Hòn Cau - nét quyến rũ từ vẻ hoang sơ

07/06/2021 - 06:59

PNO - Hòn Cau (còn gọi Cù Lao Câu) là một hòn đảo nhỏ, thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

 Đảo cách đất liền 10km, có diện tích 140ha, nơi rộng nhất trên đảo khoảng 800m; là một trong những hòn đảo rất hiếm ở Việt Nam hầu như không có dân cư sinh sống. Nơi đây chỉ có hai hộ dân bán hàng nước, thức ăn cho khách du lịch, một doanh trại quân đội và ban quản lý khu bảo tồn biển.

Một đêm đáng nhớ

Chuyện kể rằng đảo có tên Cù Lao Câu bởi nơi đây có rất nhiều loại rau câu chân vịt. Ngày xưa, chúa Nguyễn Ánh từng ẩn nấp trên đảo trong thời kỳ chiến tranh với nhà Tây Sơn. Hay xa xưa nữa, đây từng là nơi trú ẩn của hải tặc. 
Nơi đây lượng mưa rất ít nhưng trên đảo vẫn có cây xanh và nhiều loài thực vật quý hiếm. Đặc biệt có loài rùa biển có trong sách đỏ, vào mùa sinh sản lại đến đây đẻ trứng. 

Hòn Cau có hai mùa: mùa gió nam từ tháng Giêng đến tháng Sáu âm lịch và mùa gió bắc từ tháng Bảy đến tháng 12 âm lịch. Theo kinh nghiệm của nhiều người, thời điểm tốt nhất để đến Hòn Cau là từ tháng Tư đến tháng Tám âm lịch. 
Hôm đó, chúng tôi khởi hành từ Sài Gòn lúc năm giờ sáng, đến Liên Hương khoảng 11 giờ. Cơm trưa xong, chúng tôi ra bến tàu Liên Hương, đi bằng ca nô Hoàng Phúc ra đảo. Chỉ 20 phút trên biển đã đến nơi. 

Ấn tượng đầu tiên là biển trong xanh và rất sạch. Bạn có thể hình dung đảo như một hòn non bộ nhỏ giữa biển khơi, hoang sơ và rất bình yên. Theo đường mòn, chúng tôi lên phía trên cao. Người hướng dẫn nhắc chúng tôi luôn bám theo đường mòn vì nếu lạc bước vào bên trong cỏ hay lùm cây, có thể sẽ đụng phải rắn. 

Trước mắt chúng tôi là một khu vườn đá khổng lồ. Quay hướng nào cũng thấy đá. Bàn tay tạo hóa sắp đặt khéo làm sao: đá như bức tường thành chắn ngang sừng sững hay chạy dài xếp lớp như bầy thú với muôn hình thù trườn dần xuống biển, hùng vĩ và ngoạn mục. Từ nơi cao nhất nhìn xuống bên dưới, ngàn năm sóng vỗ vào đá tạo thành âm thanh rì rào bất tận. 

Hòn Cau hoang sơ và quyến rũ
Hòn Cau hoang sơ và quyến rũ

Phía khác, màu xanh của cây cỏ chạy dài tiếp giáp với màu xanh biển như một vành đai, đẹp và gần gũi. Gió mơn man nhưng hào sảng, đôi lúc có cảm giác như gió sẽ đưa mình bay là đà rồi nhẹ nhàng đáp xuống biển. Nơi đây chỉ có thiên nhiên hoang sơ cùng những con người nhỏ bé đang tìm tòi, khám phá. 

Nhìn đám cây cỏ ngút ngàn, một bạn nói với chúng tôi rằng chính tại nơi đây, các nhà nghiên cứu đã tìm được nhiều loại thực vật quý hiếm có trong sách đỏ. 
Bạn kể chuyện mấy năm trước đảo còn rất hoang sơ, tiện nghi chưa có, các tình nguyện viên đến đây khảo sát thường phải ngủ trên… đá. Quả đúng vậy, có những tảng đá rộng và bằng phẳng như mặt phản. Xung quanh là đá đứng, ngồi theo nhiều tư thế khác nhau tùy theo trí tưởng tượng của mỗi người về khu vườn đá kỳ ảo, đầy bí ẩn có lẽ đã tồn tại cả triệu năm.

Nắng chiều xiên vào đá tạo nên một màu vàng lộng lẫy. Mặt trời đang xuống chậm, chúng tôi nấn ná một lúc rồi trở xuống bên dưới để tắm biển. Điều quan trọng nhất là phải tiết kiệm nước vì nước ngọt trên đảo rất quý. Biển chiều gió nhẹ và nước ấm, sóng êm.

Du khách ghé thăm hòn Cau
Du khách ghé thăm hòn Cau

Biển đêm đẹp huyền ảo, sóng xô nhẹ, gió mơn man; chúng tôi cố tận hưởng cho bằng hết hương vị biển trong một không gian quá tuyệt vời. Tối nay, chúng tôi sẽ qua đêm trên bãi biển với lều, túi ngủ cá nhân mang theo. 
Thức ăn được bày ra trên bờ cát, chúng tôi nhờ chủ quán nấu giúp một nồi cháo hải sản. 

Lều, bạt giăng ngay trên bãi biển. Chúng tôi đã có một đêm được ru ngủ trong tiếng sóng biển rì rào bất tận và gió hiu hiu. Càng về khuya, bản giao hưởng của sóng càng êm dịu.  

Tuyệt vời nhất là sáng sớm, vừa tỉnh giấc, mở mắt ra bạn sẽ thấy biển ngay sát dưới chân mình. Trời dần tỏ mặt người, ai nấy tranh thủ vệ sinh rồi dạo biển hay tiếp tục hành trình khám phá đảo. 

Những câu chuyện của người trên đảo

Ông Tằng Hữu, người làng Tuy Phong, năm nay gần 80 tuổi, là chủ một quán trên đảo, kể chuyện. Năm ông 15 tuổi, người chú của ông ở Liên Hương lấy vợ làng Phước Thể, gọi ông qua làm “con em”, tức là phụ việc (dỡ lưới trên ghe, làm sạch lưới, nấu cơm…). Ba năm sau, ông lấy vợ và qua Hòn Cau mở quán. 

Hồi đó ở Hòn Cau có đến chín quán. Ghe đánh bắt thường tấp vào đảo mua thức ăn, hàng hóa. Sau năm 1975, một số chủ quán về đất liền nhưng gia đình ông ở lại, sau có thêm một người nữa ra đảo mở quán. “Thời kỳ buôn bán sầm uất, có lúc ghe vào đậu đến năm bảy chục chiếc. Bây giờ, Hòn Cau không còn là nơi ghe thuyền về đậu nữa mà chủ yếu là khách du lịch. Hai quán chúng tôi từ xưa đến giờ bán cho dân đi biển, ghe vào núp gió, khách du lịch. Thường thì chỉ bán được mùa nam, mùa bắc chúng tôi vào bờ”, ông Hữu kể. 

Anh Nguyễn Trọng Bằng, 50 tuổi, nhân viên của ban quản lý bảo tồn biển, đến đây từ năm 2012. Anh kể, thời gian đầu khó khăn thiếu thốn, các anh có nhiệm vụ giữ rạn san hô và các sinh vật trên đảo. Khoảng hai năm sau phát hiện có đến 3, 4 loài rùa, mấy anh em thay nhau trực bảo vệ rùa. Dân địa phương gọi chúng là con vít, con đú, con quãng đồng, con đồi mồi...

Từ tháng Tư đến tháng Năm và tháng từ 10 đến tháng 11 là mùa rùa vào đẻ trứng, các anh phải làm một bãi ấp, mỗi ngày tìm lượm trứng đưa về bãi ấp, sau đó thả rùa con xuống biển. Việc di dời trứng đến nay thành công khoảng 80-90%.
Khách du lịch đến Hòn Cau được phép lặn ngắm san hô nhưng phải có sự sắp xếp của nhân viên ban quản lý bảo tồn biển. Đoàn khách nghỉ lại phải trình ba bên: quân sự, biên phòng, bảo tồn và được hướng dẫn phạm vi sinh hoạt trên đảo. 

Lịch quay về đất liền của chúng tôi là chín giờ nên một số người tranh thủ tắm biển, số khác tiếp tục hành trình khám phá đảo. Người hướng dẫn nói, nếu đi bộ một vòng hết đảo, vừa đi vừa chụp hình có thể mất khoảng 3 đến 4 giờ. 

Có một công trình mới xây dựng gọi là Thạch Tạ, được biết như trung tâm truyền thông của ban quản lý bảo tồn biển đồng thời là nơi nghỉ của tình nguyện viên. Đây là một công trình nhỏ khá đẹp, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. 
Có nhiều tấm bảng mà các tình nguyện viên đã làm nhiều năm trước như ghi chú tên từng khu vực, nơi nào cấm hay biển cảnh báo… 

Anh Bằng nói với chúng tôi, quan trọng là ý thức của khách du lịch, cho nên ban quản lý có quy định dành cho du khách: thức ăn mang đến phải dọn sạch, không xả rác, giữ gìn vệ sinh môi trường... Anh hy vọng nếu mở rộng du lịch, khách sẽ chung tay bảo vệ cho hòn đảo xanh, sạch, đẹp. Phát triển du lịch phải đi với nhiệm vụ bảo tồn, bảo vệ sinh thái, sao cho hòn đảo là nơi bình yên mà các loài rùa quý hiếm tìm đến gửi gắm trứng, để chúng ta trả chúng về lại đại dương một cách hoàn hảo. 
Chúng tôi không đủ thời gian đi hết trọn một vòng Cù Lao Câu. Ai nấy đều hẹn sẽ trở lại lần nữa. 

- Nếu chọn đến Hòn Cau đi về trong ngày, bạn nên nghỉ đêm ở Liên Hương rồi sáng sớm ra đảo. 
- Nếu nghỉ lại đêm trên đảo, khách phải được phép của hai đơn vị: quân đội và ban quản lý bảo tồn biển. Công ty du lịch sẽ giúp bạn việc này. 

Bài, ảnh: Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI