Hậu COVID-19 khiến nhiều người Mỹ muốn tự kết thúc cuộc sống

29/08/2022 - 16:50

PNO - Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy số người bị lo lắng và trầm cảm đã tại Mỹ đã giảm so với mức tăng đột biến trong năm đầu tiên của đại dịch, nhưng con số này hiện vẫn đang ở mức cao hơn nhiều so với trước đại dịch, mà các chứng hậu COVID-19 kéo dài được cho là một trong những nguyên nhân chính.

“Ngoài việc chứng kiến nhiều người tử vong do COVID-19 hoặc bị mất đi những người thân nhiễm căn bệnh này, có những yếu tố khác vốn thường gây căng thẳng cho mọi người đã “trỗi dậy” trong đại dịch, khi các hoạt động của họ bị hạn chế, khiến họ bị bệnh nặng hơn và kéo dài hơn”, Roxane Cohen Silver - một nhà tâm lý học tại Đại học California (Irvine, Mỹ), người đã mô tả đại dịch này là một “chấn thương tập thể” - giải thích cho xu hướng nói trên.

Trong năm 2019, 11% người trưởng thành ở Mỹ cho biết họ có các triệu chứng lo âu hoặc trầm cảm, theo dữ liệu của Trung tâm Thống kê y tế quốc gia. Đến tháng 1/2021, tỷ lệ này đã tăng lên 41%. Một năm sau, con số này đã giảm xuống còn 32%, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với trước đại dịch.

Cũng theo trung tâm này, gần 1/5 người Mỹ đã từng bị COVID-19 tiếp tục có các triệu chứng kéo dài vào tháng Sáu.

Diane Keller Wood, một nhân viên trợ thính, đã nhiễm COVID-19 vào tháng 2/2022, mặc dù vẫn cảnh giác và đeo khẩu trang. Sau đó cô bị các triệu chứng kéo dài như khó thở, mệt mỏi, sương mù não, mất thăng bằng và co giật mắt.

Keller Wood đã phải gặp hàng loạt các chuyên gia chăm sóc y tế, trong đó có một bác sĩ tai mũi họng, một nhà thần kinh học, một nhà vật lý trị liệu, một nhà tâm thần học, và một bác sĩ nhãn khoa.

Cô cũng đã có ý định tự tử trong khoảng một tháng.Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Washington ở St Louis, tình trạng này khá phổ biến ở những người đã từng nhiễm COVID-19. Keller Wood mô tả rằng đó là “nỗi tuyệt vọng tồi tệ nhất mà tôi từng trải qua”.

Tiến sĩ Ziyad Al-Aly - một nhà dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Washington, người đã nghiên cứu tác động của COVID-19 và các triệu chứng kéo dài của căn bệnh này đối với sức khỏe tâm thần của con người - cho biết: “Thật không may, những người bị nhiễm COVID-19 có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần rất cao”.

Bác sĩ tâm lý đã kê cho Keller Wood một loại thuốc ổn định tâm trạng. “Loại thuốc này đã giúp tôi rất nhiều”, cô cho biết.

Keller Wood cũng kết nối với một thành viên của nhóm hỗ trợ những người sống sót sau khi bị nhiễm COVID-19. Người này đã khuyên cô dùng thử Pepcid và Zyrtec - các loại thuốc không cần toa của bác sĩ, mà một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có thể giúp chữa một số triệu chứng của COVID-19. Cô cho biết, các loại thuốc này đã giúp cô giảm bớt tình trạng sương mù não.

“Nếu tôi cảm thấy sức khỏe mình được cải thiện và có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, tôi nghĩ mình sẽ vẫn lạc quan trong hiện tại, nhưng tôi không biết cuộc sống của mình sẽ như thế nào trong 10 năm tới”, cô chia sẻ.

Một thách thức khác mà những bệnh nhân COVID-19 như Wood phải đối mặt là tình trạng thiếu bác sĩ trị liệu và bác sĩ tâm thần. 

Theo dữ liệu của Kaiser Family Foundation, hơn 1/4 dân số Mỹ hiện đang sống trong những khu vực thiếu người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

“Để giải quyết sự gia tăng của các vấn đề sức khỏe tâm thần, chúng ta cần phải sáng tạo. Điều đó có nghĩa là hệ thống chăm sóc sức khỏe cần lập ra các nhóm hỗ trợ và nhân viên xã hội, để tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Và chính phủ phải làm nhiều hơn nữa”, tiến sĩ Aly nói.

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI