Hiểm họa rình rập người lao động ‘chui’ ở Trung Quốc

18/08/2019 - 10:34

PNO - Sang Trung Quốc làm việc bất hợp pháp, nhiều lao động người Nghệ An đã bị kẻ xấu bắt cóc tống tiền. Có người may mắn chạy thoát, nhưng cũng có trường hợp đã bỏ ra hàng trăm triệu tiền chuộc song vẫn chưa nhìn thấy người thân.

Ám ảnh cảnh con trai bị kề dao vào cổ đòi tiền chuộc

Hơn 1 tháng cậu con trai trở về quê nhà, bà Trần Thị Hương - 53 tuổi, trú tại xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An - vẫn chưa dám tin anh Nguyễn Hữu Khánh (23 tuổi, con trai bà Hương) đã có thể tự thoát khỏi nhóm người bắt cóc và trở về nhà an toàn.

Theo bà Hương, do không có việc làm ổn định nên đầu năm 2019, Khánh theo bạn bè sang Trung Quốc làm việc bằng con đường chui. Một buổi sáng trung tuần tháng 7/2019, bà Hương bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại từ đầu số lạ gọi về thông báo con trai bà bị bắt cóc, yêu cầu gia đình chuyển khoản 200 triệu đồng để chuộc lại.

Chưa kịp định thần lại trước thông tin choáng váng trên, nhóm người này tiếp tục gọi video thông qua mạng xã hội và cho bà Hương chứng kiến cảnh anh Khánh đang bị trói chân tay trong nhà. Sau đó, một người đàn ông yêu cầu bà Hương chuyển 200 triệu vào tài khoản do hắn đưa đồng thời cảnh báo gia đình không được trình báo công an nếu “không muốn nhận xác con”.

“Lúc đó Khánh chỉ kịp nói mẹ ơi cứu con, cứu con. Thấy con bị họ đánh vào người, vào chân, kề cả dao vào cổ mà tôi không dám nhìn nữa” - bà Hương nói.

Hiem hoa rinh rap nguoi lao dong ‘chui’ o Trung Quoc
Chị Hoài vẫn biệt tăm tung tích suốt 3 tháng qua dù gia đình đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng tiền chuộc

Đứng trước tình cảnh trên, bà Hương quyết định trình báo cơ quan công an nhờ sự giúp đỡ. Trước yêu cầu trì hoãn việc chuyển tiền để công an vào cuộc điều tra, bà Hương đã lấy cớ cuối tuần ngân hàng không làm việc để thương thảo lại việc chuyển tiền cho kẻ bắt cóc.

Nhóm người bắt cóc gọi điện thoại giục nên bà Hương buộc phải mang tiền ra tiệm vàng gửi theo yêu cầu. Nhưng khi bà đề nghị cho gặp mặt con thì nhóm bắt cóc từ chối. Nghi ngờ có điều bất ổn nên bà đành ra về.

Kể từ đó, người phụ nữ 53 tuổi này bắt đầu sống trong cảnh bất an. “Suốt cả ngày sau đó, cứ nghe tiếng điện thoại reo là tôi lại giật mình” - bà Hương nói và cho biết, mãi đến ngày thứ 3 sau khi xảy ra sự việc, bà bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại của con trai báo về đã chạy thoát được khỏi nhóm bắt cóc và đang trên đường trở về nhà.

Tiền mất, vợ vẫn chưa rõ tung tích

Đã nhiều tháng qua, anh Nguyễn Công Lợi - 25 tuổi, trú tại xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - chưa có nổi một giấc ngủ trọn vẹn kể từ ngày ở Trung Quốc trở về. “Hai vợ chồng cùng đi, bảo kiếm ít vốn về làm ăn vậy mà nay lại về một mình. Vợ không biết đang ở đâu, mình sao chợp mắt nổi” - anh Lợi nghẹn ngào nói.

Đầu năm 2019, anh Lợi cùng vợ là chị Nguyễn Thị Hoài (21 tuổi) vượt biên sang Trung Quốc làm thuê tại một xưởng giày dép. Tối 2/5, sau khi ăn cơm tối, chị Hoài được một phụ nữ cùng quê Nghệ An rủ đi mua đồ. Song cũng kể từ đó, chị Hoài mất tích một cách bí ẩn.

Hiem hoa rinh rap nguoi lao dong ‘chui’ o Trung Quoc
Anh Lợi lo lắng, ngóng chờ thông tin của vợ

Theo anh Lợi, sau khi chị Hoài mất tích, anh tìm hiểu thì phát hiện có một nhóm người đã bắt cóc vợ mình. Thông qua một số người quen, anh Lợi tiếp xúc được với một người “đầu mối” nhờ giúp đỡ song người này cho hay muốn cứu vợ ra ngoài thì phải bỏ ra số tiền 180 triệu đồng để chuộc.

Lo lắng cho tính mạng của vợ, anh Lợi đưa trước cho Sơn 4,5 triệu đồng để lo tiền đi lại. Sau đó, anh Lợi vay mượn 150 triệu đồng gửi sang để chuộc vợ về và thương lượng với nhóm bắt cóc sẽ chuyển tiền khi gặp được vợ. Tuy nhiên, sau đó nhóm này đổi ý và cắt đứt liên lạc với anh.

Không còn cách nào khác, anh Lợi đến trình báo cơ quan công an địa phương ở Trung Quốc rồi làm thủ tục trở về nhà, trình báo lên cơ quan công an Việt Nam nhờ giúp đỡ.

Từ tháng 4 đến nay, Công an Nghệ An đã tiếp nhận 4 đơn trình báo của người dân có người thân đi lao động tại Trung Quốc bị một nhóm người Việt bắt giữ, đe dọa, tống tiền. Trong đó, có trường hợp gia đình phải chuyển hàng trăm triệu đồng cho nhóm bắt cóc tống tiền mới được chúng thả người.

Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết đã có công văn chỉ đạo công an các địa phương tổ chức quán triệt thông báo thủ đoạn phạm tội bắt cóc chiếm đoạt tài sản; tuyên truyền rộng rãi về phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội để nhân dân nâng cao ý thức phòng ngừa, phối hợp điều tra xử lý tội phạm.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI