Đầu năm “xông đất” những thầy cô… lắm chiêu

13/02/2021 - 11:09

PNO - Đó là giáo viên thích “bày trò” trong giờ dạy để đem những giá trị cộng thêm cho người học, thay vì chỉ truyền đạt kiến thức sách vở.  

Cho học sinh xem phim, nghe nhạc trong lớp

Nếu như nhiều người “kỵ” mở phim hoạt hình cho học sinh xem trong giờ học thì đó lại là “sở thích” của cô Trần Thị Mộng Trinh, giáo viên chủ nhiệm lớp Một/1 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Q.1). Bật một bài hát, mở một đoạn phim hoạt hình học sinh đang khoái nhất vào đầu giờ học là thói quen trong nhiều tiết dạy của cô.

Cô Trần Thị Mộng Trinh bên học trò
Cô Trần Thị Mộng Trinh bên học trò

Bắt đầu vào bài mới môn tiếng Việt, cô sẽ trình chiếu một bài hát thiếu nhi, trong đó có chứa các âm, vần mà học sinh đã học từ bài trước để lôi kéo sự chú ý. “Từ bài hát khởi động, tôi sẽ đố học sinh từ này, từ kia có âm, vần gì? Đây cũng là cách kiểm tra bài cũ thông qua câu trả lời của các em. Cũng cách khởi động này, tôi cho các em xem đoạn phim hoạt hình, từ hình ảnh nhân vật gợi ra các âm, vần mà hôm đó sẽ học. Cứ như thế, các em đi vào bài mới một cách nhẹ nhàng, vui tươi”, cô Trinh chia sẻ.

Theo cô Trinh, học sinh lớp Một vừa từ mầm non chuyển lên chưa quen với nề nếp lớp học, bắt ngồi yên một chỗ cũng đã khó chịu. Vì vậy, giáo viên phải dẫn dắt bằng hoạt động tạo sự hứng thú để học sinh tích cực tham gia vào bài học. Để làm được như vậy, mỗi môn học đều phải có cách thu hút riêng. Bí quyết của cô Trinh là đưa công nghệ vào lớp học. Học toán thì con số phải kèm thêm màu sắc, hình ảnh minh họa; học chữ thì lâu lâu phải chèn thêm đoạn nhạc vào phần trình chiếu…

Để làm được giáo án sinh động, cô Trinh phải chủ động học tin học, tập làm PowerPoint. Với nhiều giáo viên, đó là chuyện dễ dàng nhưng với một cô giáo U60 thì gặp không ít khó khăn. Chỗ nào không hiểu, cô phải tìm hiểu ở các đồng nghiệp trẻ, có người bằng tuổi con cô.

Ở lớp của cô, học trò được tự do để đạt được hiệu quả giáo dục cao nhất
Ở lớp của cô, học trò được tự do để đạt được hiệu quả giáo dục cao nhất

“Ngày xưa, giáo viên có thể “dạy chay”, nhưng nay cả một kho tài nguyên tư liệu dạy học trên mạng, nếu không biết tận dụng thì lạc hậu, không theo kịp chương trình mới. Bản thân giáo viên phải thay đổi thì mới đổi mới được phương pháp dạy học, mới giúp học sinh đạt được kiến thức, kỹ năng sau khi hoàn thành chương trình”, cô Trinh nhấn mạnh.

Cô Trinh cho hay, cái khó khi dạy học sinh lớp Một là mức độ tiếp thu ban đầu không đồng đều do có em được học chữ trước, có em chưa. Vì thế, cô điều chỉnh các tiết dạy từ từ, không chạy đua giáo án để kéo đều năng lực học của học sinh. Một số em chậm quá được kèm thêm. Ngoài ra, nói chuyện, động viên học sinh và trao đổi với phụ huynh để các em được quan tâm hơn cũng là việc cô Trinh thường làm.

“Phù thủy” lắm chiêu

Nói đến những giáo viên thích “bày trò” thì không thể bỏ qua thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Lịch sử của Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3). Không chỉ vẽ vời môn sử đúng sở trường mà thầy còn rủ thêm giáo viên bộ môn khác kết hợp làm dự án, bắt học sinh rời bàn học, bước vào cuộc sống để học.

Là một dân phượt chính hiệu nên thầy Đăng Du luôn muốn học sinh được tự mình chạm vào cuộc sống để tích lũy kiến thức, làm quen với chủ nghĩa xê dịch, với những bất định của cuộc sống.

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du

Học môn của thầy không chỉ biết sử mà phải biết nhiều thứ khác, người học mệt nhoài nhưng lại rất mê. Phía đông Tổ quốc ta (Anchor to the East) hay Sài Gòn by bus… đều là những dự án mà thầy lên ý tưởng và mời giáo viên các bộ môn của nhiều trường THPT tại Q.1, Q.3 cùng tham gia tạo ra sân chơi cho học sinh.

“Học sử nhưng thầy yêu cầu chúng tôi phải biết dựng clip, làm poster, phỏng vấn thu thập thông tin, thuyết trình, QR code… Làm rất cực nhưng rất vui. Thầy để chúng tôi thực hiện hết mọi việc, chỉ định hướng và hướng dẫn khi cần thiết”, Thanh Vy, lớp 11D2 Trường THPT Lê Quý Đôn kể.

Cũng có ý kiến cho rằng các dự án của thầy có hơi hướng showbiz và mang tính trình diễn. Tuy nhiên, thầy Đăng Du nói: “Vì đối tượng mà tôi muốn tác động đến là học sinh, là giới trẻ. Do đó, trước hết phải chọn cách thể hiện làm sao để lôi cuốn được các em. Quan trọng là những kỹ năng, kiến thức, bài học nhận thức và tình cảm học sinh rút ra được đằng sau những hình thức đó”.

Với thầy Du, dạy học không chỉ chăm chăm vào kết quả, mà quá trình trải nghiệm hết sức quan trọng. Trong khi làm dự án, học sinh lao vào tìm tòi cái mới để biến chúng thành kiến thức.

Sau các dự án, học sinh biết được vị trí địa lý, toàn vẹn lãnh thổ đất nước, biết các di tích của TP.HCM đẹp và ý nghĩa đến nhường nào... để thêm yêu đất nước mình. Đã thế, còn “lận lưng” thêm nhiều kỹ năng như: hát rap, làm clip, tự tham gia giao thông công cộng…

Không chỉ trong công tác chuyên môn, mà trong công tác chủ nhiệm, thầy Đăng Du cũng làm… chẳng giống ai.

Với nhiều cựu học sinh của trường THPT Lê Quý Đôn, thầy Đăng Du là một trong những chủ nhiệm đáng “sợ” nhưng cũng đáng nhớ nhất. Sợ vì thầy quá hiểu các trò “mánh lới” của học sinh. Nhưng thầy luôn cùng học trò tạo ra những kỷ niệm dễ thương.  

Học môn Sử với thầy còn phải biết thuyết minh sa bàn về Hoàng Sa, Trường Sa
Học môn Sử với thầy còn phải biết thuyết minh sa bàn về Hoàng Sa, Trường Sa

Có lẽ, việc thầy chủ nhiệm nhận xét “bá đạo” cũng là một kĩ niệm khó quên với nhiều trò.

Với một bảng điểm “đẹp như mơ”, thầy cũng không ngần ngại “chê” học sinh “Em phải lưu ý môn hóa. Cần hạn chế tính nghệ sĩ và nhớ phải thực hiện đúng nội quy nhà trường”.

Một nam sinh có học lực giỏi, hạnh kiểm tốt, lại nhận được góp ý khá thẳng thắn của thầy chủ nhiệm lớp: “Em rất năng động, có năng khiếu nghệ thuật, nghệ sĩ nhưng đó cũng là điểm yếu cần khắc phục”…

Dù chê học trò nhưng phải thừa nhận thầy chủ nhiệm này rất hiểu tính cách, năng lực, sở trường sở đoản của từng học sinh để nhắc nhở, uốn nắn. Khi học trò có chuyện, thầy như người bạn chia sẻ, gỡ rối, định hướng và đồng hành cùng các em.

Có những người thầy mà dù học trò có rời trường bao năm, trưởng thành bao nhiêu cũng không quên được. Thầy Đăng Du, cô Mộng Trinh là một trong những kỹ sư tâm hồn đúng nghĩa bởi thứ họ mang đến cho người học không chỉ có kiến thức. Để khi nhớ về hồi ức đẹp của tuổi học trò, ở đó còn có những người thầy cô đặc biệt...

Mỹ Bình - Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI