Cả gia đình bác sĩ về hưu tham gia chống dịch

10/09/2021 - 20:00

PNO - Gần hai tháng qua, bác sĩ về hưu Nguyễn Phú Luyện (P.4, Q.8, TP.HCM) mỗi ngày phải làm việc từ 7 giờ đến 21 giờ, sáng ở Q.4, tối về Q.8.

Mới 57 tuổi, nhưng bác sĩ Nguyễn Phú Luyện đã về hưu cách đây sáu năm vì thương tật. Từ năm 1984-1989, anh phục vụ ở chiến trường Campuchia trong vai trò của một bác sĩ quân y. Sau năm 1989, anh về làm việc tại Bệnh viện Quân y 7A, rồi Bệnh viện Quân dân y Miền đông. Vì lý do sức khỏe, đường sá lại xa xôi, nên vào năm 2015, bác sĩ - thượng tá Nguyễn Phú Luyện xin về hưu sớm hai năm, ở tuổi 51. 

Khi đã thật sự nghỉ ngơi, anh cảm thấy hụt hẫng và trống vắng, nên lại ra phục vụ tại Bệnh viện Q.8 thêm ba năm nữa rồi mới nghỉ hẳn. 

Bác sĩ Nguyễn Phú Luyện (trái) tại điểm tiêm P.4, Q.8
Bác sĩ Nguyễn Phú Luyện (trái) tại điểm tiêm P.4, Q.8

Khi dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong và số ca nhiễm tăng cao, lực lượng y tế địa phương mỏng dần vì phải san sẻ cho các bệnh viện dã chiến, nhận thấy mình không thể đứng ngoài cuộc nên bác sĩ Nguyễn Phú Luyện đã đăng ký phục vụ địa phương trước sự huy động của thành phố. Không đủ sức khỏe để tham gia công tác chăm sóc, cấp cứu bệnh nhân tại các bệnh viện điều trị COVID-19, anh nhận hỗ trợ lực lượng y tế tại các điểm tiêm phòng, cũng như hỗ trợ, tư vấn chăm sóc sức khỏe, thuốc men cho các ca F0 chữa trị tại nhà. Thế là từ đầu tháng Bảy, anh được phân công tiêm ngừa COVID-19 tại điểm tiêm Trường Nguyễn Thái Bình (Q.4).

Mỗi ngày, anh rời nhà từ 6 giờ để 7 giờ bắt đầu công việc. 17 giờ, kết thúc công việc tại điểm tiêm Q.4, anh về nhà ở Q.8 ăn vội bữa tối rồi ra phục vụ ca hai ở điểm tiêm chủng của P.4, Q.8 đặt ở Trường đại học Công nghệ (180 Cao Lỗ). Anh phụ trách khâu đo huyết áp, khám sàng lọc, trường hợp cần thiết phải đến bệnh viện thì hướng dẫn người dân. Mỗi tối, điểm tiêm chủng tại Trường đại học Công nghệ sẽ tiêm cho khoảng 300 người và kết thúc công việc vào lúc 21 giờ. “Với sức khỏe của mình, suốt một tháng trời không có thứ Bảy, Chủ nhật, tôi thấy hơi căng. Nhưng vì lực lượng y tế quá mỏng, mình đâu cho phép mình nghỉ ngơi”, anh nói. 

Việc phục vụ cho hàng trăm người mỗi tối cũng lắm chuyện không vui, khi người dân không tuân thủ yêu cầu giãn cách, không chờ đến lượt, hoặc phản ứng khi bị từ chối tiêm vì những bệnh nền nguy hiểm. Nhưng anh cho biết, “ở vai trò một người thầy thuốc, mình chấp nhận được”. 

Trong ê-kíp bảy nhân viên y tế tại điểm tiêm Trường đại học Công nghệ có ba thành viên trong gia đình bác sĩ Nguyễn Phú Luyện. Vợ anh là bác sĩ Huỳnh Thị Thỉ cũng xung phong đi phục vụ cộng đồng. Từng là Phó khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Bình Dân (Q.3), năm 2018, bác sĩ Huỳnh Thị Thỉ về hưu với chứng tràn dịch khớp gối và suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Biết rõ bệnh của mình nên ban ngày chị chỉ nhận một số hoạt động tuyên truyền tại địa phương, để đủ sức khỏe cùng chồng và con trai là dược sĩ Nguyễn Huỳnh Tuấn Anh phục vụ tại điểm tiêm của phường vào ban đêm. Chồng khám sáng lọc, chị hỗ trợ khâu nhập liệu và hồi sức cấp cứu sau tiêm, con trai phụ trách khâu theo dõi sau tiêm và hướng dẫn bà con theo dõi tại nhà. Mỗi khi có trường hợp chóng mặt, nhức đầu, cả nhà lại phối hợp theo dõi, hỗ trợ. “Đáng lẽ mình phải tham gia chống dịch ngay từ đầu nhưng vì chân đau, không đứng lâu được, nên góp chút sức mọn cùng thành phố vậy” - bác sĩ Huỳnh Thị Thỉ ngần ngại.

Ngoài trực điểm tiêm thì nhà bác sĩ Nguyễn Phú Luyện còn trở thành “điểm tư vấn sức khỏe cộng đồng”. Ở phường, bà con ai không may trở thành F0, gọi điện thoại đến hỏi han, anh sẵn sàng tư vấn, hướng dẫn thuốc men, cũng như quy trình điều trị để họ yên tâm khi theo dõi, điều trị tại nhà. 

Trước những đóng góp của gia đình bác sĩ Nguyễn Phú Luyện đối với công cuộc chống dịch của thành phố, Hội LHPN TP.HCM đã trân trọng đến thăm hỏi và cảm ơn gia đình anh. Tuy nhiên, anh đã gửi tặng lại toàn bộ số tiền, quà được tặng cho “Bếp yêu thương” của P.4, Q.8 để được san sẻ với toàn thể lực lượng tuyến đầu cũng như những người gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh. 

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI