Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Trao đổi kinh nghiệm phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em

09/12/2016 - 17:45

PNO - Chiều 9/12, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam (BV QTE) đã tổ chức Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em”.

Gần 40 đại biểu, đại diện các chi hội luật sư, luật gia và chi hội nhà báo trực thuộc Hội bảo vệ quyền trẻ em cùng tham dự.  

Phát biểu khai mạc, bà Trần Thị Thanh Thanh - Chủ tịch Hội BV QTE Việt Nam khẳng định: Sứ mạng của Hội BV QTE Việt Nam là làm thế nào thu hút được nhiều người, nhiều đối tượng, thành phần… góp phần ngăn chặn hành vi xâm hại QTE, trong đó có hành vi xâm hại tình dục TE (XH TD). Từ năm 2014, Chi hội luật sư, luật gia BV QTE ra đời đầu tiên tại Hà Nội. Năm 2015, có thêm chi hội Luật sư BV QTE TP.HCM được thành lập, đến nay chi hội luật sư một số tỉnh thành khác như Bắc Giang, Đà Nẵng… cũng đã tham gia tích cực cùng Hội BV QTE. Hoạt động bảo vệ pháp luật cho trẻ em là một lĩnh vực mới trong lĩnh vực BV TE, vì vậy, hội thảo chính là nơi chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động BVTE nói chung và kinh nghiệm trong việc phối hợp chia sẻ thông tin, tư vấn pháp luật và hỗ trợ, BVTE đối với các vụ XHTD TE.

Hoi bao ve quyen tre em Viet Nam: Trao doi kinh nghiem phong, chong xam hai tinh duc tre em
Bà Trần Thị Thanh Thanh phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tham luận tại hội thảo, Thạc sĩ luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Chi hội LS BV QTE Hà Nội cho rằng: “Điều gây khó khăn trong thủ tục tố giác tội phạm, bảo vệ hiện trường, lưu giữ chứng cứ, dấu vết của vụ việc… làm căn cứ giải quyết vụ án. Thậm chí, họ còn bị những người không có chuyên môn, không có kinh nghiệm tư vấn sai hoặc bị đe dọa khiến không tiếp cận được với những người hiểu biết pháp luật, người có thể tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị xâm hại tình dục nói chung, trẻ em nói riêng. Trong các vụ việc XHTD TE, đa phần các trẻ em đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, tố giác kẻ phạm tội. Còn cha mẹ thì đôi khi e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con cái nên cũng không tố giác, tố cáo người có hành vi xâm hại đến trẻ em. Tâm lý này cũng gây ảnh hưởng đến việc tham gia tư vấn của luật sư, khi việc xác minh, thu thập thông tin từ các trẻ em gặp khó khăn do trẻ không dám nói thật, e ngại trong việc tường thuật lại sự việc, dẫn đến việc tham gia của luật sư thiếu các chứng cứ quan trọng, không đạt hiệu quả như mong đợi”.  

Hoi bao ve quyen tre em Viet Nam: Trao doi kinh nghiem phong, chong xam hai tinh duc tre em
Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Chi hội LS BV QTE Hà Nội chia sẻ những khó khăn khi tham gia BV QTE trong những vụ án xâm hại TD.

Đồng tình với nhận định này của LS Cường, Ls Nguyễn Phi Hùng - Chi Hội LS BV QTE TP Đà Nẵng còn chia sẻ sự băn khoăn về việc số lượng vụ việc trẻ em bị xâm hại bị phát hiện trong thời gian gần đây rất nhiều, nhưng số lượng vụ án được đưa ra xét xử rất thấp. Theo thống kê của Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội từ năm 2012-2015 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã xảy ra hơn 70 vụ xâm hại tình dục trẻ em được trình báo đến công an thành phố. Nhưng trong 2 năm 2014-2015, TAND TP. Đà Nẵng đưa ra xét xử sơ thẩm 3 trường hợp, đầu năm 2016 xét xử 1 trường hợp XHTD trẻ em. Có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là nhiều vụ việc bị xâm hại bị phát hiện quá muộn màng, không còn những chứng cứ để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng thủ ác.  

Dịp này, LS Trần Thị Ngọc Nữ - Chi Hội trưởng chi hội luật sư BV QTE TP.HCM đã giới thiệu hoạt động của chi hội trong công tác bảo vệ trẻ em bị XHTD. Theo đó, phòng ngừa là biện pháp ưu tiên hàng đầu mà TP.HCM thực hiện trong việc bảo vệ trẻ em bị XHTD như tổ chức những buổi tuyên truyền pháp luật lưu động, tuyên truyền thông qua mô hình phiên toà giả định… Bên cạnh đó, ngay từ đầu, khi có thông tin về những vụ án XHTD TE, chi hội đã kịp thời phân công Luật sư phụ trách vụ việc, hướng dẫn cho phụ huynh của các em thực hiện những công việc cần thiết như trình báo chính quyền địa phương, soạn thảo đơn để gửi đến các cơ quan có thẩm quyền, hỗ trợ tiếp cận công tác y tế. Tuy chủ động, năng nổ, nhiệt tình, nhưng các LS ở chi hội BV QTE TP.HCM cũng gặp không ít khó khăn như khi đương sự đến yêu cầu thì Hội bảo vệ quyền trẻ em giới thiệu Luật sư đến các cơ quan tiến hành tố tụng để tham gia bảo vệ quyền lợi cho những người bị hại nhưng Hội không phải là tổ chức hành nghề Luật sư mà phải có giấy giới thiệu từ tổ chức hành nghề Luật sư là các Văn phòng Luật sư hoặc công ty luật nên Luật sư được phân công phải lấy giấy giới thiệu từ Văn phòng luật sư nơi họ đang hành nghề trong khi đó đây là công việc của Hội bảo vệ quyền trẻ em. Bất cập này, LS Nữ đã đề xuất Hội BV QTE VN tìm hướng tháo gỡ.

Hoi bao ve quyen tre em Viet Nam: Trao doi kinh nghiem phong, chong xam hai tinh duc tre em
LS Lý Thị Tố Mai - TP.HCM đưa ra kiến nghị về việc bảo vệ trẻ em bị XHTD.

LS Lý Thị Tố Mai - Chi hội LS TP.HCM kiến nghị về mặt pháp luật: cần điều chỉnh cụ thể về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, việc tham gia của các LS phải sớm hơn, giúp LS được làm việc với các cơ quan tố tụng một cách thuận lợi. Về công tác phòng và chống XHTD TE, cần chỉ cho trẻ cách phòng và chống XHTD một cách rõ ràng, khoa học, không nên che đậy, giấu diếm để trẻ mơ hồn, khó hiểu, không thể tự bảo vệ, thoát thân, biết kêu cứu kịp thời trong những tình huống nguy hiểm.

LS Nguyễn Sơn Lâm – Chi hội LS TP.HCM cho rằng: “Trình tự thủ tục tố tụng về hình sự so với tội xâm phạm TD TE phải gấp rút về mặt thời gian, nhanh chóng giải quyết về hồ sơ vụ án đó, không ổn với trẻ em. Cơ quan tiến hành tố tụng vì muốn tránh oan sai, đã làm “rất kỹ” vô tình làm kéo dài thời gian… gây tổn thương cho trẻ”.

Hoi bao ve quyen tre em Viet Nam: Trao doi kinh nghiem phong, chong xam hai tinh duc tre em
Chi Hội luật sư BV QTE diễn phiên toà giả định để các thành viên Hội thảo tham khảo, góp ý.

Hội thảo đã thống nhất một số vấn đề khuyến nghị về việc phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em như đề nghị thống nhất quy định pháp luật trong bộ luật hình sự; kiến nghị bổ sung nạn nhân bị XHTD là trẻ em nam; rút ngắn thời gian tiến hành tố tụng, cụ thể như đẩy nhanh tiến độ điều tra, giám định pháp y thương tích, tâm lý; cần cử LS tham gia từ giai đoạn điều tra; bổ sung đối tượng trẻ em bị XHTD vào đối tượng được trợ giúp pháp lý…

Hoi bao ve quyen tre em Viet Nam: Trao doi kinh nghiem phong, chong xam hai tinh duc tre em
Hội BV QTE Việt Nam trao thưởng đột xuất cho 10 luật sư thuộc Chi hội BV QTE TP.HCM trong công tác BV QTE.

Được biết, toàn bộ những kiến nghị này Hội BVQTE VN sẽ đóng góp vào Diễn đàn đối thoại chính sách của Hội BVQTE, Mạng bảo vệ quyền trẻ em (CRnet) với lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và các Bộ có liên quan trong phòng chống, can thiệp và bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại tình dục trẻ em tổ chức sáng 10/12.

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI