Hiểm họa từ thực phẩm có hại quanh trường học

04/05/2023 - 07:39

PNO - Trẻ em luôn thích ăn quà vặt. Dù vậy, rất nhiều loại quà vặt bên ngoài trường học không tốt cho sức khỏe của trẻ, có khả năng gây ngộ độc vì thiếu vệ sinh. Thậm chí đã có trường hợp những kẻ xấu cố tình đưa thức ăn, đồ uống có chất ma túy cho trẻ.

Nguy cơ ngộ độc, béo phì

Vào giữa tháng Tư, tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc, 7 học sinh trung học nhận đồ uống miễn phí từ những người “giống như nhân viên bán hàng” bên ngoài các trường luyện thi với lời hứa sản phẩm giúp tăng cường sự tập trung và trí nhớ. Các học sinh này đã uống và sau đó có các triệu chứng sốc ma túy, dương tính khi kiểm tra chất cấm.

Vụ việc diễn ra ở Daechi-dong - một quận được mệnh danh là thánh địa dạy thêm ở Gangnam, phía nam Seoul. Loại đồ uống này sau đó được phát hiện có chứa methamphetamine và ecstasy. Theo cảnh sát, những người phát đồ uống được cho là đã hỏi các học sinh về thông tin liên lạc của phụ huynh và sau đó yêu cầu cha mẹ các em trả khoảng 100 triệu won (1,7 tỉ đồng) với lời đe dọa sẽ báo cảnh sát việc con cái họ sử dụng ma túy. Những thông tin về các vụ việc như vậy đã được các bậc phụ huynh cảnh báo từ năm 2022. Theo đó, có những người phát tờ rơi và kẹo tẩm ma túy cho học sinh gần cổng trường, lưu ý các em không nhận đồ ăn hoặc quà từ người lạ.

Trẻ em khó cưỡng lại sự cám dỗ từ những món ăn vặt nhiều màu sắc và hương vị, do đó nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của trẻ phụ thuộc nhiều vào người lớn - ẢNH: SCMP
Trẻ em khó cưỡng lại sự cám dỗ từ những món ăn vặt nhiều màu sắc và hương vị, do đó nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của trẻ phụ thuộc nhiều vào người lớn - Ảnh: SCMP

Bên cạnh đó, những món quà vặt nhiều đường và chất béo có thể khiến trẻ trở nên thừa cân, béo phì. Theo dự báo của Liên đoàn Béo phì Thế giới (WOF), số trường hợp béo phì ở trẻ em vào năm 2035 có thể tăng hơn gấp đôi so với mức năm 2020, lên 208 triệu bé trai và 175 triệu bé gái. Một báo cáo mới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở khu vực châu Âu cũng cho biết, tại 46/53 quốc gia khu vực này, khoảng 1/3 trẻ em đang thừa cân hoặc béo phì. Béo phì ở trẻ em - liên quan đến chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, a xít béo chuyển hóa, đường hoặc muối - có khả năng duy trì đến tuổi trưởng thành, khiến trẻ có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư và nhiều căn bệnh không lây nhiễm khác. Chỉ riêng ở châu Âu, chế độ ăn uống không lành mạnh gây ra hơn 1 triệu ca tử vong mỗi năm. Louise Baur - Chủ tịch WOF - cho biết: “Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới cần phải làm tất cả những gì có thể để tránh đặt gánh nặng về sức khỏe, xã hội và kinh tế cho thế hệ trẻ”.

Giu1p trẻ có bữa ăn lành mạnh

Trẻ em và thanh thiếu niên đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi cung cách tiếp thị thực phẩm qua phương tiện truyền thông và internet - từ truyền hình đến trò chơi điện tử trực tuyến và mạng xã hội. Những quảng cáo này có thể nhắm mục tiêu đến trẻ em từ 3 tuổi trở lên. Nadyn Evalles - một bà mẹ 5 con và là giáo viên sức khỏe ở Philippines - cho biết: “Từ mạng xã hội, các con tôi thèm những món ăn nhanh thiếu lành mạnh. Những thứ này khá hấp dẫn trong mắt bọn trẻ, vì vậy đôi khi tôi phải cho chúng thứ chúng muốn”.

Một thách thức khác là chiến lược tiếp thị “đánh lừa”, khi các thực phẩm và đồ uống quảng cáo về nguồn vitamin dồi dào hoặc được làm bằng các nguyên liệu tự nhiên, gây ấn tượng sai lầm về lợi ích. Những sản phẩm khác được quảng cáo bằng cách sử dụng hình ảnh hoạt động thể chất, với những đứa trẻ chạy nhảy và vui đùa, khiến người xem nghĩ rằng đồ uống có thể giúp tăng cường năng lượng và tốt cho sức khỏe trong khi thực tế không phải như vậy. 

Chính quyền các cấp có thể giúp bảo vệ và cải thiện sức khỏe trẻ em thông qua khuyến khích sản xuất và phân phối thực phẩm tốt cho sức khỏe. Năm 2008, Thị trưởng TP New York (Mỹ) đã yêu cầu các cơ quan quản lý (phụ trách cung ứng hơn 260 triệu bữa trưa và đồ ăn nhẹ hằng năm cho các trường học, bệnh viện và nhà tạm trú cho người cơ nhỡ) phải tuân thủ những tiêu chuẩn quy định về chất lượng thực phẩm.

Ở một số quốc gia, việc cung cấp suất ăn tại trường là biện pháp giúp đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh. Chẳng hạn, Chương trình thực phẩm học đường Brazil cung cấp các bữa ăn lành mạnh cho hàng triệu học sinh tại các trường công lập toàn quốc, với 30% nguồn cung từ các hộ nông dân địa phương. Chương trình đã cải thiện sức khỏe của học sinh, thúc đẩy các hoạt động sản xuất thực phẩm bền vững và có đạo đức, giúp điều chỉnh việc bán và tiếp thị thực phẩm trong và ngoài khuôn viên trường học.

Vào tháng Ba, học sinh tại Bangkok (Thái Lan) được tham gia bình chọn thực đơn bữa sáng và bữa trưa trong một chương trình do Ban Quản lý đô thị Bangkok (BMA) khởi xướng, với sự hợp tác của nhà cung cấp nguyên liệu bữa ăn học đường Be Genius. Chương trình đã cung cấp các bữa ăn ngon, lành mạnh theo tiêu chuẩn quốc gia về dinh dưỡng và định lượng cho từng độ tuổi. Bảng thành phần dinh dưỡng và lượng calo cho từng món ăn cũng được cung cấp để phụ huynh có thể theo dõi bữa ăn của con mình. 

Linh La (theo WHO, We Forum, the Conversation, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI