IMF công bố kế hoạch trị giá 50 tỷ USD nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19

22/05/2021 - 14:27

PNO - Hôm 21/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố một đề xuất trị giá 50 tỷ USD nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19, thông qua việc tiêm ngừa cho ít nhất 40% dân số ở tất cả các quốc gia trên thế giới từ nay đến cuối năm 2021, và ít nhất 60% trước nửa đầu năm 2022.

Theo các quan chức IMF, nếu kế hoạch nói trên được thực hiện thành công, nền kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục nhanh hơn và tạo ra một nguồn tương đương 9.000 tỷ USD từ nay đến năm 2025; các nước giàu chính là những nước có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ kế hoạch này.

IMF kỳ vọng
IMF kỳ vọng tiêm ngừa cho hơn 60% dân số thế giới sẽ giúp chấm dứt đại dịch COVID-19

Cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 đã lấy đi sinh mạng của hơn 3,5 triệu người trên thế giới, và các dự báo cho thấy sự mất cân đối trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe giữa các nước sẽ còn gia tăng trong năm 2022, gây ra "những rủi ro nghiêm trọng cho thế giới", IMF cảnh báo.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về sức khỏe do Ủy ban châu Âu và Nhóm 20 nền kinh tế lớn tổ chức, Giám đốc điều hành IMF - Kristalina Georgieva - cho rằng các nền kinh tế giàu có nên tăng cường hỗ trợ cho các nước nghèo hơn trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch COVID-19, vì chính bản thân các nước này sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

"Các nước phát triển, nếu đóng góp nhiều vào quá trình chấm dứt đại dịch, sẽ có thể đạt được hiệu quả cao nhất trong lĩnh vực đầu tư công trong lịch sử hiện đại, tăng trưởng GDP đến 40% và có thêm khoảng 1.000 tỷ USD thu nhập từ nguồn thuế bổ sung", Giám đốc điều hành IMF nói.

Đề xuất nói trên do các kinh tế của IMF là Gita Gopinath và Ruchir Agarwal soạn thảo, dựa trên các nỗ lực đang được Chương trình thúc đẩy phân phối các công cụ phòng chống COVID-19 (ACT), Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới và các nhóm khác thực hiện.

Để thực hiện kế hoạch nói trên, dự kiến cần một ngân sách khoảng 50 tỷ USD, trong đó có 35 tỷ USD là các khoản viện trợ từ các nước giàu, các nhà tài trợ tư nhân và đa phương, 15 tỷ USD là nguồn tài trợ từ các chính phủ quốc gia, sử dụng nguồn tài chính có lãi suất thấp hoặc không lãi suất từ các ngân hàng phát triển đa phương.

Trước mắt, nhóm các nước G20 đã đồng ý tài trợ 22 tỷ USD để giải quyết cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra, nghĩa là các nước phát triển khác, các nhà tài trợ tư nhân trên thế giới cần phải đóng góp thêm khoảng 13 tỷ USD nữa để đạt mức 50 tỷ USD, IMF cho biết.

Kế hoạch của IMF cũng kêu gọi các nước giàu có tài trợ ứng trước, viện trợ vắc-xin và thực hiện nhiều nỗ lực khác để các nước nghèo hơn có đủ nguồn nguyên liệu thô sản xuất vắc-xin hoặc nguồn vắc-xin thành phẩm, cũng như đầu tư khoảng 8 tỷ USD để đa dạng hóa và tăng năng lực sản xuất vắc-xin trên toàn thế giới.

Theo IMF, dự kiến sẽ có ​​khoảng 1 tỷ liều vắc-xin được viện trợ trong năm nay, ngay cả khi các quốc gia phát triển đã ưu tiên tiêm ngừa cho người dân trong nước, và thêm 1 tỷ liều nữa sẽ được sản xuất vào đầu năm 2022 để đối phó với các rủi ro phát sinh mới, chẳng hạn nhu cầu tiêm bổ sung vắc-xin để phòng ngừa sự lây lan nhanh của các biến thể mới.

Trước tình hình nguồn cung vắc-xin COVID-19 vẫn còn hạn chế, IMF cũng đã kêu gọi được 30 tỷ USD phục vụ cho việc xét nghiệm đại trà, điều trị bệnh nhân và triển khai tiêm vắc-xin ở nhiều nước khó khăn, và huy động thêm được 2 tỷ USD để đánh giá và thực hiện các phương pháp tiêm ngừa có khoảng cách thời gian dài giữa các lần tiêm hoặc giảm liều lượng cho một lần tiêm.

IMF cảnh báo, nếu không thực hiện các hành động khẩn cấp, khả năng đến cuối năm 2022 hoặc muộn hơn, nhiều nước nghèo và đang phát triển mới có thể kiểm soát đại dịch.

Nhất Nguyên (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI