Tiếng khóc của 3 đứa trẻ bị "cha dượng" hành hạ

30/03/2020 - 07:58

PNO - Ba gương mặt trẻ thơ, bé nào cơ thể cũng đầy thương tích, chằng chịt những vết thương mới, cũ do bị cha dượng đánh.

Cuộc hôn nhân không trọn

Năm 2009, tròn mười chín tuổi, Phan Thị T. (ngụ ấp Tân Thanh, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) kết hôn với một người hơn mình 2 tuổi, chung xóm.

Có với nhau ba mặt con là các bé N.T.M.H. (sinh năm 2010), N.T.N.T. (sinh năm 2012) và N.T.K.P. (sinh năm 2015) nhưng chồng của T. vẫn không chịu làm ăn. Sống chung trong nhà cha mẹ ruột, dù đã một vợ ba con, nhưng chồng T. vẫn ham rượu chè, cờ bạc hơn là lao động. T. đi làm công nhân xa nhà, hàng ngày cả đi về 100km để có đồng lương 4 triệu đồng/tháng nuôi sống gia đình.

Cuộc sống ngày càng chật vật, lại bất đồng quan điểm nên khi con gái út được 2 tuổi, chị T. ly hôn.

Vì ba đứa con đều dưới 9 tuổi nên T. được quyền nuôi các con, chồng cũ cấp dưỡng. “Trời ơi, anh ta làm còn không đủ nhậu, lấy gì mà cấp dưỡng, thôi con em đẻ, em nuôi”, lời bà mẹ trẻ đầy ai oán.

Đau lòng vì mối "ác duyên"

Sau khi ly hôn, T. về nhà cha mẹ ruột tá túc một thời gian ngắn nhưng nhà cha mẹ cũng rất nghèo nên T. đưa các con về xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) thuê nhà trọ ở. Hàng ngày T. đi làm công nhân lò bánh tráng từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Bà con xóm trọ thương hoàn cảnh nên hay cho quà bánh, rau, cá… giúp bốn mẹ con của T.

Khoảng tháng 6/2019, T. quen Nguyễn Linh Tâm (sinh năm 1993) là công nhân chung xóm trọ. Hai tháng sau đó, Tâm dọn về phòng trọ của T. chung sống như vợ chồng.

Theo chị T., cũng vài lần Tâm rầy la, quát nạt hoặc đánh vài bạt tai các con của chị vì các bé “lì lợm” nhưng chị vẫn bỏ qua, không phản đối gì bởi cho rằng “cha đánh con là đúng”.

Chị T. và Tâm khi còn mặn nồng
Chị T. và Tâm khi còn mặn nồng

Sau Tết Nguyên đán 2020, mẹ ruột của Tâm (ngụ xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) xây nhà mới. Tâm bàn với chị T. đưa các con về nhà mẹ ruột của Tâm ở để bà dễ bề chấp nhận cho họ chính thức nên vợ chồng.

Bà N.T.G. (mẹ Tâm, 60 tuổi) không đồng ý, bởi Tâm chưa từng kết hôn, còn chị T. đã có đến ba đứa con riêng. Nhưng Tâm bảo nếu bà G. không chấp nhận chị T. thì anh ta sẽ không ở nhà nữa. Thương đứa con trai duy nhất nên bà G. đồng ý cho mẹ con chị T. ở lại.

Sự việc xảy ra vào ngày 22/3, khi có người hàng xóm đến chơi nhà và hỏi bé P. đã ăn cơm chưa, bé bảo rằng mới ăn một chén. Bà G. nghe được, cho rằng bé P. “nói xạo, ăn ba chén mà nói một chén", làm bà mang tiếng với chòm xóm là bỏ đói con nít. Bà đem chuyện mách Tâm, bực tức nên Tâm đã bóp cổ và cào rách mặt bé P.

Ngày 25/3 lại có khách đến chơi nhà, theo xã giao, khách hỏi bé ăn cơm chưa, ăn được mấy chén, bé P. hồn nhiên bảo rằng mình ăn một chén. Lời nói dại khờ lại đến tai bà G. Bà cho rằng bé P. “mất dạy, nói xạo hoài” nên bà bảo chị T. hãy đem… bán bé P. đi, có người mua giá 2 triệu chứ bà không chấp nhận sự “nhiều chuyện” của bé.

Chị T. khóc lóc van xin thì Tâm bảo chị T. ẵm con lên xe “đi đây chút”. Chị T. làm theo, Tâm chở hai mẹ con đi vòng vòng, đến đoạn vắng người, Tâm đạp bé P. xuống khỏi xe rồi “nhặt” bé lên vừa dí tay chân, đùi bé vào pô xe, vừa quát: “Cho hết tật nói xạo nhen”. Chị T. sức yếu, dù cố giằng nhưng không cứu được con thoát bỏng. 

Bé P. kêu khóc do đau rát vì bỏng nhưng Tâm không hề đưa bé P. đi bác sĩ mà chở thẳng đến một nhà trọ trong khu vực xã Hưng Thuận và bảo chị T. hãy đem hết ba đứa con của chị ra đây ở, hàng ngày đem cơm ra cho tụi nhỏ, đến khi bà G. hết giận thì tính.

Thân không tiền, không có xe cộ, không rành đường sá nên chị T. đành nghe lời Tâm và “gửi” con lại nhà trọ để về nhà bà G. đưa tiếp hai đứa con ra.

Đêm 27/3 thật là một đêm kinh hoàng với ba đứa trẻ vì không có mẹ ở cùng, may mà bà chủ nhà trọ tốt bụng đã dỗ dành chúng ngủ qua đêm.

Cuộc đào thoát đầy nước mắt

Sáng ngày 28/2, sau khi sang một nhà hàng xóm kể lại sự việc, chị T. đã được chị này cho mượn một chiếc xe máy cũ. "Hãy đưa các con về khu vực Tòa Thánh Tây Ninh, đến nhà nghỉ N., đó là người bà con của chị. Ở đó họ sẽ cho em thuê phòng trọ với giá rẻ, rồi em tự kiếm việc làm ăn nuôi con. Còn chiếc xe máy thì cứ từ từ trả chị", người hàng xóm tốt bụng căn dặn.

Chị T. chở ba đứa trẻ đi suốt hơn 60km mà chưa có gì vào bụng, từ xã Hưng Thuận về thị xã Hòa Thành và tìm đến nhà trọ N. ngay trong buổi trưa ngày 28/3.

Tối hôm đó, bé P. lên cơn sốt và kêu khóc rất nhiều, các vết bỏng sưng tấy nhưng người mẹ trẻ chỉ biết ôm con ngồi khóc.

Gương mặt bé P. chằng chịt những vết thương mới, cũ
Gương mặt bé P. chằng chịt những vết thương mới, cũ

Chủ nhà trọ thương tình hỏi thăm và cho ít tiền để chị T. đưa con ra Bệnh viện Hòa Thành thăm khám. Sau đó, chủ nhà trọ còn cho T. số điện thoại của một Mạnh Thường Quân ở xã Tân Bình (TP. Tây Ninh) để gọi khi cần thiết. 

Ra bệnh viện Hòa Thành vào sáng ngày 29/3, lúc này các vết bỏng trên cơ thể bé P. đã sưng tấy, bong tróc, bác sĩ yêu cầu nhập viện nhưng chị T. bấm bụng quay lại nhà trọ do không có nhiều tiền và bé P. không có thẻ bảo hiểm y tế (bị mất từ lâu). Chị T. chỉ mua được vài phần thuốc cùng mấy miếng dán chống bỏng cho con.

T. đưa con ra khỏi nhà hơn hai ngày, nhưng trong suốt thời gian này Tâm chưa một lần gọi xem T. ở đâu, làm gì.

Cuộc gọi may - rủi

Cầm máy bấm gọi số “ông từ thiện” mà T. lo lắng. “Lỡ người ta không nhận giúp đỡ vì mình là người xa lạ thì bốn mẹ con em biết làm sao? Bốn mẹ con, lo cái ăn cái ở kinh khủng lắm. Số tiền mà người hàng xóm ở Hưng Thuận và ông chủ nhà trọ N. cho cũng đã gần hết. Ngày mai, ngày kia bốn mẹ con em lấy gì sống?”, T. rưng rưng kể về cảm giác lúc gọi cho vị Mạnh Thường Quân nọ.

Bên kia đầu dây là giọng khàn khàn của một người già. Ông bảo hãy ở yên tại nhà trọ đó, ông sẽ đến rước.

10 giờ ngày 29/3, bốn mẹ con chị T. đã an yên giữa một khoảnh vườn thuốc nam rộng với dãy nhà sạch sẽ sực mùi thảo dược.

Vị Mạnh Thường Quân cho biết, ông sẵn sàng cưu mang bốn mẹ con chị T. bởi vườn thuốc nam của ông rộng, tự sản xuất được nguồn rau xanh, nên không lo thiếu ăn. Chỉ là các vết bỏng của bé P. đã nhiễm trùng cần chữa trị, thuốc men và nguồn thức ăn bồi dưỡng cho các bé bởi đứa nào cũng còi cọc gầy gò.

Đối diện với người viết là ba gương mặt trẻ thơ, mà bé nào cũng thương tích đầy cơ thể, từng vết từng vết mới cũ do bị cha dượng gây ra. Bé P. bị hành hạ nhiều nhất đã đành, bé H. vẫn còn rướm máu ở cằm, bầm xanh ở đuôi mắt phải, bé N. trên đầu còn lõm tóc bị cắt sát da do “ba Tâm” ném cái chén tét đầu phải đi may mấy mũi.

Lòng người mẹ như nát tan khi nhìn thấy con đau đớn và nghĩ về mối “ác duyên”. Chị T. lau nước mắt tâm sự: “Em biết làm gì đây? Tiền bạc không có, nhà cửa, công việc đều không. Em chỉ mong sao các vết phỏng trên người bé P. mau lành lại, còn xử lý anh ta thế nào xin tùy vào pháp luật”.

Thân thể con tan hoang vì cha dượng hành hạ tàn ác
Vết thương do người cha dượng hành hạ 

Chiều nhạt nắng, người viết rời khỏi xóm núi, nơi mẹ con chị T. đang tá túc, mà nghe lòng trĩu nặng vì tiếng khóc của ba đứa trẻ mình đầy thương tích, vì đường tương lai của bốn mẹ con đáng thương này.

Phạm Trang

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI