Khế Iêm và 'Vũ điệu không vần'

09/01/2020 - 07:18

PNO - 'Vũ điệu không vần' là công trình nghiên cứu kéo dài 18 năm của Khế Iêm.


Lâu rồi mới có một buổi nói chuyện về thơ mà sôi nổi như cuộc bàn luận về thơ Tân hình thức Việt cùng với nhà thơ Inrasara, Khế Iêm, Vũ Trọng Quang... trong buổi giới thiệu tập tiểu luận Vũ điệu không vần (Khế Iêm, Domino Books và nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành mới đây). 

Vũ điệu không vần là công trình nghiên cứu kéo dài 18 năm của Khế Iêm. Tác phẩm gồm 35 tiểu luận, với hơn 600 trang, cung cấp những thông tin chi tiết về ngôn ngữ, luật tắc trong sáng tác, ghi nhận những chặng đường tìm kiếm trong sáng tạo. Với tập tiểu luận này, tác giả muốn đưa thơ Việt ra thế giới.

Phong cách thơ gần với văn xuôi và sử dụng kỹ thuật “lặp lại” để tạo nhịp điệu, nên khi chuyển dịch vẫn giữ được nhịp điệu và làm biến mất dấu vết của văn xuôi, thành thơ. Người đọc Mỹ sẽ đọc như một bài thơ chứ không phải một bản dịch. Một ưu điểm nữa là những người đọc Mỹ sẽ được đọc những bài thơ khác lạ, am hiểu thêm về đất nước và con người từ một nền văn hóa khác. 

Nhà thơ Đỗ Quyên đánh giá: “Sau hai mươi năm ra đời và phát triển của thơ Tân hình thức Việt từ ngoài lan tỏa vào trong nước, Vũ điệu không vần là thành quả tự nhiên về lý thuyết và thực hành, một khuynh hướng nghệ thuật, một loại hình thơ mới, trên nền tảng truyền thống và hiện đại của thơ Việt cũng như thơ tiếng Anh”.

“Khi đọc tập tiểu luận Vũ điệu không vần của nhà thơ Khế Iêm, tôi luôn bắt gặp ở đó những suy tưởng chứa đầy sắc hương và ánh sáng. Đó là thứ hương sắc của tâm hồn, của cảm xúc và ánh sáng của trí tuệ với những luận giải về thơ đầy chất triết luận và một tình yêu thơ ca mãnh liệt, thể hiện một khao khát cháy bỏng về hành trình đổi mới thơ Việt mà thi nhân xem đây như một sứ mệnh được lịch sử thi ca dân tộc giao lại cho thế hệ mình” - phó giáo sư - tiến sĩ Trần Hoài Anh, Khoa Văn hóa, Đại học Văn hóa nhận định. 

Khế Iêm tên thật Lê Văn Đức (sinh năm 1946 tại Lê Xá, H.Vụ Bản, tỉnh Nam Định), có thể gọi ông là “sư tổ” của thơ Tân hình thức Việt. Ông cũng từng chủ biên Blank Verse (Thơ không vần, 2006) và Poetry Narrates (Thơ kể, 2010), cả hai đều là thơ Tân hình thức Việt, ấn bản song ngữ. Ông tham gia hội nghị hằng năm lần thứ 56 (2004) của Hiệp hội Nghiên cứu Á châu (Association Asian Studies) về thơ các quốc gia vùng Đông Nam Á, gồm Thái Lan, Philippines và Việt Nam với chủ đề: Poetry as a window on history and change in Southeast Asia (Thơ, cửa sổ qua lịch sử và biến đổi tại Đông Nam Á). 

Lý Đợi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI