Hành trình của những cô đỡ thôn bản - Nghịch lý ở miền ngược

09/05/2017 - 11:57

PNO - Núi rừng thâm u, đường đèo hiểm trở như bó chặt nhiều cộng đồng người miền cao trong nếp sống sơ khai,đầy rẫy hủ tục - mà chuyện sinh nở của phụ nữ thật sự là một trong những nỗi đau giữa thời hiện đại.

Nhưng, ngay cả khi tìm được giải pháp để hóa giải phần nào, thì chính giải pháp ấy lại như đang vận hành trên một nghịch lý khác…

Bài 1: Sản phụ trên non

Hanh trinh cua nhung co do thon ban - Nghich ly o mien nguoc
Phần lớn bệnh nhân của chị Tuyết không biết chữ, phải “ký tên” bằng dấu tay

Djen chuyển dạ. Cơn quặn thắt từ buổi chiều dần trở nên dữ dội. Bộ quần áo lao động đi rẫy về còn chưa kịp thay. Djen chỉ kịp cởi áo khoác, lùa hết mớ áo quần vắt ở mép giường xuống, gò mình ôm chặt lấy thành giường. Vừa về đến hiên đã nghe tiếng kêu vọng từ nhà Djen, cha cô chạy ngay sang. Djen đang oằn mình dưới sàn, tay bíu chặt thành giường. Ông vứt cái rựa, chạy vọt ra sau nhà, bắc ngay một nồi nước.

Cuống cuồng hỏi han nhưng chẳng chờ Djen trả lời, ông sấp ngửa chuẩn bị mớ quần áo cũ, thau nước, rồi ngó tới ngó lui, lại xách cái rựa ra chặt phứt một đoạn lồ ô bén ngót. Như một bà mụ lành nghề, ông quay vào nhà, vừa dỗ dành vừa dùng sức gỡ tay Djen khỏi thành giường, đặt con quỳ cho “đúng tư thế”. Hai cha con đã sẵn sàng cho thời khắc lâm bồn.

“Không đẻ ở viện đâu, xấu hổ lắm!”

Đoạn lồ ô là để cắt rốn. Áo quần cũ vừa làm “khăn” vệ sinh cho mẹ, vừa làm khăn tắm cho con. Mẹ ruột và chị Djen lấp xấp chạy sang, hỏi thăm cha Djen mấy câu, rồi đứng ngoài hiên chờ. “Sinh đẻ là chuyện dơ dáy”. Trong buồng, Djen chỉ được quỳ dưới sàn, rặn theo tiếng hô của cha. Nồi nước chưa kịp sôi là đứa trẻ đã ra đời. Tàn cuộc, “người thân” bên ngoài được vào, tắm cho đứa bé. Sản phụ gượng đứng dậy, đi thẳng ra sau nhà, dội nước xối xả, tắm một trận hậu sản trước khi vào ẵm con. 

Chuyến này sinh vào chạng vạng, Djen được cả một đêm để nghỉ ngơi, sáng mai còn kịp gùi đồ, theo chồng lên rẫy. 33 tuổi, Djen từng sinh bốn đứa con, cũng từng chứng kiến chị gái sinh năm đứa cháu. Trình tự sinh một đứa trẻ tại nhà của người Bana ở làng Kon Mahar (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) là vậy. Trong số con cháu trong gia đình Djen, hết tám đứa là được ra đời nhờ bàn tay của ông nội (gọi cha ruột của mẹ theo cách xưng hô của văn hóa mẫu hệ). 

Hanh trinh cua nhung co do thon ban - Nghich ly o mien nguoc
Những đứa con của Hchi (bìa trái) đều được sinh tại nhà.

Đang trực ở Phòng khám khu vực xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, Gia Lai, chị Lương Thị Thúy Tuyết, Phó phòng khám, thấy một người đàn ông hớt hải chạy vào, nói một mạch: “Tuyết ơi, Tuyết cứu nhà mình! Vợ mình chuyển dạ hai ngày hai đêm rồi. Cúng Giàng rồi mà vẫn không đẻ được!”. Tuyết chụp vội túi dụng cụ y khoa, leo lên xe người đàn ông. 

Đi năm đồng bảy đỗi, tay khư khư ôm túi dụng cụ, chiếc nón bảo hiểm trật sang một bên, rồi rớt hẳn xuống đường, lăn sang con dốc bên kia, mặc kệ. Đi khoảng một giờ thì đến căn nhà đang rình rang tế lễ. Lễ vật là ba con gà trống, ba ché rượu. Bên ngoài già làng, thầy cúng hành lễ, bên trong bà mụ và thai phụ xoay xở đủ cách. Không khí căng như dây đàn. 

Tuyết chạy thẳng vào bên trong. Thai phụ đang quỳ dưới sàn, mặt trắng nhợt không còn sinh khí. Hỏi vài câu không thấy đáp, Tuyết đổi ngôn ngữ, hỏi mấy câu bằng tiếng Bana, vẫn im lặng. Người nhà đứng gần nhao nhao “trình báo”: “Nó mệt quá, nằm hết một buổi, mới quỳ dậy sinh tiếp đó”. Tuyết cho người đỡ thai phụ nằm xuống. Vừa khám, Tuyết vừa nhắc đi nhắc lại bằng tiếng Bana: “Phải nằm, sinh con thì phải nằm trên giường sạch, không được quỳ dưới sàn!”.

Ngay lúc đó, Tuyết điếng người khi thấy cái chân tím ngắt của đứa trẻ thò ra. Thai ngôi ngược, không thể sinh tại nhà. Đường quá xa, lại dằn xóc. Thai phụ đã kiệt sức, hô hấp kém. Đứa trẻ trong tình trạng “nửa trong nửa ngoài” đã gần hai ngày. Thời gian chỉ còn tính bằng phút. Một giờ sau, đứa trẻ chào đời, toàn thân tím tái, mắt nhắm nghiền, hô hấp yếu ớt.

Không kịp lau người bé, Tuyết kê miệng hô hấp nhân tạo. Cuối cùng, đứa trẻ thở hắt ra một hơi như sặc, bật lên tiếng khóc. Trên giường, sản phụ đang nằm mê mệt cũng nhoẻn cười. Cả gia đình gần chục người đang đứng quanh chợt quỳ sụp xuống, vừa lạy Tuyết, vừa khóc. Sản phụ vừa thoát cửa tử này từng sinh bốn đứa con, gia đình cũng đã gần hai chục đứa cháu; nhưng đó là lần đầu tiên họ đến bệnh viện (BV).

Ở các huyện thuộc Đăk Lăk, Gia Lai, mỗi phụ nữ 30 tuổi đã có khoảng bốn-năm đứa con; lớn tuổi hơn, có thể có đến bảy-tám con nhưng mọi chuyện chỉ “diễn ra giữa núi rừng”. Họ chuyển dạ ở đâu sinh con ở đó, đứa trẻ may mắn thì được sinh ở nhà, có mụ vườn hoặc người nhà đỡ đẻ. “Bất tiện” hơn là những thai phụ chuyển dạ ngay khi đang làm việc, người mẹ phải tự xoay xở cho đứa trẻ chào đời giữa rẫy, hoặc bên vệ đường. 

Công tác hơn 20 năm ở Kon Thụp, nhưng chỉ vài năm trở lại đây, chị Tuyết mới bắt đầu thấy người dân chủ động đến phòng khám để sinh con. Suốt bốn năm làm nữ hộ sinh duy nhất ở Trạm y tế xã Hà Đông, huyện Đak Đoa, chị Trương Thanh Thúy cũng chỉ tiếp nhận… hai ca sinh tại trạm. Tủ đựng hồ sơ của chị có sẵn tấm bảng ghi “Thúy xuống buôn cấp cứu sản phụ” để “có biến” là cắm ngay vào vị trí trực ban, rồi chạy đi.

Văn hóa buôn làng bao đời đã quen nhìn “một đứa trẻ phải chào đời trong buôn làng”, xem sinh nở là chuyện kín đáo, dơ dáy; việc đến bệnh viện sinh con là rất “đáng sợ”. Hỏi Ami Hchi - một phụ nữ 24 tuổi, đã có hai con (buôn Eatieu, xã Eatieu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk) về lựa chọn nơi sinh đứa con tiếp theo, cô trả lời bằng tiếng Kinh lơ lớ: “Không đẻ ở viện đâu, xấu hổ lắm! Đẻ ở nhà rồi còn đi rẫy phụ nó!” (“nó” là chồng cô).  

Trăm nỗi xa xôi

Trong một chuyến công tác Tây Nguyên khi còn là Giám đốc BV Từ Dũ, tại BV Đa khoa tỉnh Đăk Lăk, BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã chứng kiến cảnh một sản phụ qua đời. Đó không phải chuyện hiếm. Có người tử vong trên đường đi, có người đến được BV mới trút hơi thở cuối cùng. Tất cả đều khoảng 23, 24 tuổi, chết vì sinh con.

“Quy trình của cái chết” đa phần dài dặc mà oan nghiệt: chuyển dạ khoảng hai ngày hai đêm ở nhà, cúng Giàng đủ các cấp độ, đưa lên trạm y tế xã, ra huyện, rồi mới đến BV tỉnh ở Buôn Ma Thuột. Mỗi đoạn đường là một chặng cùng cực gian nan, vì cách trở cả địa lý lẫn hủ tục, vì phương tiện, vì… trăm nỗi xa xôi. Nhưng, đó không phải chuyện riêng của Đăk Lăk. 

Khi anh Mạc Văn Thắng - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Gia Lai giới thiệu những địa bàn còn khó khăn trong vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân, tôi chọn đến thăm xã Hà Đông, huyện Đak Đoa - một huyện giáp với TP.Pleiku. Đường đến Đak Đoa chỉ khoảng 20km, nhưng Hà Đông lại nằm cuối tuyến tỉnh lộ 671, cách trung tâm huyện hơn 50km đường núi. Con đường dài chập chùng núi đồi, gần như không thấy người qua lại. 

Chạng vạng hôm ấy, Hà Đông mưa xối xả. Được chị Thúy - nữ hộ sinh trạm y tế xã quá giang về huyện, tôi có bạn đồng hành ở lượt về trắng xóa nước mưa, tơi bời gió thốc. Chị Thúy vừa chỉ đường, vừa cố nói to trong tiếng mưa gió ầm ào: “Mưa trái mùa em ạ! Vào mùa mưa còn kinh nữa!”.

Chị 30 tuổi, cách đây bốn năm từng bật khóc trên đường nhận công tác vì đường quá xa xôi, không một bóng người, nhưng giờ lại kiên quyết bám trụ Hà Đông, vì… “thương người dân quá!”. Trạm y tế ở ngay trung tâm xã nhưng đi đâu cũng… xa, vì nơi gần nhất cũng cách đến hai con dốc và dăm ba ngõ ngoằn ngoèo. 

Nhưng, đó mới chỉ là “xã xa nhất của huyện gần nhất” ở một tỉnh có 17 huyện thị, 222 xã phường, xã xa nhất cách trung tâm… 220km; BV tỉnh càng thăm thẳm đường dài. Về công tác ở Gia Lai từ 1992, theo anh Mạc Văn Thắng, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản ở tỉnh đã cải thiện rõ sau 25 năm, nhưng có những điều phải thẳng thắn thừa nhận là “chưa thể khắc phục”. 

“Vậy đã là đỡ lắm rồi”, người đứng đầu các đơn vị chăm sóc sức khỏe sinh sản “đánh dấu” bước chuyển biến của vấn đề, bằng cột mốc “từ khi có cô đỡ thôn bản”.

Gần 70% sản phụ sinh tại nhà, nhiều trẻ bị uốn ván tử vong

Tầm tháng Sáu, khi mùa mưa bắt đầu ở Tây Nguyên, nhiều đoạn đường ngập hàng tháng trời, nhiều địa bàn hoàn toàn bị cách ly. Sản phụ sinh con vào tháng mưa ở những vùng sâu nếu gặp bất trắc, thì xem như… định mệnh. Đến giờ, tỷ lệ sinh tại nhà ở Gia Lai vẫn ở mức gần 70%. Tính chất địa bàn có phần ít ngặt nghèo hơn, nhưng tỉnh Đăk Lăk vẫn còn tỷ lệ tai biến sản khoa cao. Năm 2016, Đăk Lăk có 151 ca tai biến sản khoa, trong đó có tám ca tử vong mẹ. 

Theo chị Nguyễn Thị Hoa - Phó giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Đăk Lăk, chỉ từ giữa tháng 12/2016 đến tháng 2/2017, tỉnh có bốn ca uốn ván rốn do thai phụ không tiêm ngừa, lại cắt rốn bằng dao lam khi sinh tại nhà. Những ca uốn ván sơ sinh liên tiếp khiến những người làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản thật sự đắng lòng, vì thời đại này, uốn ván rốn đã được xem như bị đẩy lùi vào quá khứ. 

Minh Trâm


Bài 2: “Đừng gọi em là ân nhân”

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI