Hoàn thiện khung pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội

03/07/2020 - 08:06

PNO - Hoàn thiện thể chế pháp luật là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Chính phủ, là khâu đột phá quyết định hiệu quả của nền kinh tế.

Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ sáng 2/7, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề cập việc hoàn thiện khung pháp luật, tháo gỡ rào cản, giải phóng mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ tiếp tục xác định công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật là một trong những nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, coi đây là khâu đột phá quyết định hiệu quả của nền kinh tế.

 

 

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định hoàn thiện thể chế pháp luật là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Chính phủ 

Thực hiện chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo chuyên đề hoặc lĩnh vực, đồng thời quyết nghị thành lập Tổ công tác của Thủ tướng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để xác định các vướng mắc, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm giải phóng mọi nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Trên cơ sở đó, Thủ tướng sẽ ban hành kế hoạch rà soát và xây dựng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2020.

Chính phủ thường xuyên họp, cho ý kiến chỉ đạo về định hướng, quan điểm đối với những vấn đề phức tạp, còn ý kiến khác nhau của dự án, dự thảo văn bản quy phạm. Chú trọng chỉ đạo hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đặc biệt về quy hoạch, đầu tư công, đầu tư, doanh nghiệp, tài chính, ngân sách, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường… với mục tiêu khơi thông các điểm nghẽn thể chế, thu hút các nguồn lực cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ và thực hiện cơ chế hậu kiểm.

“Chính phủ tạo điều kiện phát triển các mô hình kinh tế mới, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết“, ông Dũng nói và cho biết, đã bước đầu xác định những mâu thuẫn, vướng mắc, thiếu đồng bộ trong triển khai thi hành một số luật trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh và kiến nghị xử lý trong các dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường.

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, nghiên cứu, đề xuất cải tiến, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo hướng khắc phục những bất cập, hạn chế trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phân công hợp lý, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình phối hợp soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, thông qua, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ đề cao trách nhiệm trong quá trình chủ trì, phối hợp, tăng cường tham vấn chính sách, pháp luật, nhất là sự tham gia phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đại biểu Quốc hội, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, người dân trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với ngành, lĩnh vực được phân công theo dõi .  

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế, xã hội của nước ta, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành kịp thời các chính sách phù hợp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn.

Đồng thời, chỉ đạo các bộ, cơ quan hoàn thiện các cơ sở pháp lý, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử , triển khai dịch vụ công quốc gia, thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, bình đẳng, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho các doanh nghiệp, tổ chức và công dân.

Chính phủ cũng quan tâm chỉ đạo gắn hoàn thiện thể chế với thi hành pháp luật, nhất là các văn bản pháp luật mới ban hành; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; tiếp tục thí điểm hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền một số mô hình mới, cách làm hiệu quả, làm cơ sở cho việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và nhân rộng triển khai trong thực tiễn .

Liên quan đến vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại kinh nghiệm “chống dịch như chống giặc” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra. Theo ông, dù nghe cụm từ này rất quen nhưng thực ra sâu xa vô cùng. “Khi chống dịch mà nếu chẻ đúng luật ra thì có nhiều thứ chúng ta không đúng. Nhưng với tinh thần chống dịch như chống giặc và luật pháp là do chính chúng ta soạn thảo ra có khi soạn cách đây 10 năm, không lường hết thực tiễn thì phải vận dụng mới làm được”, ông nói.

Cũng theo ông Đam, trong vấn đề phát triển kinh tế, có rất nhiều chuyện khó khăn tương tự, như vướng quy định, vướng luật, cần tháo gỡ. “Chúng tôi đồng tình với ý kiến của các địa phương, các bộ rằng, có những vấn đề vướng quy định pháp luật nhưng nếu thấy do thực tiễn bây giờ, hoàn cảnh bây giờ đã không còn phù hợp thì tôi xin mạnh dạn đề nghị Chính phủ nên có nghị quyết chịu trách nhiệm tập thể, cần thiết thì báo cáo sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khơi thông”, ông Đam nói. 

Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI