Hậu Philippe Troussier: Muốn nâng tầm bóng đá không chỉ dựa vào huấn luyện viên

29/03/2024 - 07:07

PNO - Ông Park Hang-seo là do bầu Đức đưa về và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã “ăn may” khi ông giúp đội tuyển giành được những chiến tích chói lọi làm nức lòng người hâm mộ. Sau thời ông Park, VFF lại thuê một huấn luyện viên 70 tuổi có cung cách huấn luyện lạc hậu, thiếu ý tưởng mới…

Cần nâng cao trách nhiệm với đội tuyển

Năm 2004, Việt Nam tổ chức vòng bảng AFF Tiger Cup trên sân Mỹ Đình và trận thua Indonesia 0-3 đã khiến đội tuyển bóng đá Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng, huấn luyện viên (HLV) Edson Tavares bị sa thải. 20 năm sau, cũng trên sân Mỹ Đình, cũng đối thủ Indonesia, cũng tỉ số 0-3, cũng mất tấm vé đi tiếp ở một giải đấu, và HLV Philippe Troussier cũng bị sa thải.

Ai trong bộ máy VFF phải chịu trách nhiệm khi quyết định ký hợp đồng đến 3,5 năm với ông Troussier? Trong ảnh: Dàn lãnh đạo VFF tại lễ công bố huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá nam quốc gia - Nguồn ảnh: VFF
Ai trong bộ máy VFF phải chịu trách nhiệm khi quyết định ký hợp đồng đến 3,5 năm với ông Troussier? Trong ảnh: Dàn lãnh đạo VFF tại lễ công bố huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá nam quốc gia - Nguồn ảnh: VFF

20 năm trước, nền bóng đá Việt Nam vẫn còn khá sơ khai, V-League chưa chuyên nghiệp, các cầu thủ nhỏ con, đội tuyển chưa có những chiếc cúp khu vực, chưa lọt vào sâu ở các giải châu lục… 20 năm sau, đội tuyển Việt Nam đã có những thứ đó, chứng tỏ bóng đá ta có phát triển. Nhưng ta phát triển thì các đối thủ trong khu vực cũng phát triển và không chắc gì ta đã phát triển nhanh hơn họ.

Nhìn lướt qua, có vẻ bóng đá Việt Nam phát triển mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây, bắt đầu từ năm 2018 với chiến tích Á quân giải U23 châu Á, sau đó tiếp tục vô địch AFF Cup, giành huy chương Vàng SEA Games, lọt vào tứ kết Asian Cup, lần đầu tiên được đá vòng loại thứ ba World Cup.

Nhưng, chiến tích này của đội tuyển có được là nhờ lứa cầu thủ tài năng do 2 ông bầu Đỗ Quang Hiển và Đoàn Nguyên Đức đổ công sức, tiền bạc đầu tư, phát hiện, nuôi dưỡng, đào tạo, cộng với sự mát tay dùng người của ông Park. Những cầu thủ này đến từ lò đào tạo của các câu lạc bộ (CLB) Hà Nội T&T (bầu Hiển), Hoàng Anh Gia Lai (bầu Đức), không phải là sản phẩm của VFF. Khi lứa cầu thủ này lớn tuổi, xuống phong độ, không có lứa kế cận xứng tầm thì đội tuyển quốc gia đi xuống như chúng ta đang thấy.

Trách nhiệm trong sự thiếu hụt lứa kế cận rõ ràng thuộc về VFF. Các CLB đào tạo cầu thủ cho họ, nếu không đào tạo được thì mua hoặc nghỉ chơi. Với VFF thì khác. Nếu không tạo điều kiện tốt để các lứa cầu thủ tài năng xuất hiện, VFF không thể nói “để tôi đi mua” hoặc “thôi tôi không chơi nữa”.

Trách nhiệm với nền bóng đá

Nói “bóng đá Việt Nam có vẻ phát triển” là bởi thực chất, nó không phát triển nhiều và đội tuyển chỉ là phần ngọn của một nền bóng đá. Muốn thấy sự phát triển, phải xem phần gốc rễ, nền tảng, gồm các giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia, số lượng CLB đang hoạt động, số sân bóng trên toàn quốc, sự phát triển của bóng đá học đường, số cầu thủ xuất khẩu, số khán giả đến sân… Những thứ đó mạnh tức là nền móng chắc, tự khắc sẽ có đội tuyển quốc gia tốt.

Jay Idzes (áo số 4) đánh đầu mở tỉ số cho Indonesia trong trận thắng đội tuyển Việt Nam 3-0 ở vòng loại World Cup 2026 ngày 26/3 vừa qua - Nguồn ảnh: VFF
Jay Idzes (áo số 4) đánh đầu mở tỉ số cho Indonesia trong trận thắng đội tuyển Việt Nam 3-0 ở vòng loại World Cup 2026 ngày 26/3 vừa qua - Nguồn ảnh: VFF

Ví dụ như đội tuyển Đức - chủ nhà Euro 2024 sắp tới - chỉ thắng 2/10 trận gần đây nhất, nhưng trong loạt thi đấu giao hữu vừa qua, họ thắng cả Pháp lẫn Hà Lan là những đội rất mạnh. Tức là nền bóng đá của Đức có nền móng quá vững chắc nên họ có thể mất phong độ vài trận nhưng lấy lại ngay. Có thể họ thẳng tay loại nhiều cầu thủ tự mãn nhưng liền đó, họ có ngay hàng chục cầu thủ khác với chất lượng tương đương để dùng.

Thái Lan có hệ thống thi đấu bài bản với 16 đội Thai League 1, 18 đội League 2 và 72 đội League, dưới nữa là các đội bán chuyên nghiệp, các CLB có thu nhập tốt, có lượng cổ động viên trung thành cao. Còn trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, càng xuống hạng dưới, số đội càng ít: V-League có 14 đội, giải hạng Nhất chỉ có 11 đội, có nghĩa là chân đế còn hẹp hơn cả đỉnh tháp.

Bóng đá Thái có nền móng tốt nên đội tuyển chỉ chao đảo 1-2 giải là lấy lại ngôi bá chủ bóng đá khu vực, ngay cả khi ông Park còn làm HLV đội tuyển Việt Nam. Vậy ai chịu trách nhiệm cho sự yếu kém của nền bóng đá Việt Nam? Rõ ràng là VFF!

Trách nhiệm thuê và dùng huấn luyện viên giỏi

Ông Park là do bầu Đức đưa về chứ không phải VFF đi kiếm. VFF đã “ăn may” với ông Park, nhưng khó “ăn may” mãi được. Ông Park đi, VFF liền thuê một ông Troussier gần 70 tuổi. Một HLV sung mãn về ý tưởng khi ở độ tuổi 40 đến 55. Ngay như ông Jose Mourinho - một trong những HLV lừng lẫy nhất thế giới túc cầu - giờ cũng hết thời khi ở tuổi 60.

Thời của ông Troussier đã qua cách đây 20 năm rồi. Lần gần đây nhất là năm 2005, ông được mời về làm HLV đội tuyển quốc gia Morocco - đội bóng tương đối có tên tuổi - nhưng cũng chỉ trụ ở đó 2 tháng. Từ đó trở lại đây, ông ta làm giám đốc mấy nơi ở châu Á, thực tiễn cầm quân không nhiều. Cách làm của ông Troussier có lẽ vẫn là của thế kỷ trước, cảm tính nhiều hơn là dựa vào phân tích dữ liệu.

Ông Troussier muốn xây dựng lối chơi kiểm soát bóng hiện đại, nhưng phải nói thẳng là cầu thủ Việt Nam chưa đủ năng lực cùng thể lực để chơi theo cách đó. Cả một nền bóng đá - từ cấp CLB đến đội tuyển quốc gia - nhiều năm qua thường chơi theo kiểu rình rập, phóng bóng dài vượt tuyến, giờ muốn làm mới là rất khó. Nhưng không ai ở VFF nói điều đó cho ông Troussier.

Hầu hết thời gian trong gần 30 năm qua, đội tuyển Việt Nam chủ yếu dùng HLV ngoại, các hợp đồng thường kết thúc sau các giải khu vực như SEA Games, AFF Cup. Đợt rồi, VFF ký với ông Troussier bản hợp đồng có thời hạn đến lúc World Cup 2026 kết thúc, tức tháng 7/2026, y như các đội tuyển hàng đầu thế giới mỗi khi họ ký hợp đồng với các HLV.

Nghĩa là, VFF đã quá ảo vọng rằng đội tuyển Việt Nam sẽ lần đầu tiên đến với ngày hội lớn nhất của bóng đá thế giới khi World Cup 2026 mở rộng từ 32 đội lên thành 48 đội. VFF quên đi thực tế rằng, đội tuyển Việt Nam vào cuối thời ông Park Hang-seo đã có nhiều dấu hiệu đi xuống, không còn làm chủ được cục diện ở các giải đấu khu vực như AFF Cup, SEA Games.

VFF cần thay đổi cơ chế vận hành và con người ngay trong hệ thống. Họ cần đưa những người có tâm, có tầm từ bên ngoài vào làm. Như bóng đá Thái Lan, tháng trước, họ có tân chủ tịch liên đoàn bóng đá là một gương mặt rất quen thuộc với khán giả Việt Nam: Madam Pang - người đã gắn bó nhiệt huyết với bóng đá Thái Lan hơn chục năm qua.

Cần xem xét trách nhiệm cụ thể của VFF

Đội tuyển Bóng đá Việt Nam đã thua 10/14 trận dưới thời HLV Troussier, rớt từ vị trí 95 xuống 115 trên bảng xếp hạng FIFA sau trận thua Indonesia 0-3 ngày 26/3. Ngay sau trận thua, VFF đã đạt được thỏa thuận kết thúc hợp đồng với ông Troussier nhưng chưa có động thái xem xét trách nhiệm của mình cũng như các cá nhân cụ thể trong VFF.

Lý do gì khiến VFF quyết định ký hợp đồng 3,5 năm với một HLV lớn tuổi mà trong hơn 20 năm qua, ngoại trừ thành công khi làm ở Nhật Bản, còn lại ông đều thất bại? VFF cần quy trách nhiệm cụ thể trong bộ máy chứ không thể trút hết mọi lỗi lầm lên ông Troussier.

VFF cần thừa nhận sự thiếu trách nhiệm trong việc phát triển bóng đá Việt Nam, cần quyết liệt cải tổ bộ máy, có như vậy mới hy vọng lấy lại dần niềm tin yêu của người hâm mộ bóng đá Việt Nam!

Đặng Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI