Khi Nhà xuất bản in sách vi phạm bản quyền

04/11/2022 - 07:06

PNO - Dù đã có nhiều tác giả lên tiếng, nhưng Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam vẫn in sách vi phạm bản quyền.

Mới đây, nhà văn Uông Triều phát hiện bài viết Ngày suy tàn của sách giấy? của anh in trong cuốn sách Đọc hiểu mở rộng văn bản Ngữ văn 11 - Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành. Còn truyện ngắn Kiếm sắc và hoa đào được in trong cuốn Đọc hiểu mở rộng văn bản Ngữ văn 8 - Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành, nhờ bạn bè báo tin thì anh mới biết.

Một số cuốn sách được phát hiện vi phạm bản quyền gần đây
Một số cuốn sách được phát hiện vi phạm bản quyền gần đây

Cùng thời điểm, tác giả Ngô Bá Hòa cũng bức xúc khi thấy bài thơ Chiếc áo của cha của mình trong cuốn sách Ngữ văn 7 - Đề ôn luyện và kiểm tra (dùng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa) do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành, mà không xin phép. Năm 2017, nhà văn Trần Đức Tiến cũng từng phát hiện ra truyện ngắn Hoa cúc áo của mình đã được in trong cuốn sách cùng tên của NXB Giáo dục Việt Nam, khi cuốn sách này đã in đến lần thứ tám.

Theo chia sẻ của nhà văn Uông Triều, phía NXB Giáo dục Việt Nam hiện đã liên hệ để giải quyết vấn đề. Việc vi phạm bản quyền sẽ không diễn ra nếu phía NXB có trách nhiệm, nghiêm túc ngay từ đầu.

Nhà thơ Hồ Huy Sơn cũng cho hay: “Năm 2016, qua bạn bè tôi mới biết hai bài viết Con đường rơmHãy can đảm lên của mình in trong hai cuốn sách Luyện tập tiếng Việt 3 (2012) và 35 đề ôn luyện tiếng Việt 3 (2015).

Dù sau đó, NXB Giáo dục Việt Nam đã liên hệ thanh toán tiền nhuận bút, đồng thời gỡ bỏ hai bài viết ở những lần in sau theo yêu cầu, nhưng với tôi, đây vẫn là một câu chuyện đáng buồn. Lẽ ra ngay từ đầu, những người làm sách phải có sự xin phép từ tác giả. Thông tin của tác giả bây giờ không quá khó để tìm thấy, có thể qua mạng internet hoặc qua các tờ báo, tạp chí - nơi đã đăng tải các bài viết trên”. 

Có thể thấy nhiều trường hợp bị xâm phạm tác quyền, phía NXB chỉ tìm cách giải quyết, thương lượng khi bị tác giả phát hiện và lên tiếng tố cáo. Tình trạng này sẽ không diễn ra nếu ngay từ đầu NXB làm nghiêm, chỉ cấp giấy phép khi có đầy đủ văn bản có sự đồng ý của tác giả có tác phẩm được sử dụng trong sách. Riêng với NXB Giáo dục Việt Nam, tình trạng này diễn ra không chỉ một lần. Chưa kể, NXB là nơi cấp giấy phép, cũng là nơi có trách nhiệm cao nhất, không thể để đến khi sự việc vỡ lở, lại đá quả bóng trách nhiệm sang cho tác giả/nhóm tác giả biên soạn. Đáng tiếc là nhận thức và ý thức về tôn trọng tác quyền của những người đang trực tiếp làm sách, lại đi ngược với mong muốn của tác giả. 

Thy Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI