Khi giáo viên 'soi' Facebook của phụ huynh

22/03/2018 - 08:57

PNO - Nếu giáo viên lấy những thông tin từ Facebook để bàn tán, khen ngợi hay phê phán học trò thì có khi lại phản tác dụng.

Trưa thứ Bảy, cậu út nhà tôi đi học về mặt mày ủ dột, càu nhàu:  “Mẹ ơi, mai mốt mẹ đừng đưa hình hay kể chuyện chị em con lên Facebook nữa. Coi chừng bị cô giáo “soi” như Facebook của mấy phụ huynh kia, làm mệt cả lớp luôn đó mẹ”.

Khi giao vien 'soi' Facebook cua phu huynh

Tôi chưa kịp hỏi thì cô chị thỏ thẻ: “Mẹ có nhớ năm ngoái, hồi đầu năm lớp Mười không? Mẹ chỉ đăng có cái lưng con ngồi lau cầu thang thôi, vậy mà con được cô… tuyên dương trước lớp đó. Con mắc cỡ gần chết. Bây giờ kỳ lắm mẹ, nhiều cô chủ nhiệm kết bạn với phụ huynh trên Facebook, vào xem thông tin rồi lên lớp “sửa bài” học sinh. Bạn nào được cha mẹ khoe làm việc nhà thì được khen, bạn nào bị cha mẹ ghi dòng tâm trạng buồn bã, thất vọng thì bị rầy la... Con khủng hoảng luôn đó mẹ!”.

Nghe cô chị kể, thằng út gật lia lịa: “Lớp em cũng vậy. Ngày đầu tuần nào cô cũng vô lớp  “cập nhật” chuyện mỗi đứa mà cô “soi” được trên Facebook, em thấy sao mà kỳ quá!”. Cu cậu quay sang nói với mẹ: “Tuần trước, T. ở tổ con đòi nghỉ học vì cô mang chuyện mẹ nó ghen tuông chia sẻ trên Facebook ra “an ủi” nó. Còn H. thì sốc nặng khi cô mang chuyện bạn xin mẹ được chơi game đến giao thừa ra giễu cợt…”.

Để chứng minh cho nỗi đau khổ của mình, hai con năn nỉ tôi mở Facebook, qua “tường” nhà cô giáo để vào xem thông tin của phụ huynh khác. Quả thật, cô chủ nhiệm hai con tôi đã kết bạn với hầu hết phụ huynh trong lớp. Dòng tâm trạng từng ngày của các phụ huynh ngoài khoe hình ảnh, cảnh đi chơi thì cuối cùng cũng quẩn quanh chuyện nhà.

Người khoe con đạt điểm 10, người kể con hiếu thảo… Nhưng cũng có người than vãn về con, về chồng… Và không ít câu chuyện, hình ảnh, tình huống đã được cô giáo mang ra khen ngợi, bàn tán, phê phán ngay trên lớp.

Ngày nay, nhiều giáo viên dùng Facebook như một kênh liên lạc với gia đình, tìm hiểu thông tin để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh. Đây là phương thức nắm bắt thông tin nhanh chóng và hữu hiệu. Nhờ kênh thông tin này mà nhiều học sinh, gia đình học sinh được giúp đỡ, hoặc cùng nhau giúp đỡ ai đó…

Tuy nhiên, Facebook cũng là chốn hư ảo để người ta “tự sướng”, là chốn riêng tư. Nếu giáo viên lấy những thông tin từ đó để bàn tán, khen ngợi hay phê phán học trò thì có khi lại phản tác dụng. 

Đông Chương 
(Q.10, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI