Hơn 10 bác sĩ nắn lại cột sống cho cậu bé ‘người rắn’

07/01/2020 - 16:43

PNO - Cột sống của Đ. bị vẹo sang một bên khiến em không thể đứng vững, thấy vậy bạn bè hàng xóm trêu ghẹo, gọi Đ. là người rắn.

Ngày 7/1, các bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương TPHCM cho hay đã giúp em N.H.Đ. (17 tuổi, ở Vĩnh Long) thoát khỏi biệt danh người rắn do Hội chứng Marfan gây vẹo cột sống đến 128 độ.

Chị Trần Ngọc Phượng (45 tuổi, mẹ của Đ.) kể, từ năm 2018, chị đưa con đến Bệnh viện Trưng Vương cầu cứu với thân hình méo mó, cột sống vẹo sang một bên.

Qua thăm khám, làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ chuyên khoa 2 Hồ Nhựt Tâm – Trưởng đơn vị Cột sống của bệnh viện chẩn đoán Đ. mắc Hội chứng Marfan (một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến mô liên kết) khiến vẹo cột sống nặng phải phẫu thuật điều trị.

Em Đ. trước và sau phẫu thuật
Em Đ. trước và sau phẫu thuật

Tuy nhiên, thời điểm này Đ. bị suy dinh dưỡng nặng, kèm hô hấp yếu, kèm theo cơ quan nội tạng bị chèn ép do cong vẹo cột sống, nếu mổ ngay sẽ có nguy cơ liệt, giảm vận động, thậm chí tử vong. 

Để đảm bảo cho ca mổ, các bác sĩ nuôi dinh dưỡng và tập thở cho Đ. suốt một năm mới đạt thể trạng 41 ký, cải thiện thở và được lên kế hoạch mổ.

Ngày 7/10/2019, Đ. được bác sĩ mổ lần 1, xử lý cắt đĩa sống ở cột sống từ vị trí ngực 9 tới thắt lưng 3 để giảm độ cứng cho cột sống. Sau đó, bác sĩ cho Đ. kéo tạ đầu được nâng từ 8 ký tới 12 ký để điều chỉnh cơ quan nội tạng về đúng vị trí.

Đến ngày 21/10/2019, bác sĩ tiếp tục mổ lần 2, nắn chỉnh vẹo bằng 3 thanh nối, cố định trong không gian 3 chiều lối sau với cấu hình bằng 23 ốc chân cung, hàn xương tự thân cho Đ.

Bác sĩ Tâm cho biết: “Do đặc tính bệnh, vị trí cơ quan nội tạng, ngoài chọn lựa các thiết bị mổ thích hợp, ê-kíp quyết định truyền máu hoàn hồi cho em Đ., đảm bảo em không mất máu quá nhiều. Các việc cân chỉnh ốc chân cung cũng phải đúng biên độ, chỉ cần sai một con ốc, biến chứng lập tức sẽ xảy ra.

May mắn, hai ca mổ kéo dài hơn 15 tiếng đồng hồ đã thành công, xử lý được cột sống cho K., những ốc chân cung này sẽ cố định để cột sống không bị vẹo trở lại. K. có thể đi học mà không còn tự ti, mặc cảm”.

Chị Phượng xúc động kể lại bệnh của con trai mình
Chị Phượng xúc động kể lại bệnh của con trai mình

Sau mổ, Đ. có thể đi lại, sinh hoạt bình thường, cao thêm hơn 8cm nhờ cột sống được cân chỉnh, tiếp tục tập thở, nuôi dinh dưỡng… Em đã lấy lại sự tự tin. Tuy nhiên, Đ. phải hạn chế mang vác nặng, vận động nhẹ.

Theo chị Phượng, từ khi sinh ra, Đ. được bác sĩ chẩn đoán bị Hội chứng Marfan, cong vẹo cột sống. Đến khi Đ. lên 6 tuổi, cột sống bị vẹo rất rõ nên ba mẹ em đưa đến các bệnh viện ở TPHCM khám bệnh. Bác sĩ cho hay Đ. bị vẹo cột sống rất nặng kèm theo suy sinh dưỡng cùng nhiều rủi ro nên không mổ được.

Người nhà tiếp tục đưa em đến Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM, Đ. được chỉ định mang áo nẹp. Tuy nhiên, mang áo nẹp 1 năm nhưng không thấy hiệu quả nên Đ. tự bỏ điều trị.

Càng lớn, cột sống của Đ. càng vặn vẹo, còng cột sống nặng, khiến tim, gan, phổi… bị chèn ép, thở khó. 

“Từ nhỏ, em không muốn ra đường vì đi đứng khó khăn, ai cũng nhìn rồi trêu ghẹo, nhất là khi đi học, rất xấu hổ với bạn bè. Các bạn nói em là rắn vì lưng xiêu vẹo. Lúc nào em cũng mơ ước cột sống của mình được điều trị nhưng đến bệnh viện nào bác sĩ cũng nói không chữa được. Hôm nay, bác sĩ của Bệnh viện Trưng Vương đã cho em cuộc sống mới, em rất hạnh phúc” - Đ. nói.

Các bác sĩ thăm khám lại cho K.
Các bác sĩ thăm khám lại cho K.

Chị Phượng vui mừng: “Tôi chỉ có mỗi đứa con là Đ. nên từ nhỏ vợ chồng tôi cố gắng đưa con đi khắp nơi điều trị, nhưng bác sĩ liên tục lắc đầu, thấy thương con quá. May mắn, tôi tình cờ xem ti vi và biết được Bệnh viện Trưng Vương đã có bệnh nhân cũng bị cột sống như Đ. được mổ thành công. Tôi liền đưa con trai tới bệnh viện cầu cứu. 

Khi bác sĩ nói Đ. có nhiều rủi ro trong lúc mổ, tôi rất lo lắng nhưng trước khao khát của con, tôi đặt trọn niềm tin vào bác sĩ. Nay Đ. khỏi bệnh, tôi mừng lắm”.

PGS.TS.BS Võ Văn Thành, cố vấn của Bệnh viện Trưng Vương cho biết: “Đây là ca mổ với độ vẹo lớn nhất, nặng nhất mà bệnh viện thực hiện, có nhiều biến chứng liệt tay chân, thậm chí tử vong do việc kéo chỉnh ốc chân cung có nguy cơ ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng. Nhưng em Đ. rất hy vọng có được hình dáng bình thường của bệnh nhân nên ê-kíp quyết tâm tiến hành cuộc mổ”.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI