HBSO đơm hoa từ Khu vườn âm nhạc

20/03/2014 - 18:23

PNO - PNO - Xuất sắc, ấn tượng, bất ngờ là nhận định chung của nhiều khán giả về chương trình hòa nhạc Xuân - Hè 2014 thứ hai của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HBSO) diễn ra vào tối 19/3 tại Nhà hát Thành phố.

edf40wrjww2tblPage:Content

LỘT XÁC VỀ CHẤT LƯỢNG

“Anh cả” Trần Vương Thạch đã khéo léo báo hiệu những đổi thay từ đêm khai màn bằng chi tiết tương tác vui nhộn với cô búp bê máy Sung Hee Park. Dự cảm đó càng trở nên mạnh mẽ hơn với những ai nhận thấy sự xuất hiện của một cái tên mới - David Hermann - trong vai trò đạo diễn sân khấu từ trước đó một tháng, điều cực kỳ hiếm thấy ở các chương trình hòa nhạc định kỳ (vào các ngày 9, 19, 29 hàng tháng) của HBSO.

Sự xuất hiện ấy không phải tình cờ, mà theo lời NSƯT - chỉ huy hợp xướng Lý Giai Hoa, là kết quả của quá trình học hỏi, rèn luyện suốt một tháng nay của tập thể nghệ sĩ HBSO với chuyên gia Na Uy thuộc dự án Transposition (bắt đầu từ năm 2007). Dấu ấn của David Hermann để lại rõ nét ở phần hai - trình diễn các trích đoạn nhạc kịch nổi tiếng. Mở đầu, bức màn nhung được giăng ngang che hết tầm nhìn sân khấu, để lại âm thanh dìu dịu của nhóm ngũ tấu kèn gỗ cùng tiếng đàn piano nơi góc phòng. “Sắp có trò gì đây” - khán giả hào hứng thầm thì.

Rồi bức màn chầm chậm thu lại khi các giọng ca chủ lực và dàn hợp xướng hùng hậu HBSO trong sắc áo rực rỡ đổ quân ra hết chiều ngang khán phòng. Từ đây, giọng nữ cao (soprano) Ngọc Tuyền và nam cao (tenor) Duy Linh vang lên, dàn hợp xướng di chuyển theo một trật tự đẹp mắt ở hậu cảnh, tái hiện khung cảnh aria Bài ca chuốc rượuVề hạnh phúc trong vở opera Trà hoa nữ của Verdi.

HBSO dom hoa tu Khu vuon am nhac
Ngọc Tuyền (áo đỏ, hàng gần mép sân khấu) và Duy Linh (quỳ)
cùng dàn hợp xướng HBSO trong tiết mục mở đầu ấn tượng

Và cứ như thế, lần lượt các bản duettino Trên những làn gió nhẹ (vở opera Đám cưới Figaro, Mozart), Anh yêu em nhiều lắm (vở Góa phụ hạnh phúc, Franz Lehár), aria Em muốn sống (vở Romeo và Juliette, Charles Gonoud), trích đoạn vở La Bohème (Puccini), duettino Trao đôi tay nhau (vở Don Giovani, Mozart), trích đoạn vở Thợ cạo thành Seville (Rossini), cảnh đám cưới trong vở Lucia xứ Lammermoor (Donizetti) được David Hermann xâu chuỗi thành một câu chuyện tình yêu có hậu xuyên suốt, có đạo cụ, có phục trang, có diễn xuất, có cả pháo bông chúc mừng đôi trai gái nên duyên ở cuối màn, làm nhiều khán giả giật mình thích thú.

Mọi thứ tuy chỉ ở mức cách điệu nhưng được các nghệ sĩ dốc lòng thể hiện, nhất là ở khoản “kịch” - yếu tố vốn lâu nay bị quên lãng trong trình diễn trích đoạn opera ở Việt Nam. Nghệ sĩ, ngoài việc hát tốt, còn phải chăm chút từng động tác diễn như ánh mắt, nụ cười, bước đi, dáng đứng, cái ôm eo, cái choàng vai... Lần đầu tiên, người ta mới thấy dàn nghệ sĩ của HBSO trẻ trung, điệu đà và diễn “tình” đến thế, như cảnh của thân mật của Thanh Minh với Thanh Huyền, Phạm Trang với Thanh Nga.

HBSO dom hoa tu Khu vuon am nhac
Giọng nam trung Thanh Minh (trái) và nữ cao Thanh Huyền
diễn trích đoạn
Trao đôi tay nhau (vở Don Giovani) rất đạt

Giám đốc, chỉ đạo nghệ thuật chương trình, NSƯT Trần Vương Thạch nói đã bao năm nay các anh chị em trong đoàn quen kiểu sắp hàng lên hát, lên sân khấu không diễn gì nhiều, chỉ thuần túy hát, kịch cũng không phải là món được đào tạo chuyên sâu ở trường, nên lần đầu hát và diễn bài bản thế này, ai cũng run nhưng đều cố gắng hết sức.

Lồng và xen giữa các tiết mục, nhạc trưởng Trần Nhật Minh cùng nhóm hòa tấu thính phòng (Nguyễn Nhất Chi Lan - flute, Phạm Khánh Toàn - boe, Võ Minh Đông - clarinet, A Tách - bassoon, Trần Đại Nghĩa - horn, Lê Phạm Mỹ Dung - piano) chơi những giai điệu nền và chuyển cảnh rất nhịp nhàng, liền lạc và thông minh.

Thứ duy nhất làm “gián đoạn” chương trình có lẽ là những tràng pháo tay nồng nhiệt của khán giả dành cho các nghệ sĩ NSƯT Hồng Vy, Thanh Nga, Cho Hae Ryong, Ngọc Tuyền, Thanh Huyền (nữ cao), Phạm Trang, Duy Linh (nam cao), Thanh Minh (nam trung)... đôi khi có cảm giác Trần Nhật Minh phải điều phối việc chuyển cảnh chậm lại một chút để khán giả lắng bớt sự hưng phấn. Trong số này, Hồng Vy, Thanh Nga, Thanh Minh, Duy Linh có phần trình diễn xuất sắc. Đặc biệt là Hồng Vy - giọng ca gốc Hà Nội mới Nam tiến theo chồng là nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, cô xử lý trích đoạn Góa phụ hạnh phúcRomeo và Juliette nồng nàn, da diết, vibrato (độ rung) dữ dội và dằn xé, giọng cao, rõ, sắc nét, làm thổn thức người nghe.

HBSO dom hoa tu Khu vuon am nhac
Tiết mục của sopranist Hồng Vy (đầm nâu tím).
Phía xa đằng sau, nhạc trưởng Trần Nhật Minh đang chỉ dàn hòa tấu thính phòng

HOA ĐÃ ĐƠM, CHỜ NGÀY TRỔ QUẢ

Cũng không thể quên giai điệu ragtime nồng hậu, ấm áp, vui tươi trong phần một của chương trình. Ragtime rộn ràng, vui vẻ, người chơi đúng bài phải nhịp chân hoặc vỗ đàn, còn nghe phải búng tay hoặc huýt sáo theo, phản ánh gốc gác dân vũ phóng khoáng và cội nguồn nhạc jazz đâm rễ từ cộng đồng người Mỹ gốc Phi vào thế kỷ XX. Lý Giai Hoa và Ju Sun Young đã thể hiện rất đạt tinh thần ấy trong tác phẩm chủ đề The garden of eden được nhạc sĩ đương thời người Mỹ William Bolcom lấy cảm hứng từ câu chuyện tình của Adam và Eva nơi địa đàng.

HBSO dom hoa tu Khu vuon am nhac
NSƯT Lý Giai Hoa

Làm sao thiếu được The entertainer, tác phẩm kinh điển nhất của Scott Joplin - nhà soạn nhạc ragtime tiên phong, người thổi hồn jazz lẫn phong cách biểu diễn mới mẻ vào nhạc cổ điển. Từ bản gốc dành cho solo dương cầm, nhóm ngũ tấu kèn gỗ đã thổi nét hài hước, ngộ nghĩnh vào tác phẩm thông qua phần chuyển soạn của Sjoerd Van Der Deen.

HBSO dom hoa tu Khu vuon am nhac
Nhóm ngũ tấu kèn gỗ

Chất jazz càng rõ rệt hơn khi bản Scaramouche của nhà soạn nhạc Pháp Darius Milhaud được Đào Nhật Quang biểu diễn bằng clarinet thay vì saxophone như nguyên bản. Cần nói thêm rằng, Darius Milhaud là một trường hợp lạ trong giới nhạc cổ điển. Xuất thân từ Pháp, được đào tạo bài bản tại lò âm nhạc bác học châu Âu nhưng đến năm 30 tuổi thì bị “tiếng sét ái tình” với jazz - thể loại âm nhạc đầy tính ngẫu hứng. Các sáng tác của ông về sau là sự hòa trộn uyển chuyển giữa nhạc cổ điển và jazz. Sau Scott Japlin, Darius Milhaud được xem là người kế thừa ragtime xuất sắc nhất.

HBSO dom hoa tu Khu vuon am nhac
Nghệ sĩ kèn clarinet Đào Nhật Quang

Có thể nói, dàn nghệ sĩ đêm qua chơi rất tốt và đồng đều. Sau chương trình, khán giả đã nán lại khá đông để chúc mừng và chia sẻ cảm xúc với các nghệ sĩ. Người viết cũng rất khấp khởi khi nghe “anh cả” Trần Vương Thạch hé lộ rằng đây mới chỉ là bước dạo đầu của HBSO trong quá trình nâng cao chất lượng biểu diễn nhằm chuẩn bị cho hai tác phẩm “đinh” sắp tới là vở thanh xướng kịch Đấng sáng thế (8, 9/5) và vũ kịch Cô bé búp bê (28, 29/8). Con đường học hỏi, chuyển giao kinh nghiệm với đối tác Na Uy còn dài, song, thành công của hai chương trình mở màn lịch diễn Xuân - Hè 2014 cho thấy, hoa đã bắt đầu đơm, chỉ còn chờ ngày trổ quả. Hy vọng rằng, quả ấy sẽ thật ngọt.

HBSO dom hoa tu Khu vuon am nhac
Đạo diễn sân khấu David Hermann (áo đen, cao, đứng giữa) đem hơi thở mới đến HBSO

HOÀNG YẾN
Ảnh: HOÀNG SƠN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI