Hành trình “di cư ngược” trong đại dịch

01/06/2021 - 05:57

PNO - Do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 thứ tư, nhiều hàng quán ở TPHCM phải chuyển hình thức kinh doanh, dừng hoạt động. Nhiều lao động tự do đang tìm cách bám trụ, xoay xở công việc ở thời điểm khó khăn. Cuộc sống ở thành thị trở nên chật vật, họ bắt đầu hành trình “di cư ngược”…

Chuyển nghề, mong dịch sớm qua

Sáng 23/5, các quán ăn trên đường Cao Thắng (Q.10, TPHCM ) đồng loạt treo biển ngưng phục vụ tại chỗ để phòng, chống dịch. Cùng với việc thay đổi hình thức kinh doanh, chủ các quán ăn buộc phải cắt giảm lao động để đảm bảo doanh thu. Ở góc đường gần đó, Nguyễn Văn Thành (23 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) đang nằm dài trên yên xe máy nghỉ mệt, chờ khách. Thành tốt nghiệp cao đẳng kế toán năm 2020, ra trường chưa tìm được việc làm nên chạy xe ôm công nghệ để kiếm tiền trang trải trong lúc đi xin việc. 

Trong làn sóng dịch thứ tư, nhiều người không bám trụ ở thành phố mưu sinh được phải về quê ẢNH: ĐỖ MINH
Trong làn sóng dịch thứ tư, nhiều người không bám trụ ở thành phố mưu sinh được phải về quê - Ảnh: Đỗ Minh

Trước tết, thấy việc chạy xe ôm đêm hôm nguy hiểm, Thành xin làm phục vụ ca tối tại một quán ăn trên đường Cao Thắng. Đợt dịch thứ tư bùng phát, quán ăn của Thành cắt giảm ba lao động, chỉ còn giữ lại đầu bếp và một người phục vụ. “Hai bạn kia về quê rồi, em chẳng biết làm gì nên quay lại chạy xe ôm. Chắc tình hình dịch bệnh ổn, quán sẽ nhận lại. Em ráng bám trụ ở TPHCM . Nếu dịch kéo dài em cũng phải về quê”, Thành chia sẻ.

Dịch COVID-19 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm, đồng thời khiến nhiều người trong số họ buộc phải trở thành lao động có việc làm phi chính thức.

Là đầu bếp của một nhà hàng ở TPHCM , mức thu nhập hằng tháng của chị Kim Ngân trước đây hơn 15 triệu đồng. Bất ngờ xảy ra dịch, chị lâm vào cảnh thất nghiệp đã hơn một năm nay. Trợ cấp thất nghiệp và đồng lương ít ỏi của chồng không đủ nuôi sống cả gia đình trong thời gian dài, chị Ngân buộc phải xin làm bếp theo ca cho một quán nhậu nhỏ với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Thời gian rảnh rỗi ban ngày, chị chế biến các món ăn vặt rồi rao bán trong một nhóm chung cư gần nhà. “Dịch bệnh, rất nhiều người mất việc. Tôi phải xoay xở đủ cách mới mong duy trì được cuộc sống”, chị Kim Ngân cho hay. 

Khoảng một tháng nay, xóm vé số quanh chợ An Đông (Q.5, TPHCM ) có thêm nhiều thành viên mới. Người bán tăng, nhưng lượng mua giảm mạnh. Nhiều người đang gắng gượng, chờ hết dịch. Nếu đợt dịch này kéo dài, sức mua ì ạch, nhiều đại lý vé số sẽ không trụ nổi. Họ buộc phải giảm mức hỗ trợ (ngoài hoa hồng) đối với người bán.

Ông Hà Nguyên (46 tuổi, quê ở tỉnh Bình Thuận) cho biết, ông bị mù bẩm sinh, có tay nghề làm mát-xa tám năm. Công việc này cho ông mức thu nhập trên sáu triệu đồng mỗi tháng. Do dịch COVID-19, lượng khách giảm 80%. Nhiều thời điểm, dịch vụ mát-xa phải dừng hoạt động nên ông bị thất nghiệp. “Tôi chuyển qua bán vé số từ cuối tháng 2/2021. Lúc mới vào nghề, mỗi ngày bán được 150-200 tờ. Mấy ngày qua, dịch bùng phát, có ngày tôi chỉ bán được 50 tờ. Bán vé số chỉ là công việc tạm thời, tôi cầu mong hết dịch để đi làm nghề cũ trở lại”, ông Nguyên chia sẻ.

Bà Huỳnh Thị Lệ (quê ở tỉnh Phú Yên, tạm trú Q.6, TPHCM ) cho biết, người bán vé số đa phần có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật… Do ảnh hưởng dịch bệnh, sức mua giảm mạnh, có thời điểm người bán giảm 50% thu nhập. Tuy nhiên, do đã gắn bó với nghề này lâu năm nên người bán vẫn gắng gượng, bám trụ ở TPHCM mưu sinh. 

“Tôi đã gắn bó với nghề vé số nhiều năm, giờ chuyển nghề cũng không biết làm gì, về quê càng khó. Tụi tôi chuẩn bị tâm lý rồi, nếu vé số dừng phát hành như năm ngoái sẽ ra ngoài kiếm việc liền. Những ngày này, người bán vé số chúng tôi đùm bọc nhau mà sống, mong cho dịch sớm qua để bán bình thường trở lại”, chị Lệ nói.

Theo Hội Người mù TPHCM , hiện nay, đơn vị có khoảng 1.500 hội viên. Các hội viên khiếm thị đa số hành nghề mát-xa, bán vé số. Do tình hình dịch, đa số hội viên bị giảm thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống. Thời gian qua, các đơn vị chức năng đã quan tâm, có chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đời sống hội viên cũng còn nhiều khó khăn. 

Những cuộc “di cư ngược”

Rời quê, đến thành thị tìm sinh kế những năm gần đây đã trở thành một làn sóng. Khi xảy ra đại dịch COVID-19, thành thị không còn là nơi dễ mưu sinh. Mưu sinh ở thành thị đã và đang trở nên chật vật hơn. Trong bối cảnh này, nhiều người đã chọn cách rời thành thị, trở lại quê nhà, như một hành trình “di cư ngược”.

Dịch COVID-19 khiến những người mưu sinh bằng nghề bán vé số, hàng rong gặp khó khăn, không ít người đã bỏ phố về quê - Ảnh: Đỗ Minh
Dịch COVID-19 khiến những người mưu sinh bằng nghề bán vé số, hàng rong gặp khó khăn, không ít người đã bỏ phố về quê - Ảnh: Đỗ Minh

Những ngày qua, hẻm hủ tíu 666 đường Ba Tháng Hai, P.14, Q.10, vắng vẻ khác thường. Cách đây hơn 30 năm, nhiều người dân Quảng Ngãi đã rời quê đến con hẻm này tá túc, đóng xe hủ tíu gõ để mưu sinh. Lâu dần, nhiều người làm nghề bán hủ tíu đã đến thuê nhà ở khu vực này nên nhiều người gọi đây là hẻm hủ tíu. Ông Tạ Văn Ngọt (52 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, từ trưa 24/5, ông và nhiều “đồng nghiệp” đã dọn đồ đạc về quê. Từ 0 giờ ngày 22/5, tại TPHCM , hàng quán lề đường chỉ bán mang đi, không phục vụ khách tại chỗ. Trước đó, do ảnh hưởng của dịch, việc buôn bán ở các quán ăn lề đường đã trở nên rất khó khăn, thu nhập giảm đi rất nhiều.

Ông Ngọt cho biết: “Nếu chỉ bán cho người mua mang đi thì thu nhập không đủ để vợ chồng tôi trang trải hằng tháng ở TPHCM . Chi phí sinh hoạt ở quê cũng nhẹ hơn thành phố rất nhiều. Hơn nữa, nơi tôi sinh sống cũng chưa có ca bệnh hay F1 nào nên tôi quyết định về quê. Khi về đến nhà, tôi khai báo y tế rõ ràng để không ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Khi nào dịch bệnh lắng xuống, tôi sẽ vào buôn bán trở lại”.

Theo thống kê của UBND xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, toàn địa phương có khoảng 46% dân số rời quê mưu sinh. Con số này tương đương với khoảng gần 7.500 người. Người dân ở Phổ Cường đa số mưu sinh bằng nghề hủ tíu ở các thành phố lớn như: Đà Nẵng, TPHCM . Công việc này cho thu nhập ổn định, nhiều người nhờ vào công việc này đã về quê xây nhà, đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Dịch bùng phát, việc mưu sinh trở nên khó khăn nên nhiều người đã chọn bỏ phố về quê tránh dịch. Trong đợt nghỉ lễ 30/4, nhiều người làm nghề bán hủ tíu ở Đà Nẵng về quê nghỉ lễ. Sau đó, dịch xảy ra ở Đà Nẵng, những người này phải ở lại quê tới nay. Còn người bán hủ tíu ở TPHCM , từ sau ngày 22/5, nhiều người đã về quê vì buôn bán khó khăn. Trước đó, không ít người vì ảnh hưởng dịch nên đã về quê chuyển nghề.

Ông Trần Xét (ở xã Phổ Cường) cho biết, ông có hơn 20 năm bươn chải với nghề hủ tíu ở các tỉnh, thành phía Nam. Năm 2020, dịch bùng phát, ông quyết định về quê sinh sống. Nhưng, để kiếm công việc ở quê không dễ. Ông Trần Xét bộc bạch: “Tôi đã lớn tuổi, làm công việc nặng nhọc như phụ hồ thì không nổi nữa. Về quê mưu sinh cũng là bài toán khó khăn chứ không đơn giản như nhiều người nghĩ”. 

Ông Bùi Văn Chuyên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phổ Cường cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người dân ở Phổ Cường không thể làm ăn ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, phần lớn người dân cũng chỉ ở quê tạm thời, chờ qua dịch, họ sẽ tiếp tục vào các thành phố lớn mưu sinh. Ông Chuyên nói thêm: “Người dân xa quê mưu sinh bằng nghề hủ tíu đã nhiều năm, có tích lũy, cuộc sống lâu nay đã ổn định. Về quê không có thu nhập, nhưng mức sống không cao như ở thành phố. Họ có thể sử dụng số tiền tích lũy để chi tiêu, chờ qua dịch. Chỉ mong dịch bệnh sớm kết thúc để người dân trở lại làm ăn như trước kia”.

Trong cả năm 2020, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam, số lao động có việc làm phi chính thức là 20,3 triệu người; tăng 119,1 ngàn người. Tình trạng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng cao trong năm 2020 trái ngược với xu thế giảm tỷ lệ này trong những năm gần đây. 

Trong giai đoạn 2016-2019, bình quân lao động chính thức tăng 5,6%/năm, lao động phi chính thức tăng 3,6%/năm. Tốc độ tăng lao động chính thức cao gấp 1,6 lần tốc độ tăng lao động phi chính thức kéo theo tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức giảm dần qua các năm. 

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 trong năm 2020 đã khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải chống đỡ bằng nhiều biện pháp trong đó có cả biện pháp giảm lao động, tuyển dụng lao động thời vụ, lao động tạm thời để duy trì hoạt động. Điều này làm số lao động chính thức giảm và số lao động phi chính thức tăng dẫn đến tình trạng tăng trở lại tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức trong năm 2020 sau nhiều năm liên tục giảm.

Rõ ràng, đại dịch đã tước đi cơ hội có việc làm chính thức của người lao động, khiến một phần trong số họ không tìm được việc làm mới, một số khác phải chuyển sang làm các công việc phi chính thức không ổn định, thiếu bền vững.

Nhóm phóng viên

 


 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI