Họ dũng cảm bước vào “vùng đỏ” và chạm vào “ranh giới” của những F0 mỗi ngày

13/09/2021 - 06:48

PNO - Khi đưa cơm, vận chuyển khẩn cấp thuốc, họ chấp nhận nguy cơ lây nhiễm khi bước vào “vùng đỏ” và chạm vào “ranh giới” của những F0 mỗi ngày.

Chuyện chùa Vĩnh Nghiêm nấu cơm mặn tiếp dưỡng lực lượng y tế ở 15 đơn vị bệnh viện dã chiến, điều trị bệnh nhân COVID-19 nhiều người đã biết. Nhưng chuyện để có đội xe 15 chiếc phục vụ đưa cơm và vận chuyển khẩn cấp thuốc men cho các F0 (từ 10/7 - khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 - đến nay) thì chẳng mấy người hay. Những con người làm công tác thiện nguyện thầm lặng ấy họ thật dũng cảm, chấp nhận nguy cơ lây nhiễm khi bước vào “vùng đỏ” và chạm vào “ranh giới” của những F0 mỗi ngày. 

Ban đầu, chỉ ba bệnh viện được chùa tiếp dưỡng với khoảng 2.000 phần cơm mặn mỗi ngày. Khi ấy chùa cần vài xe đưa cơm. Biết chuyện, Nam - chủ ba sân tennis ở Q.Bình Tân, TP.HCM - đăng ký nhận việc đưa cơm với chị Tranh, Trưởng nhóm Chia sẻ - Sharing (nhóm từ thiện do cô Mai Thị Hạnh, thường gọi là cô Tư Sang, phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, thành lập từ nhiều năm qua, đã và đang hỗ trợ, cộng tác chặt chẽ với nhà chùa). Nam vừa cầm lái, kiêm bốc xếp. Nhưng một xe của Nam không thể chuyển cơm kịp bữa cho ba đơn vị ở ba nơi cách xa nhau là Q.10, H.Hóc Môn và TP.Thủ Đức, nên Nam đã nhờ bạn bè tiếp ứng. 

Cơm đã đến các bệnh viện dã chiến
Cơm đã đến các bệnh viện dã chiến

Nhưng tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng, số bệnh nhân nhiều hơn và số bệnh viện dã chiến được thành lập cũng tăng nhanh. Làm việc vất vả ngày đêm, các bác sĩ, điều dưỡng không thể cầm cự nổi với những bữa ăn chất lượng “dã chiến”. Nhiều y, bác sĩ đã ngã quỵ khiến hàng triệu trái tim đau nhói. Lại có thêm những bệnh viện dã chiến ngỏ lời xin được hỗ trợ bữa ăn với thượng tọa Thích Thanh Phong. Thượng tọa không chối từ, nhưng làm sao vận chuyển cơm kịp bữa đến các đơn vị nằm rải rác ở hàng chục quận, huyện là vấn đề khiến cô Tư Sang và chị Tranh lo lắng. 

Ngọc Thục, thành viên nhóm Chia sẻ - Sharing, nghe chuyện đã đưa con trai cùng xe nhà tham gia đưa cơm. Rồi qua những câu chuyện cảm động khi đưa cơm đến các bệnh viện dã chiến được các bác tài… kể lại, những trái tim đồng cảm đã tìm đến với “nhóm đưa cơm”. Chủ các phương tiện đều tự lái xe, tự đổ xăng, tự lo ăn uống trong gần hai tháng rong ruổi trên những cung đường vắng. Đáng trân trọng ở chỗ họ đều là chủ các doanh nghiệp. Anh Chinh vốn là nghệ sĩ piano từng đệm đàn ở nhà hàng Trịnh, hiện đang là Trưởng văn phòng Công ty Lữ hành Sasco và đã tình nguyện đưa cơm đến điểm xa nhất, một bệnh viện dã chiến ở H.Bình Chánh, với 800 phần cho hai bữa trưa, chiều. “Được góp chút sức trong thời điểm “Sài Gòn đau yếu” tôi cũng thấy vui chị ạ. Cảm ơn các sư thầy đã vất vả và các nhà hảo tâm đã chung sức cho cuộc chiến quá khủng khiếp này” - anh Chinh cười trong ánh mắt và chia tay tôi ở góc sân chùa sau khi kể chuyện trên đường đưa cơm. 

Anh Kiên Trung, chủ một shop “đồ chơi xe hơi” ở Q.Tân Bình cùng anh Phước đang đưa cơm lên xe để chuyển đến các Bệnh viện Dã chiến số 7, số 8 và Nhi Đồng 1. Thấy tôi ngạc nhiên trước sự chuyên nghiệp ở họ, anh Kiên Trung cười: “Làm hơn tháng nay nên giờ cũng thuần thục rồi”. Bốn bạn nữ trong đội vận chuyển cũng bốc xếp, cũng lái xe khi cần. Họ tham gia công việc vì “muốn được góp phần chăm lo bữa ăn cho các y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế đang ngày đêm lao khổ; muốn được chung tay cùng thành phố chống dịch”. Đội xe “đưa cơm”, “tiếp thuốc” thiện nguyện của chùa Vĩnh Nghiêm nay đã lên đến 15 chiếc. Mỗi ngày hai buổi, trưa và chiều, các xe lại xuất phát từ chùa Vĩnh Nghiêm đi gần như khắp nơi trong thành phố.

Những mối nguy chực chờ khi phải lui tới đưa cơm cho các bệnh viện dã chiến, giao thuốc cho các gia đình F0 trong tình hình dịch bệnh phức tạp và khó lường, các thành viên trong đội đều nhận thức và chấp nhận những điều chẳng may. Dù chị Tranh và thượng tọa Thích Thanh Phong đã trang bị áo bảo hộ, kính chắn giọt bắn, khẩu trang rất kỹ lưỡng cho mọi người, nhưng vẫn có người “không may”. Rất may là bác tài ấy đã khỏe lại sau thời gian cách ly chữa bệnh và đến nay, đó là ca duy nhất. 

Nhưng để giữ an toàn cho người thân trong gia đình, tất cả thành viên trong đội đưa cơm đã tự cách ly bằng cách không sinh hoạt và tiếp xúc với gia đình, ở riêng một tầng, dọn ra cửa hàng, thậm chí thuê chỗ ở khác… trong gần hai tháng qua. Anh Trung kể, nhiều khi nhớ mẹ, nhớ vợ con, nhưng phải “ngồi xa nói chuyện” chứ không dám lại gần để giữ an toàn cho mẹ già và con trẻ”. 

Phương Thục

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI