Hành trình của những cô đỡ thôn bản: Một ca đỡ chưa tròn

12/05/2017 - 11:30

PNO - Tôi quay về TP.HCM tìm người phụ nữ thường xuyên được nhắc đến trong lời kể của các cô đỡ ở những buôn bản xa xôi - BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên Giám đốc BV Từ Dũ).

Bác sĩ Phượng là người đã lặng lẽ thai nghén và sinh ra đội ngũ "cô đỡ thôn bản” như một phương án để cải thiện sức khỏe sinh sản vùng cao; mới hay bản thân sự ra đời của mô hình này cũng là một cuộc "vượt cạn" ngặt nghèo.

Hanh trinh cua nhung co do thon ban: Mot ca do chua tron

Xuất phát điểm “kinh hồn”

Tiếp tôi sau một phiên làm việc căng thẳng về vụ kiện chất độc da cam với đoàn luật sư người Mỹ, nhưng vừa nghe nhắc chuyện “cô đỡ thôn bản” là BS Phượng như được phục hồi ngay lại năng lượng.

Đây là một giai đoạn cam go trong đời làm việc của bà, mà đến tận 20 năm sau, người cán bộ nghỉ hưu đã 12 năm ấy vẫn trằn trọc không yên về “đứa con” mình đã “sinh” ra mà không thể “dưỡng” được nó cho tròn vẹn.

Thời điểm này, BS Phượng được chứng kiến những ca tử vong mẹ liên tục suốt một tháng nghỉ đêm ở BV Đăk Lăk.

Sau đó, đi đến tỉnh nào bà cũng đề nghị được vào thăm những vùng sâu nhất - những nơi chốn mà người ngoài muốn tiếp cận phải lội bộ hàng cây số, hoặc phải ngồi sau một người đàn ông bản địa, trên chiếc xe gắn máy có buộc dây xích vào bánh xe, đi xuyên qua những hàng cây ngút mắt. Cứ thế, bà tiếp tục phải chứng kiến bao cảnh sinh nở đau lòng. 

Một lần, đến xã Đak Nhau (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) lúc trời sập tối, nơi này đã đón bà bằng đám tang một sản phụ 30 tuổi, chết vì sinh con. Lặng người nhìn sáu đứa trẻ nheo nhóc bâu quanh quan tài mẹ, bà còn được nghe người bạn đồng hành là Nguyễn Thị Đào (khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước) buồn bã cho biết: “Chuyện này ở đây nhiều lắm chị”.

Chính khoảnh khắc nhìn những đứa trẻ lem luốc ngơ ngác trước cái chết của mẹ, BS Phượng đã xác định quyết tâm hành động. Ở vị trí của người chỉ đạo chuyên môn về sản khoa của phía Nam (các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào), bà tin tưởng sự ra đời của đội ngũ cô đỡ thôn bản sẽ là giải pháp tối ưu để cải thiện nhận thức người dân và đưa được dịch vụ y tế đến các vùng sâu.

Nhưng khi đó, mỗi buôn làng đang có một cán bộ y tế, mỗi xã có một trạm y tế; nên muốn phát triển thêm một “cô đỡ” ở mỗi thôn bản buộc phải triển khai theo một tiêu chí khác. Nếu chọn chính những người phụ nữ trong làng để tăng hiệu quả tiếp cận cộng đồng thì vấp ngay một thử thách nan giải là hầu hết phụ nữ người dân tộc thiểu số ở vùng sâu đều ít học, thậm chí không biết chữ.

Giả sử chọn được ở mỗi buôn làng một phụ nữ biết chữ, thì việc vận động họ rời buôn làng, tập trung xuống BV Từ Dũ để học suốt sáu tháng lại càng là một dự định viển vông. BS Phượng còn nhớ, mỗi đợt khai giảng khóa học, lúc chờ đón xe đưa cô đỡ thôn bản xuống nhập học, bà lại nghe các trưởng đoàn liên tục gọi điện báo tin “các cô đòi bỏ về”, phải trấn an họ bằng “cam kết”: “Cứ động viên các em xuống đây với cô Phượng đã”. 

“Xuống với cô Phượng”, những phụ nữ trẻ lần đầu ra khỏi buôn làng ngơ ngác trước mọi thứ. “Cô Phượng” đón đoàn, trực tiếp đưa các cô đỡ vào phòng nội trú đã được chuẩn bị sẵn ngay trong BV. Được phân công chăm sóc từ phòng ốc, sinh hoạt cho đến… giải đáp thắc mắc cho các cô đỡ từ những ngày đầu của chương trình, chị Lũy - nữ hộ lý BV Từ Dũ đã trải bao khóc cười.

Cứ mỗi đợt đào tạo, khi các cô đỡ nhận phòng xong là chị Lũy phải dẫn các cô qua siêu thị gần đó để mua mì gói và các vật dụng cá nhân. Khẩu phần ăn ở buôn làng nhiều hơn bình thường, nên mỗi phòng sáu cô được phát thêm một thùng mì gói. Buổi đầu, chị Lũy phải hướng dẫn các cô cách pha mì, cách chia bữa, ăn dặm giữa những bữa chính ở BV để không bị đói. Những “lần đầu tiên đi siêu thị” ấy cũng là lần đầu họ biết đến miếng băng vệ sinh, “cái quần xì líp”, chị Lũy lại phải dạy cả cách sử dụng...

Sinh hoạt hàng ngày đã vậy, việc học càng… “kinh hồn”. Tiêu chí đầu vào là “biết đọc biết viết” nhưng phần lớn các cô chỉ biết nói tiếng Kinh ở mức nghe hiểu những thông tin đơn giản. Ngay từ buổi học đầu tiên, các cô giáo đã… bàng hoàng khi học viên cứ “đứng hình” trước câu hỏi tên, tuổi bằng tiếng Kinh. Giao tiếp không thành, buổi học phải… dạy cách nói, cách trả lời bằng những từ đơn giản.

May nhờ sống trong môi trường người Kinh 24/24 nên giai đoạn học tiếng cũng qua nhanh với các cô đỡ, dù những giờ học tiếp theo vẫn phải dọ dẫm từng bước như đi trong rừng rậm. Nhắc lại những ngày đầu ấy, BS Phượng chỉ biết cười, buông ra hai chữ: “Kinh hồn!”.

Có khi, đang được dạy về cách nhận biết cơn sốt ở trẻ, nghe hướng dẫn cách sử dụng ống thủy kẹp nhiệt, cả lớp nhao nhao: “Ống thủy kẹp nhiệt là gì?”. Giải thích công dụng, phát ống thủy về từng bàn cho các cô xem xong, giáo viên giảng tiếp đến phương pháp đưa ống thủy vào hậu môn trẻ, học viên lại ngơ ngác… “hậu môn là gì?”. Mọi khái niệm bình thường nhất hóa ra có thể rất xa lạ với các học viên. 

Vừa học lý thuyết, vừa tham gia thực hành ngay tại phòng sinh của BV, kiến thức sản khoa dần trở nên quen thuộc với các cô đỡ, nhưng cứ đến khóa học mới là “những ngày đầu kinh hồn” ấy lại tái diễn.

Sinh dưỡng bằng... tiền từ thiện

Từ những ngày thai nghén ý tưởng chương trình này, BS Phượng đã có “tham vọng” nhân rộng, thực hiện chuyên nghiệp và đồng bộ mô hình cô đỡ thôn bản trên cả nước. Nhưng sau khi “ra đời”, hoạt động hiệu quả rõ rệt, suốt 16 năm sau mô hình này vẫn không được Bộ Y tế công nhận. BS Phượng và các cộng sự phải tìm mọi cách nuôi dưỡng “đứa con vô thừa nhận” này.

Nói đến kinh phí của chương trình, giọng BS Phượng như lạc đi: “Tụi nhỏ cực quá mà nhà nước không hỗ trợ”. Suốt 20 năm, mọi kinh phí hoạt động từ đào tạo, di chuyển, lưu trú cho học viên, trang bị dụng cụ, tổ chức mạng lưới hoạt động, trả phụ cấp… đều lấy từ tiền từ thiện.

Được Đảng ủy BV Từ Dũ thông qua, những lớp học đầu tiên đã hình thành và duy trì bằng tiền đóng góp của Mạnh Thường Quân. BV thường xuyên đón các đoàn từ thiện đến thăm, tiếp đoàn nào BS Phượng cũng mở lời xin hỗ trợ. Cả cán bộ, nhân viên BV Từ Dũ cũng tình nguyện đóng góp hàng tháng một vài ngày lương cho chương trình. Phụ cấp của các cô đỡ giai đoạn đó được tính bằng chính hiệu quả công việc của từng cô. Mỗi hoạt động đều được các cô báo cáo trạm y tế xã.

Mỗi lần đưa được bệnh nhân đến trung tâm y tế cô đỡ được trả 50.000đ, mỗi lần đỡ đẻ thành công cũng được 50.000đ. Hoạt động được một thời gian, BS Phượng kết nối với một tổ chức vì cộng đồng của Úc, xin mỗi đợt vài ngàn bộ đẻ sạch gồm kẹp rốn, hai tấm ni lông, khăn lau bé, đồ cắt rốn tiệt trùng để trang bị cho các cô đỡ. 

Hoạt động tự túc suốt một thời gian dài, mọi nỗ lực của chương trình còn hướng đến mục tiêu: “Được Bộ Y tế công nhận”. Nhưng, khi chưa được công nhận, công việc của các cô đỡ vẫn kèm nỗi lo: “Lỡ các em làm việc gặp trục trặc gì, cô Phượng phải gánh hết”.

BS Phượng thừa nhận, đó thật sự là nỗi lo của bà trong suốt chừng ấy năm trời. Dù trong các giờ học, người hướng dẫn luôn nhắc đi nhắc lại công việc chính của một cô đỡ thôn bản là “tuyên truyền để người dân có ý thức tiếp cận dịch vụ y tế, thăm khám và hỗ trợ đưa sản phụ đến trạm y tế, đỡ đẻ chỉ là biện pháp chẳng đặng đừng khi gặp ca đẻ rơi”.

Lớp học cũng dặn dò kỹ là các cô đỡ không được nhận tiền của người dân để tránh trường hợp tự ý lưu bệnh. Tuy nhiên, gần như mọi ca sinh nở mà các cô đỡ thực hiện sau này đều rơi vào tình trạng “đẻ rơi” vì không còn thời gian để di chuyển đến BV. Trong những tình huống ấy, nếu xảy ra tai biến thì mọi lý lẽ về sau đều cay đắng, oan nghiệt.

“Cũng may trời thương nên 20 năm qua, các em không để xảy ra một ca tai biến nào”, BS Phượng nhẹ nhõm. Trong một lần gặp nhau, BS Phượng từng nghe giáo sư Đỗ Nguyên Phương (khi đó đang là Bộ trưởng Bộ Y tế) trách vui: “Chị Ba khó quá! Sao chị không cho tụi nhỏ lấy quà của dân?”.

Hỏi ra mới biết, trong một lần tiếp xúc cử tri ở tỉnh Bình Phước, gặp mấy cô đỡ, giáo sư Phương được nghe các cô thật thà cho biết: “Đi đỡ đẻ cũng có được người ta cho củ khoai, con gà nhưng cô Phượng dặn không được lấy. Cô Phượng có cho con tiền rồi. Con không lấy của người ta nữa đâu”. BS Phượng cười: “Tiền là tiền của chương trình, mà tụi nhỏ cứ nói là tiền của cô Phượng”.

Sau nhiều năm hoạt động, thành công của chương trình cô đỡ thôn bản gây được chú ý trong giới hoạt động xã hội thế giới. Năm 2013, sau thực hiện thẩm tra độc lập ở từng địa bàn bằng cách kiểm tra hiệu quả làm việc của các cô đỡ, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc đã quyết định tài trợ cho chương trình.

Tháng 4/2013, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc triển khai thông tư 07 (phê duyệt ngày 8/3/2013), quy định tiêu chuẩn, chức năng và nhiệm vụ của cán bộ y tế thôn bản. “Cô đỡ thôn bản” trở thành một chức danh chính thức trong ngành y, chương trình được nhân rộng ra các tỉnh phía Bắc. Thế nhưng, tận bốn năm sau ngày “tham vọng” trở thành hiện thực, phần lớn các cô đỡ thôn bản vẫn không được nhận phụ cấp, khiến nhiệt tình của họ như vẫn chìm khuất giữa non cao. 

Tôi nói vui với BS Phượng: “Chương trình cô đỡ thôn bản có lẽ là ca đỡ đẻ lớn nhất đời chị?”. BS Phượng cười buồn: “Chỉ sợ tui không đủ sức để theo nó nữa. Chừng nào tụi nhỏ còn chưa có được phụ cấp ổn định thì ca đỡ này vẫn chưa toàn vẹn”.

Địa phương còn thiếu quan tâm 

Thống kê năm 2016 cho thấy, trong tổng số 2.331 cô đỡ thôn bản được đào tạo, có đến 905 người chưa được hưởng trợ cấp (hơn 38,8%). Ông Đinh Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) cho rằng, dẫn tới tình trạng này, ngoài vấn đề kinh phí eo hẹp, còn do sự thiếu quan tâm của địa phương đối với chương trình.

Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương đảm bảo phụ cấp của cô đỡ thôn bản nhưng đến nay chỉ có ba tỉnh chính thức phê duyệt chế độ phụ cấp cho cô đỡ thôn bản là Lai Châu, Điện Biên, Ninh Thuận. Thống kê năm 2016 cho thấy, cả nước có 2.331 cô đỡ thôn bản được đào tạo từ sáu tháng trở lên, trong đó có 905 người chưa được hưởng phụ cấp, nhiều người không chịu đựng nổi khó khăn đã phải bỏ nghề. 

Rõ ràng, nếu tiếp tục không có ngân sách, thì số người bỏ nghề chắc chắn còn tiếp tục gia tăng. Đây là điều rất đáng tiếc vì bên cạnh chi phí đào tạo cô đỡ thôn bản, chúng ta còn mất đi một nguồn nhân lực đang đóng góp lớn vào việc đảm bảo sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở các vùng khó khăn. 

H. Anh

 Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI