Hàng ngàn động vật hoang dã Nam Phi bị buôn lậu đến Trung Quốc

18/05/2020 - 11:00

PNO - Mới đây, một số tổ chức bảo vệ động vật hoang dã ở Nam Phi đã công bố một báo cáo điều tra cho thấy tình trạng buôn bán động vật hoang dã từ đất nước châu Phi này sang Trung Quốc đã đến mức báo động.

Báo cáo chỉ rõ các động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng như tinh tinh, khỉ, hươu cao cổ, hổ và sư tử được các nhà xuất khẩu liên quan đến các tập đoàn tội phạm và tham nhũng bán sang Trung Quốc dưới vỏ bọc xuất khẩu hợp pháp.

Một con voi châu Phi tại sở thú Vũ Hán, Trung Quốc - Ảnh: Getty Images
Một con voi châu Phi tại sở thú Vũ Hán, Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Theo báo Anh Independent, những con khỉ “bị đánh cắp” từ môi trường tự nhiên, cùng với báo, hổ, tê giác, sư tử và cầy vằn, bị buôn bán đến các rạp xiếc, công viên giải trí, phòng thí nghiệm, sở thú và công viên safari ở Trung Quốc.

Báo cáo của tổ chức Cấm buôn bán động vật (BAT) và tổ chức từ thiện EMS có trụ sở tại Nam Phi cho biết, tính từ năm 2016 đến năm 2019, ít nhất 5.035 động vật hoang dã sống các loại được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu phát hiện cách thức một số thương nhân địa phương móc nối làm ăn với các tập đoàn tội phạm có tổ chức quốc tế và thực hiện trót lọt các thương vụ bằng giấy phép giả, nhưng không một kẻ phạm tội nào bị truy tố.

Cũng theo tờ Independent, sau khi đến Trung Quốc, nơi không có luật về động vật nuôi nhốt, các loài thú Nam Phi dường như đã biến mất, có thể chúng đã bị giết hoặc tiếp tục được bán đi các nơi trong nước.

Những con hổ được huấn luyện trong một rạp xiếc Trung Quốc - Ảnh: Getty Images
Những con hổ được huấn luyện trong một rạp xiếc Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Báo cáo nhấn mạnh, các thương vụ hợp pháp và bất hợp pháp đan xen nhau đến mức không thể tách rời. Cũng theo báo cáo, đường đi của động vật hoang dã từ Nam Phi đến Trung Quốc bị những kẻ buôn lậu thao túng, chúng khai thác những lỗ hổng trong hệ thống cấp phép, thực thi và giám sát toàn cầu.

Sở thú, cũng như các nhà môi giới và các công ty bán buôn, đứng đằng sau việc buôn bán động vật bắt từ tự nhiên, nhưng hầu hết các giấy phép (giả) đều vi phạm các quy định và không thể xác minh, có nghĩa là hầu hết động vật hoang dã xuất khẩu trong giai đoạn 2016 - 2019 là bất hợp pháp.

Nam Phi là nước “giàu” thứ năm ở châu Phi và “giàu” thứ 24 trên thế giới về số lượng các loài động vật có vú, chim, bò sát và lưỡng cư đặc hữu. Chính phủ nước này cho biết, việc bán sừng tê giác phải lập hồ sơ và tuân theo quy định nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, Nam Phi không phải là quốc gia duy nhất bán động vật hoang dã cho châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Zimbabwe thường xuyên xuất khẩu voi con đến các sở thú ở Trung Quốc kể từ năm 2012, theo số liệu của tổ chức Humane Society International, Trung Quốc đã mua tổng cộng 108 con voi từ Zimbabwe.

Hơn 100 con hươu cao cổ Nam Phi đã được gửi đến một vườn thú Trung Quốc nơi đang giữ kỷ lục thế giới về việc có số lượng động vật lai cao nhất, nhưng “có giá trị bảo tồn bằng không”.

Ở Trung Quốc nhu cầu về các sản phẩm từ động vật hoang dã vẫn rất cao, một cuộc điều tra năm 2018 cho thấy rượu hổ cốt được bán công khai tại các cửa hàng. Báo cáo cũng nêu rõ việc tiêu thụ động vật như hổ, loài đang bị đe dọa về quần thể hoang dã, được hợp pháp hóa bằng cách nuôi nhốt. Số liệu của Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã (WWF) cho thấy số hổ bị nuôi nhốt trên thế giới còn nhiều hơn số lượng loài thú này trong tự nhiên.

Báo cáo cũng đề cập đến điều kiện nuôi nhốt chất lượng kém và thiếu vệ sinh tại các trung tâm nhập khẩu động vật hoang dã của Trung Quốc. Môi trường nuôi nhốt tạo điều kiện cho thú bị bệnh, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Thanh Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI