Ipoh - nơi văn hóa Á - Âu hội tụ

24/11/2022 - 06:07

PNO - Theo người địa phương, những cư dân đầu tiên đến Ipoh để đào vàng. Dần dần, họ nhận ra vùng đất này có nhiều sản vật hơn để phát triển nên lựa chọn làm quê hương thứ hai.

Lorong Panglima thu hút du khách với những ngôi nhà gỗ, lồng đèn đỏ, món sữa đậu nành và đậu hũ nóng
Lorong Panglima thu hút du khách với những ngôi nhà gỗ, lồng đèn đỏ, món sữa đậu nành và đậu hũ nóng

Đường mòn di sản

Khai trương vào năm 1971, nhà ga Ipoh do Arthur Benison Hubback thiết kế mang đậm phong cách kiến trúc Ma Rốc, tích hợp các yếu tố bản địa. Nhờ những mái vòm lấp lánh, tông màu trắng, nơi đây còn được biết đến với tên gọi “Tamah của Ipoh”. Phía trước nhà ga là quảng trường di sản Ipoh.

Khi nhà ga được đưa vào sử dụng, quảng trường chỉ là một bãi cỏ, sau đó được cải tạo để khai thác như một công viên. Đến năm 2011-2013, khu vực này được nâng cấp với đài phun nước, các tác phẩm điêu khắc và đổi tên như hiện tại với mong muốn kích hoạt cung đường mòn di sản Ipoh, tạo điểm nhấn du lịch cho thành phố lớn nhất bang Perak.

Khi nhìn từ bên ngoài, kiến trúc Pháp của nhà ga Ipoh nổi bật trên nền màu xanh của quảng trường, của bầu trời, sang trọng và tinh tế. Từ Tòa án Tối cao (đối diện nhà ga Ipoh), đi bộ khoảng năm phút về phía tây nam, chúng tôi đến tháp đồng hồ Birch Memorial - còn được gọi là Menara Jam Peringatan Birch - được xây dựng vào năm 1909 để tưởng nhớ James W. W. Birch, thống đốc người Anh đầu tiên của bang Perak.

Những bức bích họa ở khu vực chợ Jalan
Những bức bích họa ở khu vực chợ Jalan

Tháp đồng hồ được xây dựng theo phong cách Victoria, gồm ba tầng, mỗi tầng tháp mang ý nghĩa khác nhau. Bốn mặt của tầng đầu tiên khắc họa các bức tượng đại diện cho lòng trung thành, công lý, lòng dũng cảm và sự kiên nhẫn - bốn trụ cột của nền hành chính Anh. Bốn mặt của tầng hai là những bức tranh thể hiện 49 ngành nghề nổi tiếng qua các thời đại.

Tầng cuối cùng có đồng hồ, một chuông lớn và bốn chuông nhỏ. Các chuông nhỏ ở vị trí khá cao, khó có thể nhìn rõ họa tiết từ dưới mặt đất, song, theo một vài thông tin, bốn quả chuông mô tả bốn giai đoạn của nền văn minh. Những câu chuyện xung quanh tháp đồng hồ cũng như kiến trúc của nó đáng để bạn đến tham quan và chiêm ngưỡng.

Nếu tam giác vàng di sản: nhà ga Ipoh - Tòa án Tối cao - Birch Memorial mang đến cảm giác châu Âu cổ giữa lòng thành phố thì Lorong Panglima và chợ Jalan lại mang đến trải nghiệm khác hẳn.

Cũng như nhiều phố người Hoa khắp thế giới, Lorong Panglima hay Concubine thu hút du khách nhờ vẻ đẹp của những ngôi nhà gỗ cổ, những chiếc dù trắng đỏ xen kẽ, những chiếc đầu lân đỏ rực dưới ánh nắng… Chúng đẹp đến mức cứ đi vài bước, bạn lại muốn dừng lại, ngắm thật kỹ hay chạm tay vào.

Chợ Jalan lại gợi nhắc về những bức tranh tường nghệ thuật đương đại ở Penang. Nghệ thuật đường phố 2014 thử nghiệm của Zacharevic được gọi chung là dự án nghệ thuật của khu phố cổ, mang lịch sử của Ipoh trở lại đường phố. Dạo một vòng quanh các con phố thuộc khu chợ, bạn có thể nhấm nháp cà phê cùng một ông già, tạo dáng cùng chiếc xích lô…

Một số tác phẩm nghệ thuật có các yếu tố 3D thú vị, chẳng hạn bức tranh tường về một cô gái với chiếc lồng chim được đặt vào tường, những khu rừng hay lịch sử hào hùng của vùng đất này cũng được tái hiện tỉ mỉ và tinh tế…

Ngoài Zacharevic, Ipoh tràn ngập nghệ thuật đường phố thay đổi theo mùa và cảm hứng luôn thay đổi của các nghệ sĩ địa phương. Có thể nói chợ Jalan đưa người ta đến với lịch sử hào hùng của vùng đất này thông qua những bức tranh nghệ thuật đường phố, tranh 3D trong dự án do họa sĩ Ernest Zacharevic phóng tác, lấy cảm hứng từ lịch sử Ipoh.

Đền thờ dang dở của lâu đài
Đền thờ dang dở của lâu đài

Tòa lâu đài huyền bí

Lâu đài Kellie là một công trình tọa lạc gần Batu Gajah, bang Perak, Malaysia, cách thành phố Ipoh khoảng 20 phút lái xe. Công trình này vốn là một tòa lâu đài chưa hoàn thành do một chủ đồn điền người Scotland - Kellie Smith - xây dựng như một món quà tặng vợ và con trai từ năm 1909.

Theo thiết kế ban đầu, tòa lâu đài có sáu tầng tháp, một sân tennis trong nhà, khu vực giải trí được đặt trên nóc nhà và là công trình kiến trúc đầu tiên ở Malaysia được trang bị thang máy. Để thi công, ngoài công nhân địa phương, chủ nhân lâu đài đã mời 70 thợ thủ công từ Ấn Độ đồng thời vận chuyển tất cả nguyên vật liệu từ Ấn Độ đến Malaysia.

Trong quá trình xây dựng, dịch cúm Tây Ban Nha xuất hiện và lây lan mạnh trong đội ngũ công nhân. Vì thế, họ đề nghị ông xây thêm một ngôi đền để cầu xin sự che chở của bề trên và Smith đã đồng ý. Để đáp lại sự hào phóng đó, họ đã đúc tượng Smith bên cạnh các tượng thần khác trong bức tường của ngôi đền.

Năm 1926, William Kellie Smith mất ở tuổi 56 vì viêm phổi khi đang ở Lisbon (Bồ Đào Nha). Vợ ông bán lâu đài và quay về Scotland. Lâu đài từng xuất hiện trên phim Anna and the King (năm 1999) và phim Skyline Cruisers (năm 2000).

Tháp đồng hồ Birch Memorial có thiết kế tinh xảo và trang trọng
Tháp đồng hồ Birch Memorial có thiết kế tinh xảo và trang trọng

Lâu đài được xây dựng trên một ngọn đồi cao, lối đi chính là cây cầu bắc ngang con suối nhỏ. Công trình là tổng hòa của kiến trúc Hy Lạp - La Mã, Ma Rốc và Ấn Độ. Lâu đài có một phòng khách đã được hoàn thiện theo phong cách quý tộc châu Âu ngày xưa.

Từ những người quản lý lâu đài, bạn có thể nghe chuyện về người chủ lâu đài, những công nhân từng tử vong tại đây cũng như được xem những bức ảnh “không nên xem lúc nửa đêm”. Những câu chuyện gắn với các khung cửa sổ trong lâu đài sẽ khiến bạn lạnh sống lưng khi đặt chân vào trong.

Hầu hết các chuyện kỳ bí về lâu đài đều liên quan đến các khung cửa sổ. Công trình này có rất nhiều cửa sổ. Khi đứng gần một trong các khung cửa sổ này ở vị trí càng lên cao, bạn càng nghe rõ tiếng gió thổi, tiếng ồn bên ngoài ùa vào không khác gì âm thanh trong các bộ phim kinh dị.

Thế nhưng, bỏ qua yếu tố huyền bí, bạn sẽ phải trầm trồ trước sự vĩ đại của cả công trình, độ tinh tế của các họa tiết trong lâu đài, đến cả những bức phù điêu hay chạm trổ trên cửa sổ.
Theo nhiều người lớn tuổi, những cư dân đầu tiên của bang là những người đi đào/đãi vàng ở các con suối. Đến nay, việc đãi vàng đã không còn phổ biến ở Ipoh nhưng điệu múa đãi vàng trở thành đặc sản “đãi khách” của vùng đất này và được phục vụ tại khu du lịch The Lost of World.

Đến Ipoh, bạn đừng quên gọi một ly cà phê trắng (Kopi white) để thưởng thức. Cà phê trắng không phải cà phê có màu trắng mà là cà phê không tẩm ướp gì và được rang vừa chín tới, hạt cà phê vẫn có độ trắng nhất định chứ không chuyển sang nâu đậm như thường thấy. Cách rang này gần như giữ nguyên vẹn hương vị thuần khiết của cà phê và đủ sức chiều lòng bất kỳ tín đồ nào của món nước này.

Nhắc đến Ipoh, người ta cũng nhớ ngay đến cà phê trắng với cách rang và điều chế đặc trưng
Nhắc đến Ipoh, người ta cũng nhớ ngay đến cà phê trắng với cách rang và điều chế đặc trưng

Để đến Ipoh, du khách có thể bắt xe buýt hay tàu hỏa từ Kuala Lumpur. Giá vé từ 30-50 R.M (từ 165.000 - 225.000 đồng). Thời gian di chuyển từ 3-6 tiếng. 
Bên cạnh đường mòn di sản Ipoh, bạn có thể khám phá thêm các ngôi chùa, chợ đêm, suối nước nóng và ẩm thực của vùng đất này.

Bài và ảnh: Huỳnh Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI