Gửi trưởng phòng K.

08/05/2017 - 15:42

PNO - Vậy là cuộc giải cứu lao động trẻ em tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân bất thành. Chính xác là nó đã không xảy ra đúng như thời điểm dự tính.

Thảng thốt, lo sợ, ray rứt, đau xót của những người lớn khi không thể/chưa thể giải cứu những lao động “nhí”, như đã cam kết, chắc chắn và là hiển nhiên - như mục tiêu của loạt phóng sự trên báo Phụ Nữ. 

Tức giận, phẫn nộ, thất vọng về một số người lớn bởi sự chậm trễ, lơ là, vô cảm và muôn vàn dấu hỏi đằng sau nó để những cú chỉ đạo tức tốc đã không kịp, xuống đến những nhà xưởng - hiện trường, chỉ đêm trước còn chen chúc cả chục đứa, nay vắng ngắt, bặt tăm, không một bóng dáng trẻ con đang lao động! 

Gui truong phong K.
Nhiều cơ sở “án binh bất động” khi đoàn kiểm tra đến.

Mặc cho những nỗ lực, tính toán của chúng tôi, từ ngày 3/5, đã cung cấp mọi chứng cứ, địa chỉ nhà xưởng có sử dụng lao động trẻ em với mong muốn, đại diện chính quyền và các cơ quan hữu quan của quận Bình Tân có thể phối hợp để kiểm tra, giải cứu cho các em khỏi những “điểm đen” lao động bất hợp pháp này. 

Họ đã hứa, đã cam kết, đã sẵn sàng. Nhưng rốt cuộc, không một chút nhúc nhích, thứ Năm, thứ Sáu, ngày cuối tuần, vị trưởng phòng nói, để qua tuần. Một câu trả lời có vẻ như thói quen, ném mọi nỗ lực, mọi chuẩn bị, kể cả những nguy hiểm để đi tìm sự thật và chứng cứ đằng sau những xưởng dạy nghề, xưởng may gia công, nhà hàng, tiệm ăn… đã và đang sử dụng lao động trẻ em; ném luôn những đứa trẻ từ 12, 14, 16 tuổi từ nhà xưởng này sang những nhà xưởng khác, tiếp tục làm “ cỗ máy kiếm tiền” cho đám cò, chủ xưởng, nhà hàng…

Nếu những lao động “nhí” ở các nhà xưởng, qua một đêm đã trở nên vô hình thì không ít vị công bộc liên quan đến việc xử lý vụ việc nói trên là người vô cảm, vô trách nhiệm. Bởi, hãy nhìn những đứa trẻ đen đúa, ốm yếu, xanh mướt, chỉ bằng một tờ giấy thỏa thuận giữa cha mẹ và một tay cò, lập tức chúng rời khỏi cái tổ ấm gia đình, dẫu có xiêu vẹo, trống trước dột sau, để tấp về một nơi xa lạ. Từ đấy, chúng sống bầy đàn, chật chội, thiếu thốn, dơ bẩn, qua năm này tháng nọ trong những khu nhà xưởng. 

Những ông bà chủ “chuyên nghiệp” và “nhân văn” đến độ tuyển dụng lao động trẻ em để cắt, may áo quần trẻ con, hẳn họ nghĩ, chỉ có trẻ con mới có thể cắt, may vừa vặn, đẹp đẽ những trang phục cho chính chúng?

Gui truong phong K.
Các em nhỏ làm việc ở cơ sở 557/60/47 Hương Lộ 3 bỗng dưng biến mất sau hai ngày.

Những người lớn biết chữ, chỉ nguệch ngoạc vài chữ “cho con đi học nghề” là đổi thành “làm nghề”, làm không được, không tới là có thể ăn tát, ăn đấm và quăng trả về nhà như chơi! 

Những vị công bộc lãnh lương phụng sự “chăn dắt con dân” trong địa bàn mình cai quản, liệu có nắm những nhà xưởng đã tồn tại nhiều năm nay, có nơi trên dưới mười năm, để tự hỏi, những đứa trẻ qua vài năm lớn lên trong môi trường khắc nghiệt và rẻ mạt ấy, sống trong cảnh chui rúc, tăm tối ấy, chúng có gì và sẽ mang theo điều gì để vào đời - khi trở thành người trưởng thành? 

“Khi nhận được phản ánh các địa chỉ có nghi vấn sử dụng lao động trẻ em, chúng tôi phải phối hợp với Phòng Kinh tế và UBND phường để rà soát lại tên các cơ sở. Sau đó, mới tham mưu cho UBND quận ra quyết định kiểm tra. Cho nên, việc kiểm tra không thể diễn ra trong 1 hoặc 2 ngày”. 

Xin phép được đồ chữ cái phát biểu của vị Trưởng phòng LĐ-TB-XH Q.Bình Tân. Lời của “ngài” khiến tôi nhớ đến nhân vật trưởng thôn trong tác phẩm Lâu đài của nhà văn bậc thầy Kafka (1883 - 1924). Văn phòng làm việc của ông ta bị choán hết một nửa bởi giấy tờ, cũng là để “tham mưu” cho quý ông Klamm và ngài bá tước West West - những kẻ đại diện cho quyền lực thiết chế vô hình tại xứ sở lâu đài - một xã hội thu nhỏ. 

Nhưng nếu trong Lâu đài, nhân viên đạc điền K. (không có nổi một cái họ tên cho ra nhẽ) là kẻ cô độc với mọi cảnh trạng trì trệ, mụ mẫm, phi lý của làng, của thế giới lâu đài kỳ quặc, bởi đơn giản, chàng có khát vọng, có hiểu biết, có sự đương đầu chống lại cái tăm tối, phi nhân; thì trong câu chuyện nhỏ bé về những đứa trẻ bé nhỏ bị bỏ rơi ở các xưởng lao động vừa qua, tôi lại thấy vị trưởng phòng K. (như một hệ số trong biểu thức bộ máy chính quyền đang tồn tại và vận hành ở mọi nơi) của quận B. lại không hề đơn độc; sự bàng quan, thói vô cảm, vô trách nhiệm, tính quan liêu vẫn đang nhung nhúc đâu đó, bên trong những chiếc áo công bộc, luôn sẵn lòng hô hào vì dân phục vụ…

Nhưng thưa ngài trưởng phòng K của quận B., xét cho tận cùng, tôi lại thấy ngài là kẻ cực kỳ cô độc, mặc dù, có thể, với bản thân, ngài không hề thấy điều đó. Ngài dối trá một cách…trung thực và cô độc một cách hoang tưởng khi nghĩ mình thuộc về… tập thể, nơi vẫn còn nhiều điều tốt đẹp và nhiều người tử tế. 

Ngài cô độc và dối trá với chính lý tưởng, mục tiêu mà ngài luôn cho rằng mình theo đuổi, mình phụng sự; với những đồng lương mà ngài vẫn xòe tay nhận lãnh mỗi ngày mỗi tháng mỗi năm. Không có mục tiêu, lý tưởng nào tốt đẹp hơn ngoài việc làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn lên, con người được chăm lo, bảo vệ, tôn trọng như chính mưu cầu của nó, quyền nhân sinh của nó. 

Ngài cô độc và dối trá với những con số mồm một, những địa chỉ rõ ràng (mà chúng tôi đã liệt kê), những cái họ tên đầy đủ, nó khác những bản báo cáo đẹp đẽ, chỉn chu, nó đôi khi chấp nhận “đặc cách” quy trình, thủ tục để lập tức mà hành động, bởi sự chậm trễ, trù trừ trong một giây khắc có thể trở thành là tội lỗi, khi những đứa trẻ tiếp tục bị hành hạ, đày đọa, không có ngày về. 

Ngài cô độc và dối trá với cuộc sống mà ngài đang thụ hưởng, đang mang ơn, kể cả với những điều mà ngài đang coi rẻ, đang sang tay - thì chính nó cũng là để góp thêm một dư âm cuộc sống - dù cái dư âm ấy buồn và tủi nhục vô hạn - bên cạnh những điều tươi đẹp và có ý nghĩa khác. 

Một cuộc giải cứu bất thành để nhận ra còn quá nhiều điều bất khả và lắm kẻ bất lực! 

Lê Huyền Ái Mỹ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI