm, khi xuống nước tảo không thể sống lại mà chỉ làm thức ăn cho tôm nên không sợ dư thừa tảo dưới ao nuôi.

Điểm nổi trội là cùng một sản phẩm có thể đáp ứng các yêu cầu người nuôi tôm hiện nay đó là giảm hao hụt, tăng tốc độ phát triển giai đoạn đầu, tăng màu sắc tôm.

Xuất phát từ chuyện “làm chơi” để hỗ trợ người nông dân ở quê mình, những bạn sinh viên không ngờ lại… ăn thật. Nhờ có tính thực tế cao giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn của người nuôi tôm, dự án được trường hỗ trợ rồi “ẵm” luôn giải nhất cuộc thi khởi nghiệp của sinh viên 2020, đang được xét duyệt và đề cử tham dự Cup Khởi nghiệp toàn cầu Entrepreneurship World Cup (EWC). 

Mơ về nền nông nghiệp của tương lai

Khi thực hiện một dự án trồng bơ ở Tây Nguyên, Vũ Trang Linh, học viên cao học ngành Thương mại toàn cầu của Đại học RMIT, đã phát hiện ra điểm mấu chốt để phát triển nông nghiệp bền vững là thiết lập chuỗi giá trị mạnh kết nối nông dân với khoa học và chính phủ.

Là người ủng hộ phương thức canh tác nông nghiệp bền vững, Linh bắt tay làm việc với các nhà khoa học trên khắp thế giới để đưa ra hướng dẫn kỹ thuật và tư vấn cho nông dân địa phương về cây giống, phân bón và máy móc.

Linh cho biết: “Tôi đã kết nối các nhà khoa học quốc tế với nông dân địa phương để thảo luận về khả năng và đưa ra những đề xuất dựa trên các nghiên cứu tình huống thành công trong ngành nông nghiệp địa phương các nước khác”.

LInh (thứ hai từ trái) trong chuyến đi thực tế cùng các nhà khoa học New Zealand đến vùng trồng bơ
Linh (thứ hai từ trái) trong chuyến đi thực tế cùng các nhà khoa học New Zealand đến các vùng trồng bơ

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc, 43% dân số Việt Nam làm việc trong ngành nông nghiệp, khiến ngành này chiếm tỉ trọng tuyển dụng áp đảo so với các ngành dịch vụ và công nghiệp.

“Tuy nông nghiệp chiếm 1/3 nền kinh tế và vẫn đang tiếp tục phát triển nhanh chóng ở Việt Nam, nhưng ngành này hiện còn dùng những phương pháp canh tác kiểu cũ, không ứng dụng công nghệ cao để tối ưu hóa năng suất”, Linh nói. “Vẫn còn cơ hội ứng dụng công nghệ mới nhất vào đây nhằm tăng tỉ suất lợi nhuận và cải thiện chất lượng cuộc sống của nông dân địa phương có quy mô sản xuất nhỏ”.

Hiện làm việc cho một công ty khởi nghiệp về nông nghiệp, Linh đang đầy nhiệt huyết áp dụng những gì mình học cho sự phát triển của nền nông nghiệp bền vững.

Phúc Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI