“Hố tử thần” liên tục xuất hiện ở thủ phủ khoáng sản Nghệ An: Gấp rút tìm điểm sơ tán khẩn cấp

28/05/2022 - 09:26

PNO - “Hố tử thần” liên tục xuất hiện, hàng trăm nhà dân, trường học, trụ sở xã rơi vào cảnh “báo động đỏ” vì nứt nẻ… chính quyền địa phương phải khảo sát để tìm những căn nhà còn kiên cố trong vùng để sẵn sàng di dời dân khẩn cấp.

Sáng 28/5, ông Trần Đức Lợi - Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cho biết, huyện này vừa có thông báo lần thứ 2 về việc yêu cầu tạm dừng ngay các hoạt động khai thác và sử dụng nước ngầm trên địa bàn xã Châu Hồng. 

UBND huyện Quỳ Hợp cũng yêu cầu lãnh đạo xã Châu Hồng phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành của các tổ chức, cá nhân bơm hút, khai thác và sử dụng nước ngầm trên địa bàn. Kịp thời phát hiện việc không chấp hành, lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đường hầm khai thác quặng thiếc của Công ty CP Tân Hoàng Khang
Đường hầm khai thác quặng thiếc của Công ty CP Tân Hoàng Khang

Động thái này được đưa ra sau khi một doanh nghiệp khai thác quặng thiếc trên địa bàn xã Châu Hồng vẫn cố tình khai thác nguồn nước ngầm, bất chấp chỉ đạo của xã, huyện. Ông Trương Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng nói rằng, cơ bản người dân, các công ty trên địa bàn đều dừng khai thác nước ngầm sau khi có yêu cầu của UBND huyện Quỳ Hợp, chỉ trừ Công ty CP Tân Hoàng Khang.

“Chúng tôi kiểm tra phát hiện, báo cáo lên huyện nhưng họ vẫn cứ khai thác”, ông Hóa nói. Công ty CP Tân Hoàng Khang là đơn vị khai thác quặng thiếc theo hình thức hầm lò, để khai thác quặng thiếc, doanh nghiệp này đào một hệ thống đường hầm lớn trong lòng núi. 

Theo ông Lợi, Công ty CP Tân Hoàng Khang nêu lý do để khai thác quặng thiếc thì doanh nghiệp này buộc phải bơm nước ngầm trong đường hầm ra ngoài, trường hợp dừng khai thác nước ngầm cũng đồng nghĩa với việc dừng hoạt động. Hơn nữa, bên trong đường hầm còn có nhiều thiết bị, máy móc, hệ thống đường điện sẽ bị ngập nếu không bơm nước ngầm.

Hố tử thần xuất hiện giữa nhà dân, làm lộ cả một phần móng nhà
"Hố tử thần" xuất hiện giữa nhà dân, làm lộ cả một phần móng nhà

Rạng sáng 27/5, gia đình ông Điền Viết Tứ (trú bản Na Hiêng, xã Châu Hồng) đang nằm ngủ thì giật mình thức giấc bởi một tiếng động lớn. Khi dậy kiểm tra, ông phát hiện một hố sụt lớn xuất hiện giữa nhà, đất đá vẫn đang tiếp tục sụt xuống. Vợ chồng ông Tứ chỉ kịp vơ vội ít tài sản trong nhà rồi tháo chạy ra ngoài. 

Hố sụt lún này có đường kính 10m, sâu 6m và đang tiếp tục lan rộng. Khu vực bị sụt lún lấn sát vào phần móng khiến móng của ngôi nhà lộ ra, treo lơ lửng khiến cả ngôi nhà có nguy cơ đổ sập, buộc gia đình ông Tứ phải di dời khẩn cấp ngay sau đó.

Sau khi hỗ trợ gia đình ông Tứ sơ tán đồ đạc, nhiều người dân địa phương đã kéo tới mỏ khai thác quặng thiếc của Công ty CP Tân Hoàng Khang. “Người dân họ nghi ngờ công ty này vẫn đang khai thác nước ngầm nên kéo tới để kiểm tra. Thời điểm này công ty đã dừng hoạt động nên sau đó người dân đã quay về”, ông Lợi nói.

Na Hiêng là bản bị thiệt hại nặng nề nhất bởi tình trạng sụt lún bất thường, khi mà hầu hết các nhà dân trong bản đều bị nứt nẻ, hàng chục “hố tử thần” xuất hiện và giếng cạn trơ đáy. Theo người dân, ít ngày trở lại đây, tình trạng sụt lún trở nên tồi tệ hơn. Hầu như ngày nào cũng có thêm ít nhất một nhà dân bị nứt nẻ, kèm theo đó là nhiều “hố tử thần” sâu hun hút, không nhìn thấy đáy.

Người dân xã Châu Hồng kéo đến Công ty CP Tân Hoàng Khang
Người dân xã Châu Hồng kéo đến Công ty CP Tân Hoàng Khang

Lãnh đạo xã Châu Hồng nói rằng tần suất “hố tử thần” xuất hiện ngày càng nhiều trong thời gian gần đây. Đến nay, xã này đã ghi nhận có 25 hố sụt lún, gần 200 nhà dân nứt nẻ… 

Ông Trần Đức Lợi cho biết, huyện này cũng đã làm việc với xã Châu Hồng để khảo sát, tìm các địa điểm còn kiên cố để sẵn sàng di dời dân khẩn cấp khi có sự cố. “Không chỉ nhà dân, hiện trường học, trụ sở xã cũng đã nứt nẻ không còn an toàn nữa. Nên nếu di dời thì phải đi xa một chút, đến các nhà văn hóa vẫn còn an toàn”, ông Lợi nói.

Châu Hồng là một trong những thủ phủ giàu khoáng sản ở miền Tây Nghệ An. Hiện xã này có 11 doanh nghiệp khai thác đá và quặng thiếc. Theo lãnh đạo xã Châu Hồng, người dân ở đây sinh sống lâu đời nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng bất thường như thời gian qua. Các hiện tượng này bắt đầu xuất hiện khi có hoạt động khai thác khoáng sản.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI