Hai tấm ảnh cũ và chữ “giá như”

04/04/2016 - 14:26

PNO - Dù cái bóng này là của bạn trai tôi, nhưng nhìn thấy nó, tôi vẫn rùng mình.

Nó khiến tôi nhớ lại hình ảnh gớm ghiếc và cái bóng to lớn của người đàn ông, chính là một người họ hàng đã xâm hại tôi khi tôi mới 14 tuổi. (ảnh của T.L, 20 tuổi, lao động tình dục tham gia dự án “Cuộc đời tôi- ước mơ tôi”- 2014).

Hai tam anh cu va chu “gia nhu”

Cuối năm 2014, tôi có làm 1 dự án ảnh cùng Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và tổ chức phi chính phủ PLAN về các lao động tình dục nữ trẻ tuổi. Trong dự án này tôi có chụp về đời sống của các cô gái cũng như huấn luyện họ dùng máy ảnh kể lại câu chuyện và ước mơ của chính mình. Những bức ảnh triển lãm sau đó được triển lãm và in thành 1 quyển sách nhỏ. Có 1 tấm ảnh tuy không thật xuất sắc về kỹ thuật nhưng nội dung của nó khiến cho tôi mỗi lần xem là rùng mình.

Tấm ảnh được 1 cô gái mới ngoài 20 tuổi chụp- chỉ là 1 cái bóng của cậu bạn trai in trên tường. Cô ấy sợ những cái bóng vì mỗi lần nhìn nó cô lại nhớ lại hình ảnh gớm ghiếc của lão hàng xóm đồi bại, cũng chính là 1 người họ hàng đã xâm hại tình dục cô từ năm cô chưa đầy 14 tuổi. Sang chấn tâm lý ấy cộng với hoàn cảnh gia đình đã đẩy cô gái trẻ năm 16 tuổi bước chân vào con đường làm gái. Và không chỉ có T.L (tên cô gái) mà hầu như tất cả các cô gái tham gia dự án khi tôi phỏng vấn đều kể cho tôi những câu chuyện bị xâm hại tình dục từ lúc nhỏ, bị quấy rối tình dục khi lớn lên. Chúng thực sự là những “vết sẹo” không thể xoá mờ trong tâm trí.

Phóng sự trên VTV phát cách đây ít hôm phản ánh về sự việc đối tượng Đỗ Văn Nam, làm bảo vệ ở trường Tiểu học nội trú La Pán Tẩn (huyện Mường Khương, Lào Cai) vừa bị khởi tố, bắt giam về hành vi dâm ô với trẻ em- 23 em học sinh chủ yếu là lớp 4,5 (10,11 tuổi) trong suốt thời gian dài bị đối tượng Nam dụ dỗ vào phòng bảo vệ và thực hiện các hành vi xâm phạm tình dục.

Khi được hỏi, các thầy cô ở trường La Pán Tẩn đều thấy “bàng hoàng” “không ngờ tới” và ai cũng bày tỏ sự hối tiếc “giá như đã có thể gần gũi, sâu sát các em hơn” để biết sớm. Các em nhỏ bị xâm hại đều là học sinh dân tộc Mông. Chúng vốn nhút nhát, ít khi dám chủ động nói chuyện với thầy cô. Có chuyện gì cũng cùng lắm là trao đổi với nhau, bằng tiếng dân tộc nên các thầy cô giáo chỉ biết chuyện khi sự vụ vỡ lở, khi một số em nghỉ học vì sợ hãi không dám đến trường. Nhìn những gương mặt trẻ măng của các thầy cô thất thần trong phóng sự, tôi vừa thương, mà vừa giận. Tôi chợt nghĩ: Giá như mà các thầy cô hiểu được tiếng Mông, chỉ cần ít thôi đủ để nói chuyện được nhiều hơn với bọn trẻ con thì biết đâu sự việc khủng khiếp này đã không diễn ra trong một thời gian dài đến vậy?!

Hai tam anh cu va chu “gia nhu”

Tấm ảnh trên đây tôi chụp đã gần chục năm tại 1 ngôi làng ở xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, Hà Giang. Trong ảnh là thầy Xuân, thầy giáo dạy tiểu học đã có hơn 30 năm gắn bó với vùng cao. Thầy cũng chả nhớ biết bao thế hệ học sinh đủ mọi dân tộc thiểu số: Mông, Dao, Pà Thẻn, Tày, Lô Lô… đã từng được thầy dạy cho từng con chữ đầu tiên. Chúng chả nói được tiếng của nhau, tiếng phổ thông hẵng còn bập bẹ nhưng thầy Xuân thì biết hết.

Thầy tự học tất cả những ngôn ngữ thiểu số ấy để nói chuyện với chúng, để dạy dỗ từng đứa được tốt hơn. Tôi đùa với thầy “đáng nhẽ thầy phải là nhà ngôn ngữ học” còn thầy cười và bảo: “không, tôi chỉ là phiên dịch viên cho đám học trò khi chúng nó cãi nhau hay muốn trao đổi”. Năm ngoái, dịp 20.11, tôi định lên lại Quang Bình để tìm thầy Xuân cho 1 một bài viết của mình thì được tin ông thầy giáo già mới mất do bệnh sau khi về hưu được ít năm. Tin ấy làm tôi bần thần mất cả ngày…

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI