Hoãn tăng học phí được không?

26/05/2022 - 06:06

PNO - Nếu có bất kỳ học sinh nào phải nghỉ học vì cha mẹ không đủ tiền, đó là sự thất bại của giáo dục và cả khả năng điều hành, tổ chức xã hội.

 

Chiều, chị Bùi Thị Mi (ngụ Q.Gò Vấp, TPHCM) lui cui vừa nấu cơm vừa tranh thủ may gia công mấy đường viền thảm chùi chân trong lúc chờ con đi học về. Công việc may viền thảm chỉ là thời vụ, lãnh 300 đồng/sản phẩm. Buổi sáng, chị phụ quán hủ tíu, lương 4 triệu đồng mỗi tháng. Chồng chị, anh Hai Sang là shipper. Mẹ chị đã già, mất sức lao động. Tổng thu nhập của hai vợ chồng loanh quanh 11 triệu đồng/tháng cho năm miệng ăn trong khi tiền nhà trọ, điện nước đã hơn 2,5 triệu đồng.

Năm nay, con trai lớn của chị vào lớp Sáu, con gái nhỏ lớp Ba, nghĩa là ngoài chuyện chị phải mua hai bộ sách giáo khoa mới với giá đắt gấp 2 - 3 lần, chị phải chuẩn bị tinh thần đóng học phí đắt gấp 5 lần cho con trai (300.000 đồng/tháng so với mức cũ 60.000 đồng). Chưa kể tiền đồng phục, giấy thi, nước uống, sổ liên lạc điện tử và trăm thứ tiền khác cho năm học mới. “Đợt dịch, bao nhiêu tiền bạc dành dụm tiêu hết, giờ cả đống thứ tăng, thiệt, không biết sao nữa chú”, chị nói cùng tiếng thở dài. Gia đình chị Mi không phải là trường hợp cá biệt ở thành phố này trước thềm năm học mới.

Từ ngày 1/4 năm nay, giá các mặt hàng thực phẩm thuộc chương trình bình ổn giá của TPHCM đã tăng 5%. Các mặt hàng thực phẩm khác từ rau củ đến gas, xăng dầu… cũng đều đã tăng cả chục phần trăm trong khi theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì đến ngày 1/7 mức lương tối thiểu vùng mới tăng 6%.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, sở đang xin ý kiến UBND TPHCM để trình HĐND về mức hỗ trợ học phí. Nếu con em các gia đình đang gặp khó khăn được hỗ trợ học phí là điều đáng mừng, nhưng có thể đoán trước việc làm thủ tục xin được hỗ trợ học phí là một hành trình mất công sức và thời gian.

Xin tạm chưa bàn đến việc chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng bao nhiêu phần trăm từ tác động của việc tăng học phí và giá sách giáo khoa. Điều quan trọng nhất là tất cả trẻ em cần được đến trường, bởi chỉ có tri thức mới giúp chúng ta thay đổi được tương lai. Để mọi trẻ em được đến trường, nhiều quốc gia hướng đến việc miễn hoàn toàn học phí bậc phổ thông, thậm chí có những nước miễn cả học phí đại học. Việt Nam còn rất nhiều khó khăn, song càng nghèo, càng khó càng nên đầu tư vào giáo dục và càng nên nỗ lực đào tạo thế hệ tương lai.

Theo thống kê, TPHCM hiện có gần 1,2 triệu người lao động có nhu cầu được hỗ trợ tiền nhà trọ. Đi cùng họ là bao nhiêu đứa trẻ cần tiền mua sách, tiền trường cho năm học mới? 

Nếu buộc phải tăng học phí, liệu chúng ta có thể hoãn thu cho đến khi nền kinh tế thực sự phục hồi, các gia đình đã vượt qua khó khăn và bắt đầu có tích lũy? Ngoài ra, các chính sách về miễn, giảm học phí, hỗ trợ vay vốn đi học… cần được đẩy mạnh, quy trình xét duyệt cần tối giản để đảm bảo không học sinh nào phải rời ghế nhà trường. Nếu có bất kỳ học sinh nào phải nghỉ học vì cha mẹ không đủ tiền, đó là sự thất bại của giáo dục và cả khả năng điều hành, tổ chức xã hội. 

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI