Hơn 20 năm bị bệnh ngứa mới phát hiện nhiễm ký sinh trùng

25/12/2020 - 10:55

PNO - Hơn 20 năm chung sống với căn bệnh ngứa, chạy chữa đủ nơi nhưng không có kết quả, khi tới Viện sốt rét - Ký sinh trùng Trung ương, hai cánh tay của ông N.T.K. (tỉnh Nghệ An) đã lở loét, rỉ huyết tương màu vàng…

 

Bác sĩ Trần Huy Thọ cho biết, rất nhiều bệnh nhân mắc giun đũa chó nhưng nhầm tưởng mình bị mắc bệnh về da liễu nên điều trị không hiệu quả
Bác sĩ Trần Huy Thọ cho biết, rất nhiều bệnh nhân mắc giun đũa chó nhưng nhầm tưởng mình bị mắc bệnh về da liễu nên điều trị không hiệu quả


Tuyệt vọng vì 20 năm ngứa không rõ nguyên nhân

Năm nay 60 tuổi, nhưng ông N.T.K. (ngụ tại tỉnh Nghệ An) đã trải qua 20 năm phải sống chung khổ sở với căn bệnh ngứa. Ban đầu, ông K. ngứa ở vùng cánh tay, sau đó những cơn ngứa cứ lan dần khắp cơ thể.

Nghĩ mình bị dị ứng, ông tìm đủ loại lá cây, đi các thầy lang để chữa nhưng không thấy thuyên giảm. Hơn mười năm trước, ông bắt đầu tìm tới nhiều bệnh viện chuyên ngành da liễu với hy vọng cải thiện chứng bệnh này, nhưng kết quả vẫn không thay đổi. 

Những cơn ngứa hành hạ khiến bao nhiêu năm ông chưa được một giấc ngủ ngon, cơ thể luôn rơi vào tình trạng mệt mỏi. Những cơn ngứa đôi khi khiến ông gãi bật máu trên cánh tay nhưng không vì thế mà dừng lại. Nhiều lúc ông K. đã tưởng chừng buông xuôi, chấp nhận chung sống với căn bệnh này tới cuối đời. May mắn, ông gặp một người bạn và nhận được lời khuyên thử đi kiểm tra các vấn đề về ký sinh trùng. 

“Khi tới viện, hai cánh tay của ông K. trong tình trạng ngứa, lở loét, rỉ huyết tương vàng”, tiến sĩ - bác sĩ Trần Huy Thọ, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Trung ương, cho biết. Sau khi làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó với mức độ cao. Bệnh nhân đã được bác sĩ kê đơn điều trị theo đúng phác đồ.

Kết quả bất ngờ, chỉ sau hơn một tuần điều trị, các triệu chứng ngứa của bệnh nhân bắt đầu thuyên giảm và bệnh nhân hoàn toàn “cắt” ngứa sau khi kết thúc liệu trình. Ông K. kể, gia đình có nuôi chó mèo. Bản thân ông làm nghề nông và thường xuyên không đeo găng tay trong quá trình trồng cây hay thu dọn phế thải động vật.

Tương tự bệnh nhân N.T.K., chị P.T.T. (ngụ tại tỉnh Phú Thọ) cũng bị ngứa tới hơn bảy năm cho tới khi được chẩn đoán mắc ấu trùng giun đũa chó. Trước đó, chị bị mẩn ngứa khắp hai bàn tay, cảm giác ngứa ngáy như có vật thể đang cắn, bò dưới da. Chị cũng từng đi tới nhiều bệnh viện để khám nhưng đều được kết luận viêm da cơ địa, kê đơn thuốc bôi và uống, nhưng không có hiệu quả.

Lần đi khám gần nhất, bệnh viện nghi ngờ chị T. nhiễm ký sinh trùng, kết quả làm xét nghiệm ELISA dương tính nên chuyển chị tới Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Trung ương để điều trị. Khai thác thông tin từ bệnh nhân cho thấy, gia đình chị T. cũng nuôi chó mèo và bản thân chị thường xuyên ăn rau sống, các loại rau thủy canh…

Đừng bỏ qua căn bệnh “quên lãng”

Bác sĩ Trần Huy Thọ cho hay, tại Khoa Khám bệnh chuyên ngành đã ghi nhận không ít bệnh nhân bị ngứa do ấu trùng giun đũa chó. Trong đó, hầu hết là các trường hợp đã ngứa rất nhiều năm, như trường hợp của hai bệnh nhân trên. Đặc điểm chung của các bệnh nhân này là thường lầm tưởng mình bị mắc bệnh về da liễu và đi thăm khám ở rất nhiều nơi. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh cũng không nghĩ tới khả năng mắc bệnh ký sinh trùng nên kết quả, bệnh nhân phải chung sống với bệnh trong thời gian dài. 

Theo đó, giun đũa chó sống ký sinh trong ruột non của chó và trứng giun trong phân chó sẽ đào thải ra ngoài và tồn tại tới vài tháng ngoài môi trường. Con người có thể vô tình nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với đất cát và nuốt phải đất có chứa trứng giun chó hoặc ăn trái cây, rau sống có trứng giun đũa chó. Ngoài ra, một số loại động vật bị nhiễm bệnh, trong cơ thể có chứa ấu trùng giun đũa chó, nếu không được nấu chín kỹ cũng có thể trở thành nguồn lây bệnh cho người. 

Nhiều người cho rằng, các bệnh liên quan tới ký sinh trùng thường chỉ xuất hiện ở nông thôn hay miền núi, tuy nhiên, với giun đũa chó, căn bệnh này có thể gặp ở mọi nơi. Ngay cả chó cảnh, mèo cảnh cũng là nguồn lây bệnh phổ biến có thể gặp ở các thành phố lớn. 

Bên cạnh giun đũa chó, mèo, bác sĩ Trần Huy Thọ cũng cho hay: “Một số loại ký sinh trùng khác cũng có thể gây ngứa. Ví dụ như giun lươn, sán lá gan cũng gây ngứa trong thời gian đầu người bệnh mắc phải”. Do đó, vị chuyên gia này khuyến cáo, khi có các triệu chứng ngứa và điều trị da liễu không thấy hiệu quả, bệnh nhân hoàn toàn có thể nghĩ tới nguy cơ mắc phải ký sinh trùng để làm những xét nghiệm loại trừ cần thiết. Dù đây là căn bệnh đã bị nhiều người “quên lãng” nhưng thời gian qua, số lượng người đến khám vì căn bệnh này vẫn gia tăng.  

Để phòng tránh bệnh, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên thường xuyên đưa vật nuôi tới bác sĩ thú y để xét nghiệm, điều trị tẩy giun, không cho chó, mèo phóng uế ra ngoài môi trường bừa bãi. Bên cạnh đó, duy trì thói quen ăn uống đảm bảo vệ sinh, ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với vật nuôi…

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI