Hàng trăm hộ dân tay trắng sau lũ

19/11/2020 - 07:51

PNO - Nắng, đã bắt đầu le lói ở phía bên kia ngọn núi. Con suối Nước Mát cũng không còn cuồng nộ cuốn trôi mọi thứ. Họ lại kéo nhau ra phía bờ suối, hi vọng cuối cùng về những gì còn có thể sót lại cũng nhanh chóng bị dập tắt. Sau lũ, họ tay trắng.

Suối Nước Mát cuồng nộ

Nhắc về kí ức kinh hoàng đó, chẳng ai muốn. Nhưng có lẽ, họ chẳng thể thoát ra được nỗi ám ảnh về cái ngày mà họ mất trắng. Nước mắt, như chực sẵn ở trên khóe mắt. Để khi nhớ về là chảy dài trên gò má. Họ, chẳng còn gì từ ngôi nhà, của cải cho đến ruộng, vườn…

Sau lũ, họ tay trắng. Những giọt nước mắt chảy tràn trên má
Sau lũ, họ tay trắng. Những giọt nước mắt chảy tràn trên má

Cái ngày con suối Nước Mát nổi cơn thịnh nộ, chẳng còn lại gì sau khi nó đi qua. Con suối cả mấy chục năm hiền hòa chảy giữa trung tâm xã Phước Thành là nơi người ta giặt giũ, trẻ con tắm mát lại trở mình, cuốn phăng mọi thứ.

“Con suối chỉ rộng cỡ chừng 2m, cả mấy chục năm chẳng có thay đổi gì. Vậy mà giờ nó biến thành sông, càn quét tất cả trên đường đi của nó. Nhanh đến mức, có nhiều người chỉ kịp ôm con chạy ra ngoài, khi ngoái đầu lại thì đã không thấy nhà mình đâu nữa”- ông Nguyễn Doãn Tuấn, Chánh văn phòng UBND xã Phước Thành kể.

Cơn lũ dữ đã làm biến dạng hoàn toàn nơi được xem là trù phú nhất của xã Phước Thành
Cơn lũ dữ đã làm biến dạng hoàn toàn nơi được xem là trù phú nhất của xã Phước Thành

Chiều 28/10, khi cơn bão số 9 (Molave) đổ bộ cũng là lúc hàng chục hộ dân ở đây nháo nhào chạy trốn. Thôn 2, trung tâm xã cũng là nơi trù phú bậc nhất của xã Phước Thành lâu nay không hề biết đến mưa bão thì nay chẳng còn lại gì sau cơn lũ quét. “Lên đây lập nghiệp ngót nghét cũng hơn 30 năm, nhưng chưa bao giờ thấy suối Nước Mát lại biến thành sông như thế. Thôn 2 là nơi được gọi là nơi an toàn, không cần phải di dời khẩn cấp. Vậy mà, 15 ngôi nhà hoàn toàn biến mất, hàng chục ngôi nhà khác cũng bị hư hại. Mất hết rồi”- bà Nguyễn Thị Lệ (54 tuổi, thôn 2) nói trong nước mắt.

Trong kí ức kinh hoàng về ngày hôm đó, người dân ở đây vẫn nhớ mãi hình ảnh ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã Phước Thành đứng cạnh dòng suối đang nổ đì đùng rồi khóc. Bởi lũ xuống quá nhanh, mọi người lại chủ quan, vẫn loay hoay lấy đồ đạc trong nhà để cất. Ông Phức gọi đến khản cả cổ, rồi bật khóc bất lực trước sự cuồng nộ của thiên nhiên.

“Cũng may nhờ thế người dân mới chạy ra kịp. Chậm một chút nữa không biết sẽ có chuyện gì xảy. May nữa là lực lượng công an, dân quân tự vệ và chính quyền xã gần như lôi người dân ra khỏi nhà mới thoát chứ không thì bỏ mạng phải mấy chục người”- bà Hồ Thị Hoa (47 tuổi, thôn 2) hồi tưởng.

Tương lai bất định

Những công trình kiên cố cũng không chịu nổi sức tàn phá khủng khiếp của trận lũ quét
Những công trình kiên cố cũng không chịu nổi sức tàn phá khủng khiếp của trận lũ quét

Dòng nước lũ mang theo những hòn đá tảng to bằng cả ngôi nhà đổ xuống va vào nhau nổ đì đùng. Nó đã làm cho 104 ngôi nhà bị hư hỏng. Trong đó, có 49 ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, 55 ngôi nhà bị hư hỏng nặng. Có đến 45/56ha lúa nước bị vùi lấp; 80ha cây lâu năm mà ở đây chủ yếu là quế bị vùi lấp; 43 con trâu bò chết và mất tích; hơn 1.300 gia cầm bị chết… Họ, hoàn toàn trắng tay sau lũ.

Lên xã Phước Thành từ những đợt buôn chuyến, rồi chọn đây làm nơi sinh sống cũng hơn 30 năm. Ki cóp mãi rồi vợ chồng, con cái cũng dựng được cái nhà đàng hoàng để ở. Rồi mở rộng kinh doanh, buôn bán, định bụng ít năm nữa rồi dắt díu nhau về xuôi dưỡng già. Nhưng sau cơn lũ, bà Lệ chỉ còn lại đôi bàn tay trắng. “Nước lũ lên quá nhanh, đâu kịp làm gì, chỉ cắm đầu chạy lên phía trên Trạm y tế của xã mà trốn. Ngoái đầu lại, ngôi nhà chẳng còn gì. Đến cái nền nhà cũng chẳng còn. Không còn thứ gì. Vốn liếng, của cải tích cóp cả 30 năm, trôi sạch”- bà Nguyễn Thị Lệ nói đến đó thì nghẹn lại.

Những ngôi nhà còn sót lại cũng chực chờ bên bờ vực sạt lở
Những ngôi nhà còn sót lại cũng chực chờ bên bờ vực sạt lở

Những người mất nhà giờ tìm về nhà người thân quanh đó để ở tạm. Những người như bà Lệ, chị Ly, chị Hà… là người ở dưới xuôi nên phải nương náu ở Trạm y tế xã, cách ngôi nhà bị cuốn trôi của họ mấy bước chân. 15 hộ với gần 70 người đang từng ngày chia nhau những ký gạo, gói mì ăn liền, ít cá khô để ăn từng bữa qua ngày. Rồi chung nhau tấm chăn đắp trong các phòng của Trạm y tế. Cứ thế, lay lắt.

“Giờ hỏi em bắt đầu lại từ đâu thì đúng là em chẳng biết. Trên người, đến bộ áo quần cũng là người ta cho thì làm lại bằng cái gì?”- chị Nguyễn Thị Mai Ly (30 tuổi, thôn 2) nói, hai dòng nước mắt chảy tràn trên gò má. Vợ chồng Ly là nhân viên y tế ở trạm. Dắt díu nhau từ xuôi lên đây cũng đã được hơn 10 năm, tích cóp, vay mượn cả trăm triệu để dựng được ngôi nhà khang trang cách đây 3 năm thì nay đã biến mất hoàn toàn. Ly suy sụp, khóc suốt. Hàng ngày chỉ đi ra đi vào ở trạm, nhìn về phía ngôi nhà đã biến mất.

Đã 20 ngày nay, 15 hộ dân đang phải tạm trú trong trạm y tế xã chỉ ăn cơm với cá khô và ít rau tự kiếm được
Đã 20 ngày nay, 15 hộ dân đang phải tạm trú trong trạm y tế xã chỉ ăn cơm với cá khô và ít rau tự kiếm được

Để liệt kê ra những thiệt hại như của bà Lệ, chị Ly hay những người mất trắng sau lũ, thì không đếm xuể. Dưới đống đổ nát hoang tàn, là sự đau khổ đến cùng cực trước tương lai vô định.

Tôi hỏi anh Nguyễn Doãn Tuấn, về phương hướng tái thiết trong thời gian tới sẽ như thế nào? Anh chỉ lắc đầu: làm dần từng cái thôi. Với chừng đó gạo được hỗ trợ cộng với số lương thực của các nhà hảo tâm, người dân không nhà cửa chỉ đủ sức cầm cự trong 15 ngày tới, vì xã đã bị cô lập tới 20 ngày rồi.

“Rồi sau đó thì sao? Khi hết gạo?”- tôi hỏi. “Khi đi vào đây, anh có thấy cánh thanh niên chạy ra phía ngoài nhiều không? Đó là họ đi làm đấy. Khi bị cô lập 20 ngày, không có đường ra nên đành ở nhà. Giờ thông đường rồi thì cũng túa ra tứ phía, góp nhặt từng đồng để lo cho những ngày tiếp theo. Phải thế thôi chứ biết làm sao giờ. Ngân sách, nguồn lực từ địa phương cũng có hạn, đâu thể cứ chu cấp mãi được đâu”- anh Tuấn thở dài.

Họ vô tội, ngơ ngác trước sự phán xử nghiệt ngã của thiên nhiên., Những đứa trẻ ngơ ngác trước sự nghiệt ngã của thiên nhiên

Câu chuyện tái thiết lại cuộc sống của người dân ở đây quả thật bế tắc. Giao thông, thủy lợi bị phá hủy hầu như hoàn toàn; mọi sinh kế của người dân đều đi vào ngõ cụt, bởi vốn liếng ở đâu ra? Nhà cửa đâu để họ duy trì cuộc sống? Ngay đến bản thân họ, cũng chẳng dám tin về một tương lai sáng sủa hơn. Họ vô tội, ngơ ngác trước sự phán xử nghiệt ngã của thiên nhiên.

Nguyễn Dương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI