Châu Thường đâu chỉ có quế ngọc

08/11/2022 - 13:14

PNO - Thường Xuân là một trong những huyện miền núi phía tây xứ Thanh. Nơi đây vốn nổi tiếng khắp nước với quế ngọc - một loài cây quý có giá trị kinh tế cao, là dược liệu chính trong nhiều bài thuốc.

Hồ Cửa Đạt
Hồ Cửa Đạt

Tuy nhiên, ít ai biết ngoài quế, vùng đất Châu Thường - nơi quần tụ ba dân tộc anh em Thái, Mường, Kinh - còn nổi tiếng bởi vẻ đẹp nên thơ hữu tình.

Có lẽ bởi thương những người con của núi rừng chân chất, chịu thương chịu khó nên tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này vẻ đẹp trù phú với những danh lam thắng cảnh làm mê đắm lòng người. Món quà của đất trời cùng những món ăn và nhịp sống nơi đây khiến du khách có dịp đến Thường Xuân cứ vương vấn mãi khôn nguôi.

Cây cầu vào Bản Mạ
Cây cầu vào Bản Mạ

Vẻ đẹp Châu Thường

Trung tâm huyện Thường Xuân cách TP.Thanh Hóa 50km theo tuyến Quốc lộ 47. Tôi cùng một người bạn quyết định khám phá Thường Xuân bằng xe máy để được hòa mình với thiên nhiên nơi đây. Trên những cung đường lạ, thấp thoáng hai bên là những cánh đồng lúa mùa vàng trĩu hạt, hương lúa nếp bảng lảng trong sớm mai khiến chúng tôi cứ hít hà mãi.

Đầu huyện Thường Xuân là cây cầu Bái Thượng bắc ngang dòng sông Chu. Từ trên cầu Bái Thượng nhìn xuống, dòng sông Chu như con rắn khổng lồ uốn lượn nhịp nhàng bơi về phía biển lớn. Xa xa, những con thuyền đánh cá nhẹ nhàng lướt đi trên dòng nước trong xanh. Hai bên bờ sông, bãi bồi xanh ngắt những luống ngô đang trổ cờ rung rinh trong nắng sớm. Chứng kiến khung cảnh đẹp tựa bức tranh thủy mặc, lòng tôi trào dâng cảm giác bình yên đến lạ.

Địa điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là khu du lịch Bản Mạ. Bản Mạ thuộc thị trấn Thường Xuân. Bản được nối với Quốc lộ 47 bằng một cây cầu treo. Đi trên cây cầu treo bằng sắt, cảm nhận chiếc cầu lắc lư theo từng nhịp bước, ban đầu, tôi hơi sợ. Thế nhưng, khi bắt gặp những nếp nhà sàn nằm san sát yên bình bên dòng sông Chu thơ mộng, nỗi sợ nhanh chóng được thay thế bằng niềm phấn khích. Đến Bản Mạ, chúng tôi đắm chìm trong không gian văn hóa của đồng bào Thái.

Hôm đó, trong căn nhà sàn gỗ, bên ly rượu men lá thơm lừng, chúng tôi thưởng thức những món đặc sản của người Thái. Vừa ăn, chúng tôi vừa được nghe câu hát khặp, tiếng cồng chiêng rộn rã. Cuối buổi, chúng tôi còn được mời tham gia nhảy sạp. Tôi chẳng biết vì rượu men lá hay do ánh mắt, nụ cười của những cô gái Thái với nước da trắng ngần, đôi má ửng hồng, mái tóc đen tựa như dòng suối chảy và tiếng hát tựa như loài sơn ca trong rừng mà tôi cứ lâng lâng. Cơn say lạ lùng đến mức mỗi lần nghĩ về Bản Mạ, cả người tôi lại nao nao.

Chia tay Bản Mạ, chúng tôi đến hồ Cửa Đạt - một công trình thủy lợi được xây dựng để tích trữ nước, chống lũ. Đứng trên thành hồ nhìn về không gian mênh mông nước mới thấy thiên nhiên thật hùng vĩ còn con người thật nhỏ bé. Hoàng hôn nơi hồ Cửa Đạt là một trong những cảnh hoàng hôn đẹp nhất tôi từng chứng kiến. Mặt trời như hòn than đỏ rực gom dần về phía núi nhuộm một vùng trời thành màu đỏ ối. Bên dưới lòng hồ, mặt nước vẫn xanh thẳm lăn tăn những gợn sóng. Thấp thoáng trong ráng chiều có bóng con thuyền đơn độc lặng lẽ mưu sinh bằng nghề đánh cá trên mặt hồ. Tất cả hòa quyện tạo cảm giác ma mị và cô liêu đến thắt lòng.

Ngay dưới chân hồ Cửa Đạt là khu du lịch văn hóa lịch sử Cửa Đạt. Trong khu du lịch có đền thờ Cầm Bá Thước - một trong những tướng lĩnh quả cảm trong phong trào Cần Vương - và đền thờ Chúa Thượng Ngàn. Vào mùa cao điểm du lịch hay lễ hội, người dân trong và ngoài tỉnh rủ nhau kéo về để gửi gắm ước nguyện về một cuộc sống đủ đầy, ấm êm.

Điểm cuối của cuộc hành trình là thác nước Trai Gái (còn được gọi là thác Tình Yêu) nằm trên địa bàn xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân. Để đến được thác, chúng tôi đã vượt qua những cung đường đổ đèo với các khúc cua tay áo, hai bên đường là núi non chập chùng màu xanh bát ngát của cây. Trai Gái là một trong những thác nước hoang sơ, tiếng nước rơi như bản nhạc rộn ràng của núi rừng bày tỏ sự cảm động trước câu chuyện tình đẹp của hai con người yêu nhau.

Chuyện rằng có chàng trai và cô gái nọ yêu nhau say đắm nhưng không được cha mẹ chấp thuận bởi gia cảnh chàng trai nghèo khó. Cô gái không ngại gian khổ cùng chàng trai ra đi. Họ đi đến chân ngọn thác và sinh sống. Khi họ cùng chết bên nhau dưới một tảng đá dưới chân thác, linh hồn của họ hóa thành một đôi cá bơi lội trong dòng suối. Cũng từ đó, người ta đặt tên thác là Trai Gái.

Nhìn từ xa, thác Trai Gái như một dải lụa trắng mà một nàng tiên nào đó trốn xuống trần gian dạo chơi khi về trời vì quá vội nên đã bỏ quên nơi núi rừng Thường Xuân. Thác Tình Yêu đẹp nhất là vào mùa hè. Những ngày tiết trời oi nồng, không gì tuyệt vời hơn được đắm mình trong dòng nước mát lạnh chảy từ đỉnh núi.

Một mâm đặc sản Thường Xuân
Một mâm đặc sản Thường Xuân

Món ngon Châu Thường

Đến Thường Xuân, ngoài thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên, bạn đừng quên thưởng thức những món ăn đặc sắc của đồng bào người Thái. Những món ăn đó khiến tôi ăn một lần mà nhớ, mà thèm mãi, tựa như câu nói “thương mùi nhớ vị sao đành lòng quên”. Ngoài xôi ngũ sắc được nhuộm từ những loại lá cây, hạt, quả trong rừng cho năm màu đẹp mắt hay gà đồi nướng trên than đỏ, một trong những món ăn nổi tiếng không thể bỏ lỡ là pa pỉnh tộp, thường được người Thái dùng đãi khách quý.

Món ăn được chế biến khá cầu kỳ. Cá để nướng có thể là cá trắm, cá chép… Điểm đặc biệt của món ăn là cá được mổ từ sống lưng và giữ phần bụng lành lặn, sau khi ướp gia vị sẽ được gập lại và nướng. Món pa pỉnh tộp khi chín thơm lừng. Xé một miếng cá cho vào miệng, cảm nhận đầu tiên là vị ngọt, béo của cá; chút the the thơm thơm của mắc khén hòa quyện cùng các loại gia vị khác một cách hài hòa khiến chúng tôi thi nhau gắp dù trên mâm cơm đầy những món ăn ngon.

Ngoài ra, canh môn da trâu, nhái om cà nấu xúp môn cũng là món ăn đặc sắc, cầu kỳ và nổi tiếng của vùng đất Thường Xuân. Cả hai loại này đều được nấu với loại môn xanh. Song, nếu canh môn da trâu nấu với lá môn tươi thì nhái om lại phức tạp hơn khi môn phải được thái nhỏ và lam đến khi khô mới dùng được. Ngoài ra, hai món này còn có một điểm chung khiến nhiều du khách e dè không dám thưởng thức: không bắt mắt. Dù vậy, hương vị của chúng hoàn toàn trái ngược, ai ăn thử một lần sẽ bị cuốn hút ngay bởi hương vị lạ lùng mà không món ăn miền xuôi nào có. Các nguyên liệu hài hòa, cộng hưởng mang đến một món ăn tròn vị.

Khi bạn đã ngán những món ăn nhiều đạm thì măng đắng luộc chấm chẩm chéo và canh ui là món không thể thiếu trên mâm cơm giúp cân bằng vị giác. Trong suốt cuộc hành trình khám phá Thường Xuân, tôi đã ăn no căng bụng. Có lẽ món ăn ngon một phần cũng bởi người dân nơi đây rất hồn hậu và hiếu khách. Đi đến đâu, chúng tôi cũng được tiếp đón chân tình. Từ nơi du lịch làm dịch vụ đến những người dân bình thường trên suốt dọc đường chúng tôi đi đều rất niềm nở, nụ cười luôn thường trực trên môi thay cho lời chào đến những du khách lạ.

Chia tay Thường Xuân, tôi cứ nhớ mãi tình đất, tình người chốn này. Thường Xuân đẹp, một vẻ đẹp chỉ có thể đi và cảm nhận.

Thác Trai Gái
Thác Trai Gái

- Từ TP.Thanh Hóa có thể bắt xe buýt số 4 hoặc đi xe máy dọc theo tuyến Quốc lộ 47 khoảng một giờ sẽ đến trung tâm huyện 
Thường Xuân.
- Từ sân bay Sao Vàng đi xe ôm hoặc taxi 10km sẽ đến trung 
tâm huyện.
- Các xe khách chạy thẳng từ Hà Nội đến Thường Xuân có nhà xe Hiền Lan, Tuấn Anh.

Lê Đình Trung
(Ảnh sưu tầm từ internet)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI